Làng nghề sơn mài nổi tiếng đất thành Nam
Cát Đằng nổi bật với sản phẩm truyền thống là sơn mài trên gỗ (chủ yếu là ngai, ỷ, kiệu, đồ tế lễ, thờ cúng). Tương truyền, các đồ sơn mài lâu đời, vẫn dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, các cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ yếu là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra. Các sản phẩm đó đó góp phần tạo nên một văn hoá đặc trưng của người dân Bắc bộ nói riêng và của người Việt Nam nói chung.
Đa dạng, phong phú sản phẩm sơn mài Cát Đằng.
Hiện nay, sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, chủ yếu là đồ gia dụng gia đình, đồ trang trí nội thất: bình, lọ, tranh, phù điêu... Sản phẩm có nguồn gốc từ Cát Đằng không những được tiêu thụ mạnh trong nước mà cũng là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước ASEAN. Có được thành công này, những nghệ nhân Cát Đằng đã sáng tạo ra cách làm sơn mài trên nứa, một sự pha trộn giữa “cổ” và “kim”: sự kết hợp kinh nghiệm lâu đời và chất liệu mới, để tạo ra sản phẩm độc đáo. Ông Phạm Văn Thịnh, ở thôn Thượng Thôn, đó làm nghề hơn 20 năm nhớ lại: sản phẩm sơn mài trên nứa có sơ khai từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sản phẩm ban đầu làm ra đơn giản, xuất khẩu kèm với mặt hàng sơn mài sang Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây. Khi thị trường Liên Xô không còn, nghề cũng bị mai một dần. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân tâm huyết trong làng không vì thế mà bỏ nghề, ngược lại càng kiên trì nghiên cứu thay đổi mẫu mã, chọn nguyên, phụ liệu có giá rẻ, nhưng bền, đẹp và không độc hại để sản xuất, rồi đi “gõ cửa” các nơi để chào hàng. Sau nhiều lần đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phù hợp với thị trường, khoảng 5 năm trở lại đây, khách hàng mới thực sự thích thú với những mặt hàng mới này.
Vị thế làng nghề trong giai đoạn hiện nay
Trong phát triển đa dạng của các ngành nghề Việt Nam, làng nghề Cát Đằng đã tồn tại từ lâu và hiện đang phát triển rất thịnh vượng. Có thể nói Cát Đằng mang những đặc trưng cho nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề sơn mài nói riêng ở Việt Nam trên nhiều phương diện. Nghề sơn mài đã và đang có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của người dân làng Cát Đằng giải quyết phần lớn lao động trong làng và lao động ở các vùng lân cận, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các sản phẩm của Cát Đằng có chỗ đứng nhất định trong đời sống tinh thần của con người. Ngày nay đến với Cát Đằng chắc hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của làng Cát Đằng về cơ sở vật chất cũng như về các loại sản phẩm thủ công truyền thống, người ra vào nhộn nhịp, đường xá được đổ bê tông, đèn cao áp sáng tận đến các ngõ xóm…
Những nghệ nhân miệt mài tạo ra những tác phẩm.
Với đà phát triển của làng nghề, tiềm năng về lao động, đặc biệt là những chính sách ưu tiên để phát triển làng nghề của Đảng và Nhà nước ta hiện nay làng nghề thủ công truyền thống Cát Đằng có đầy đủ điều kiện, cơ hội để phát triển và khẳng định vị thế của mình trong nghề thủ công truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi đó thì làng nghề thủ công truyền thống Cát Đằng không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định như: nguồn nguyên vật liệu phải nhập từ các tỉnh ngoài khá xa, chi phí vận chuyển tốn kém dẫn đến giá thành cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế tuy đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng số lượng không lớn, đội ngũ thợ có tay nghề cao sức khoẻ ngày một giảm dần việc truyền nghề cho con cháu lại chưa được tỉ mỉ, chính vì vậy để phát huy hết tiềm năng nội lực của mình cần phải được quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương để cải tạo môi trường thu hút khách du lịch đến thăm quan. Quan tâm phát triển hơn nữa Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Ý Yên đóng trên địa bàn để nguồn nhân lực có tay nghề cho làng nghề ngày một phát triển bền vững.
(Theo Làng Việt)