Những đứa trẻ dù còn nhỏ tuổi, nhưng hằng ngày vẫn phải tự mình qua sông để đến trường
Quanh năm dò sông
Từ UBND xã An Trung, nhìn về phía Đông, bên kia sông, những ngôi nhà ẩn hiện giữa rặng cây. Trời mùa đông, làn mưa nặng hạt càng làm tăng vẻ heo hút, xa xôi của những ngôi làng, dù về thực tế, chúng chỉ cách xã hơn 3km. Chỉ tay về hướng ấy, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung Nguyễn Trọng Tuấn, trầm tư: “Bên kia sông Đinh là làng Nước Loi (thôn 6) và Đồng Phê (thôn 5); đồng thời, cũng là nơi tập trung hơn 40 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã và hơn 200 ha đất canh tác lâm nghiệp và đất hoa màu. 100 hộ dân người H’re (trên 200 nhân khẩu) nhiều đời nay gần như bị cô lập và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy mỗi khi mùa mưa đến”.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện dò sông lội bộ của người dân địa phương qua lời kể của vị Phó Chủ tịch, sáng sớm trung tuần tháng 12, chúng tôi có mặt tại bến đò bắc qua làng Đồng Phê. Gọi là bến đò nhưng thực chất đây chỉ là bãi bồi bên sông - nơi con nước sông Đinh có phần êm ả, ít dữ tợn hơn cả. 8 giờ sáng, một nhóm thợ keo tập trung ngay bến để gọi đò sang sông. Trên tay họ, dao rựa lỉnh kỉnh, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới. Trong khi các chị đang trò chuyện, mấy anh thanh niên phụ giúp nhau khiêng chiếc đò nhôm xuống nước. Nghe chúng tôi ái ngại về dòng nước đang chảy xiết sau mấy trận mưa lớn vừa qua, anh Đinh Văn Bon (35 tuổi), ở làng Mang Gối, thôn 5 cười sảng khoái. Anh Bon bảo: “Con sông này rộng phải đến 150m. Ở đầu nguồn, lại nhằm mùa mưa, nước lớn và mạnh. Song, ngày nào cũng qua lại thành ra chuyện bình thường. Từ thời ông cha mình lúc trước đến đời mình rồi đời con cháu mình, cũng phải lội sông hoặc chèo đò đi làm thôi”.
Sáng ấy, ông Lê Phước Kiều (54 tuổi), thôn Tân Lập, xã An Tân, cũng xắn quần chuẩn bị vượt sông để ráp 3 cửa nhà và 1 cái giường cho người làng Đồng Phê. Là thợ mộc lâu năm, đã đi khắp An Lão để đóng cho người ta cái tủ, cái giường, cánh cửa... nên ông Kiều thông thạo đường sá lắm. Nói về sự bất tiện, trắc trở trong đi lại của bà con An Trung, ông gật gù: “An Trung còn cách trở bởi dòng sông này. Người ở đây muốn làm gì vượt khỏi phạm vi làng đều phải qua được sông mới xong việc. Đơn giản như chuyện ráp cửa nhà, ở nơi khác, người ta chở cửa, chở thợ về tận nhà bằng xe máy. Còn ở đây, họ phải nhờ họ hàng, người làng cùng khiêng qua sông. Thợ ráp như tui cũng phải chịu hai lượt lội sông mới nhận được tiền công”.
Với bộ dạng ướt sũng, bước lên từ dòng nước lạnh ngắt, chị Đinh Thị Gôn (28 tuổi), làng Đồng Phê, hối hả về xã để kịp hoàn tất một số giấy tờ liên quan đến vay vốn hộ nghèo. Ấy vậy, mà khi nghe chúng tôi hỏi thăm về những cách trở đường sá, như được “điểm trúng huyệt”, chị liền nán lại. Chị tâm sự: “Ở đây, mình lội sông từ khi còn nhỏ nên đoạn nào nhiều đá nhọn, đoạn nào nước cuốn dữ, nước cỡ nào thì nên đi..., người mình rành lắm. Nhưng mà, những bắt trắc vẫn luôn rình rập, tai nạn bất ngờ khó lường”.
Theo dòng hồi tưởng chị Gôn, những câu chuyện từng làm người phía Đông sông Đinh thót tim mỗi khi nhắc đến, hiển hiện. 8 năm trước, chị Đinh Thị Thanh, vợ anh Đinh Văn Đích (ở làng Đồng Phê, thôn 6), chuyển dạ giữa mùa nước lớn. Để kịp thời đưa chị đến Trạm y tế xã, người làng quyết định cắt cử mấy thanh niên khỏe mạnh dùng cây gỗ mắc võng, đưa vợ nhà Đích sang sông. Nâng võng trên đôi tay chắc khỏe, mấy anh thanh niên bắt đầu hành trình vượt sông khi con nước lên tới ngang ngực. Ai cũng cầu trời cho chân cứng đá mềm, chuyến vượt sông này thành công để mẹ tròn con vuông. Vậy mà, chị Thanh sinh con khi vừa đến giữa dòng nước. Đứa trẻ đỏ hỏn oe oe khóc. Bên dưới nó, nước cuồn cuộn chảy xiết. May mắn, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh. Đứa trẻ năm nào nay đã học lớp 4 và hằng ngày tiếp tục lội sông Đinh đến trường. Hay 2 năm trước, một cặp vợ chồng (ở làng Nước Loi, thôn 6), vĩnh viễn gửi mình vào lòng sông do bất cẩn trong lúc lội sông về làng sau khi đi ăn giỗ.
Vẫn bền lòng với con chữ
Ngày nào cũng vậy, khúc sông Đinh chảy ngang xã An Trung đều chứng kiến những đứa trẻ ở làng Đồng Phê và Nước Loi cần mẫn đến trường. Những đứa lớn dắt díu nhau giữa lòng sông mênh mông chảy xiết. Con trai vắt quần lên cổ, kéo vạt áo lên ngang ngực, kẹp chặt cặp sách, bì bõm băng sông. Thi thoảng, như muốn thử lòng kiên trì của lũ trẻ vùng cao, sông Đinh lùa những vóc dáng nhỏ bé ra xa nhau, rồi xô dồn trở lại. Tiếng í ới gọi nhau mỗi khi bị đánh dạt ra xa làm chộn rộn một khúc sông. Hình ảnh đó làm không ít phụ huynh đứng bên kia bờ dõi theo con lo lắng: liệu những đôi chân gầy nhom kia có bị sa chân, sấp ngửa gữa mênh mông?!
Cùng với đó, vài đứa trẻ nhỏ tuổi hơn đang được cha mẹ cõng đến lớp. Đến giữa dòng, những bà mẹ cố gắng rướn người cao hơn hoặc giục đứa con nâng mông để tránh bị ướt. Sang đến bờ, chị Đinh Thị Lít (27 tuổi), ở làng Đồng Phê vội chỉnh tề trang phục con gái Đinh Thị Yến Vy trước khi vào lớp. Chị Lít kể: “Con gái thích đến trường lắm nên bà ngoại và ba mẹ thay phiên nhau đưa cháu qua sông. Nước hôm nay chỉ lội ngang hông nên mẹ cõng đi, chứ lớn hơn nữa là giao cho ba. Cũng có bữa, hai mẹ con té nhào giữa sông, ướt cả hết quần áo, sách vở. Từ tháng 10 đến nay, hai lần nước dâng cao, con gái phải nghỉ học. Những ngày đó, nghe giọng nó buồn thiu - Vậy là con không theo kịp bạn bè rồi - thấy thương sao mà thương”.
Hơn 5 năm công tác Trường mẫu giáo An Trung, bà Lê Thị Tuyên, Hiệu trưởng nhà trường, ấn tượng với sự nhiệt tình của phụ huynh đối với việc học của con nhỏ. Cô Tuyên tâm sự: “Đều đặn mỗi ngày, phụ huynh 2 làng Đồng Phê và Nước Loi 2 lần bế con qua sông đến lớp. Mỗi tháng, họ còn cõng 20kg củi đến nộp cho bếp ăn bán trú của nhà trường. Đáng nói, phụ huynh thôn 6 còn chấp nhận đi thêm một quãng 3km sau khi vượt sông để đến điểm trường chính tại thôn 5 nhằm cho con mình được hưởng cơ sở vật chất tốt hơn thay vì học tại điểm trường cũ như trước”.
Cùng chung quan điểm ấy, ông Vương Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Trung, khẳng định: “Cách trở là vậy nhưng bao nhiêu năm qua, chưa có một trường hợp nào học sinh bỏ học”.
Bởi giấc mơ con chữ, bởi ước vọng về một tương lai phấn khởi hơn cho những đứa trẻ làng mình, bất kể nhịp nước sông Đinh có dữ dội, thất thường, việc đến trường vẫn không đứt quãng. Chúng tôi tin chắc vào điều ấy khi nhớ lại hình ảnh em Đinh Văn Khánh (ở làng Đồng Phê, học sinh lớp 5, Trường tiểu học An Trung) cùng bạn bè giơ cao cặp táp cho khỏi ướt, vượt qua cơn lạnh tím người do chiếc quần đùi ướt mang lại, tròng nhanh quần dài để chạy vào lớp; những em gái ở làng Nước Loi như Đinh Thị Khang (cùng lớp với Khánh và Thúy) được ba mẹ gửi gạo, ở nhờ nhà người quen để đường đến trường gần hơn... Và khoảnh khắc đẹp về bà mẹ H’re địu con trên lưng, kiên trì miết chân xuống lòng sông trơn trượt mà ống kính chúng tôi ghi lại được như tô đậm thêm ấn tượng về sự bền lòng với con chữ. Giữa cái nắng sớm mai, đứa trẻ lên ba vẫn yên giấc. Tựa như lời thơ của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, em là “mặt trời” của mẹ. Ắt hẳn trong giấc mơ ấy của em, những con chữ, bài ca tiếng hát trên lớp đang ngân nga.
Giấc mơ An Trung
Một cây cầu vững chãi bắc ngang sông Đinh là giấc mơ của bao thế hệ người dân xã An Trung. Không chỉ bà con làng Đồng Phê, Nước Loi khắc khoải, người dân ở các thôn Ta Mang Ghen, thôn 3, thôn 8 cũng mong mỏi không kém. Bởi lâu nay, có cầu, con đường đến trung tâm xã sẽ rút ngắn hơn, thay vì đều phải đi vòng lên thị trấn như hiện nay.
Chúng tôi mang niềm mong mỏi ấy đến gặp Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Bùi Tiến Dũng. Như “dò trúng đài” ông Dũng bắt chuyện: “Đáng mừng, tháng 9 vừa rồi, Bộ GTVT đồng ý hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng cầu treo Đồng Phê. Sau đó, đại diện một số bộ, ngành của Trương ương và tỉnh đã về khảo sát. Dù bản thiết kế về vóc dáng cây cầu chưa được tận mắt thấy, nhưng nghe nói cây cầu sẽ được khởi công trong năm 2015. Đây thật sự là tín hiệu vui không chỉ cho bà con ở An Trung mà cho cả huyện An Lão”.
Vậy là giấc mơ An Trung đã bước đầu thành hiện thực. Chỉ mong ngày những con đò chòng chành, nhịp chân trơn trợt giữa con nước trở thành quá vãng sẽ đến sớm với bà con nơi đây.
Lợi Nguyễn