Đất Vua Hùng

Làng tôi hình thành từ thế kỷ XIII. Hồi đó vùng Hoan Châu còn gọi là "đất trại", nhưng trong hương sử vẫn ghi là "Hùng Vương địa". Ông tị tổ của dòng họ tôi là Vũ Hồn, trong tộc phả có nói rõ là khởi phát từ Thái Nguyên, sau về Nam Sách (Hải Dương). Đến triều đại nhà Trần, theo dòng người di dân về phía Nam, ông Võ Phúc Thiện vào cắm đất bên bờ sông Bùng thuộc huyện Diễn Châu và hình thành nên làng Hậu Luật ngày nay.

Điều đáng lưu ý là người Việt Nam bất kỳ khởi phát từ đâu và cư trú ở đâu cũng tự nhận là "Hùng Vương địa". Trong mấy thập kỷ gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều di chỉ chứng minh con người đã in dấu chân của mình trên địa bàn Hoan Châu từ thuở xa xưa. Di chỉ hang Thẳm Hoi thuộc huyện Con Cuông, hàng Lẽn Rỏi thuộc huyện Tân Kỳ, khai quật năm 1972, được xác minh là nằm trong hệ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Di chỉ làng Vạc thuộc huyện Nghĩa Đàn với hàng chục trống đồng qua nhiều lần khai quật, được xác minh là hệ văn hóa Đông Sơn. Di chỉ lèn Hai Vai quê tôi cùng với di chỉ Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) thuộc văn hóa hậu kỳ đá mới... Như vậy, địa bàn cư trú của người Việt cổ đã mở rộng xuống phương Nam từ thời vua Hùng mở nước.

Tại quê hương đất Tổ Phong Châu, thần thoại và truyền thuyết rậm rạp như rừng cây thuở nguyên sơ. Nhưng trong cánh rừng thần thoại ấy, không thể không chú ý đến hình tượng núi Hùng vươn ra như một con rồng đầu hướng về Nam. Một lần, trên con đường tìm đất định đô, Vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, mộng thấy con rồng này chở vua bay lên và tiến dần vào phía Nam. Vua họp quần thần và quyết định đóng đô tại vùng đất này. Qua nhiều thế hệ, hình tượng con rồng được hoàn chỉnh với một miền núi non hùng vĩ. Đầu rồng là Nghĩa Lĩnh, nơi dựng đền và mộ Hùng Vương. Thân rồng uốn lượn bởi những ngọn núi Pheo, núi Trọc, núi Vặn... Xung quanh nhấp nhô núi cao đồi thấp như voi chầu hổ phục. Có núi Phượng cặp thư. Có núi Rùa ngẩng đầu chào...

Theo hướng của giấc mộng Vua Hùng được rồng cõng bay lên trời và tiến vào phía Nam, ta có thể thu lượm được nhiều điều kỳ thú. Thần tích về thời đại Hùng Vương rậm rạp ở phía Bắc thì cũng có rải rác ở phía Nam.

Trên con đường vào thôn Chanh, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà, nổi lên một cồn đất um tùm cây cối giữa cánh đồng chiêm trũng. Trong lùm cây ấy có một ngôi miếu nhỏ ẩm mốc rêu phong. Đó là miếu thờ Thánh Gióng. Tương truyền lúc Thánh Gióng phi ngựa sắt đánh giặc. Thánh bị thương, nhỏ ra một giọt máu tại đây. Giọt máu ấy mọc lên thành lùm cây. Dân bản địa xây miếu thờ Thánh trong lùm cây. Sau khi xây xong, đất nổi lên thành cái gò và đội ngôi miếu lên cao. Trên bệ thờ có hai bát hương, một bát đặt trên và một bát đặt thấp hơn. Các lão nông thôn Chanh giải thích: "Thánh Gióng là vị Tướng tài của Vua Hùng thứ 6. Cho nên thờ Thánh thì phải thờ cả Vua. Bát hương đặt cao hơn là thờ Vua Hùng. Bát hương đặt thấp hơn là thờ Thánh Gióng".




Đền thờ Hùng Vương trong Thảo Cầm Viên thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: cvlsvhdt.hochiminhcity.gov.vn

 
Trong thời kỳ đất nước bị tạm thời chia cắt (1955 - 1975), để tưởng nhớ về đất Tổ bốn ngàn năm, nhân dân đã góp tiền xây đền thờ vọng các Vua Hùng tại Nha Trang (Khánh Hòa), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Thảo Cầm Viên (thành phố Hồ Chí Minh), Bà Rịa, Vũng Tàu, Cà Mau.

Bà con Việt kiều cũng xây đền thờ vọng Vua Hùng tại Paris (Pháp), Caliphoócnia (Mỹ), cử người về tận đền Thượng núi Nghĩa Lĩnh lấy đất và chân hương đặt vào hậu cung để thờ. Một Việt kiều ở Paris viết thư về nước với những dòng xúc động: "... Ở đâu có người Việt là ở đó có đất Vua Hùng. Dẫu chính kiến khác nhau, đã là người Việt, đều chung một dòng máu, đều sinh ra từ đất Vua Hùng...".

Trong cuốn sổ lưu niệm của Bảo tàng Hùng Vương, ta đọc được ý nghĩ tôn nghiêm của những người đến dâng hương từ bốn phương trời.

Một cô gái từ đồng bằng sông Cửu Long, không ký rõ tên, ngày 7-5-1976, ghi: "Chúng tôi đến đây với tất cả ước mơ của những người con từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tất cả tấm lòng của những người con vùng đất cuối cùng của Tổ quốc... Chúng tôi muốn thưa với Tổ tiên và với Bác Hồ rằng: Miền Nam đã sắt son chung thủy trở về nguyên vẹn với cội nguồn...".

39 linh mục và 85 tu sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh, kính cẩn khấn rằng: "Trước khi là người tôn giáo, chúng tôi là người Việt Nam. Đã là người Việt Nam thì phải có Tổ tiên và gia đình".

Ông Vũ Ngọc Sơn, Việt kiều từ Mỹ về, ghi: "Đến viếng Đền Hùng, chúng tôi như những giọt máu trở về tim".

Ông Nguyễn Thế Quang, Việt kiều từ Pháp về: "Đối với tôi, lịch sử dân tộc không thể phai mờ được, dù phải xa quê hương yêu dấu hàng chục năm trời. Trở về cội nguồn với những người con cùng trong một bọc Tổ tiên".

Nhiều nhà sử học, dân tộc học và nhiều chính khách trên thế giới cũng đã phát hiện ra điều kỳ diệu trong tình cảm máu thịt của người Việt Nam, mà biểu tượng của tình cảm đó là Lăng Vua Hùng và đền thờ Vua Hùng. Ông Xtêphan Hinđơbơrăng, thay mặt đoàn Đài truyền hình Thụy Điển, ghi lại cảm tưởng của mình: "Truyền thống và cách mạng ở Việt Nam đã được kết hợp mạnh hơn bất cứ siêu cường nào". Giáo sư Tiến sĩ sử học Mỹ, Ket Taylo đã từng dành nhiều năm tháng để viết cuốn: Sự ra đời của Việt Nam. Ông đã đến Đền Hùng và đã để lại những dòng suy nghĩ chân thành: "Hôm nay tôi có dịp đến Đền Hùng Vương - điều đó rất có ý nghĩa với tôi, vì đã nhiều năm tôi nghĩ về thời đại Hùng Vương và khu vực này... Tuy tôi không phải là người Việt Nam, song tôi rất xúc động, nơi đây - nơi ra đời của nước Việt Nam...".

Các quốc gia khác có chung một thủ đô, một đài tưởng niệm liệt sĩ, một khải hoàn môn; nhưng khó tìm thấy một nơi nào có chung ngôi đền thờ Tổ tiên như quốc gia Việt Nam. "Giỗ Tổ Hùng Vương", mỗi độ xuân về, bốn tiếng ấy lại làm rung động trái tim hàng triệu con người từ Lũng Cú đến Cà Mau.

Một làng nhỏ ở Nghệ An, thế kỷ XIII, khi còn là "đất trại", cũng khẳng định ngay trong hương sử là "Hùng Vương địa". Đến cuối thế kỷ XX, ở Mỹ, ở Pháp cũng có đất Vua Hùng đặt trong đền thờ Vua Hùng. Một cụ già thuộc đạo Cao Đài ở Tiền Giang bắt người cháu nội dắt ra dự hội Đền. Cụ đã 87 tuổi, mắt mờ. Người cháu dắt cụ đi khắp đền Giếng, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Tay cụ run run cắm hương lên bàn thờ. Rồi cụ bắt cháu dẫn đến sờ vào án thư, sờ vào chân tường rêu phong. Khi đến Lăng Vua Hùng, nước mắt cụ dàn dụa, mười ngón tay gầy guộc rung lên sờ khắp xung quanh. Cụ nói với mọi người: "Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Trước khi từ giã trần thế, về chầu Tổ tiên, tôi đi một chuyến dối già về thăm lại mảnh đất đã sinh ra dòng giống của tôi"...

Bà Nguyễn Thị Đức gần trọn đời sống xa Tổ quốc, cùng cháu con hành hương về Phong Châu. Vừa bước đến mộ Tổ, bà quỳ sụp xuống, nức nở, xin được cầm một nắm đất dưới chân mộ. Rồi bà xuống đền Giếng, múc một bình nước - nước nguồn. Bà ghi vào sổ lưu niệm dòng ý nghĩ tôn kính: "Khi còn sống, tôi muốn được thờ Đất nước Tổ tiên tôi. Khi tôi chết, tôi muốn có một phần đất và nước của Tổ tiên đắp điếm cho phần mộ của tôi ở xứ người"...

Bất phân tôn giáo, chính kiến, tình cảm của người Việt chảy trong dòng máu Việt tự bốn nghìn năm trước và trường tồn bất tận. Bức hoành phi ở đền Thượng sơn vàng bốn chữ Việt Nam quần tổ - bốn chữ ấy, xa xưa, hôm nay và mai sau, mãi mãi vang lên như tiếng gọi hợp quần của dân tộc Việt Nam.

(Theo Báo Phú Thọ)

Võ Văn Thực

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dat-vua-hung-a6497.html