05/10/2016 11:02
05/10/2016 11:02
Vì sao gọi là chợ Bến Thành?
Là một thị trường nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, chợ Bến Thành được xem là một biểu tượng, điểm đến vô cùng thú vị cho không chỉ du khách quốc tế mà còn cả với người dân địa phương. Dạo quanh, mua sắm, khám phá chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tour du lịch Sài Gòn.
Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả như là "phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông.
Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất.
Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói.
Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ. Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.
Đến tháng 7 năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh
Khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Chợ Bến Thành hiện nay nằm ngay trung tâm quận 1 của TP.HCM, tổng diện tích 13.056 m2. Trong đó, có 5.276 m2 kinh doanh, 6.116 m2 lối đi và 1.664 m2 hành lang, văn phòng, nhà vệ sinh.
Các tiểu thương ở chợ Bến Thành ngày nay không còn mang hình ảnh những phụ nữ cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó như trước đây nữa mà đều là những nhà kinh doanh thực thụ.
Hiện nay, nó là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Đông Dương xưa.
Hàn Yên (Tổng Hợp)
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vi-sao-goi-la-cho-ben-thanh-a6525.html