Ký ức buồn ở bản Cỏi!

Bản Cỏi nằm nép dưới những rừng cây um tùm, được bao bọc bởi sương trắng mênh mông. Bản Cỏi thuộc xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Ở nơi này, có những ký ức buồn mà theo người dân nơi này “lạnh hơn cả mùa đông”. Đêm đêm, mỗi khi nghe tiếng trẻ con khóc người ta lại giật mình thảng thốt. Bởi ở nơi này, một thời đã có biết bao đứa trẻ bị treo lên ngọn cây của hủ tục bỏ con…
 



Chị Thương cùng các con quây quần bên gia đình nhỏ
 
Tiếng khóc nơi rừng vắng

Ai có dịp đi qua vùng núi Xuân Sơn sẽ được nghe về một hủ tục rợn người tại bản Cỏi. Đó là câu chuyện về những đứa trẻ sơ sinh bị chính cha mẹ ruột của mình đem vào rừng sâu, treo trên những ngọn cây cao, phó mặc sự sống cho giá lạnh, đói khát và thú dữ…

Ông Đặng Vĩnh Phúc, trưởng bản Cỏi rít một hơi thuốc lào thật sâu, đợi đám khói tan dần, ông trầm ngâm kể lại: “Chuyện những đứa trẻ mới chào đời bị bố mẹ đẻ mang vào rừng sâu, treo lên ngọn cây rồi bỏ ở đó là có thật. Thời đó, cứ nửa đêm về sáng, thi thoảng lại có những tiếng khóc thảm thiết của trẻ con phát ra từ những cánh rừng vắng. Lúc ấy, ai cũng biết là đang có một sinh linh vô tội bị phó mặc sự sống cho thiên nhiên. Nhưng ít ai có đủ can đảm để mang chúng về… Bởi ai cũng nghèo, người ta mang con đi bỏ cũng tại cái nghèo. Chính vì vậy, may mắn lắm mới có một vài đứa trẻ được cứu sống thời bấy giờ”.

Cũng trong câu chuyện buồn vào buổi chiều miền sơn cước lạnh buốt, ông Phúc buồn bã nói: “Khi đó, mỗi đứa trẻ bị mang vào rừng treo lên cây đều được cha mẹ chúng, đan một cái giỏ, rồi sắm dây thừng buộc vào. Đợi khi trời tối, họ đặt đứa bé vào đó, đậy lá lên rồi mang vào rừng treo lên cây rồi về nhà và không ai biết.

Có bận, người dân trong bản nghe tiếng khóc của một đứa trẻ cứ ré lên vì đói, vì lạnh. Nó kêu gào thảm thiết suốt 3 ngày, 3 đêm như không cam chịu... Người ta chỉ có thể cầu nguyện cho những sinh linh bé nhỏ ấy được siêu thoát, được bình an ở một kiếp khác…”.

Một trong những đứa trẻ may mắn được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần là chị Triệu Thị Thương (SN 1985), giờ đã lấy chồng, sinh con, sống ngay bên cạnh nhà ông Phúc. Chị Thương tâm sự: “Nghe mẹ nuôi tôi kể lại, tôi là đứa trẻ khá bụ bẫm, trên người không có dị tật gì, nhưng vẫn bị mang đi vứt bỏ. Lúc đó, khi cứu tôi thoát khỏi ngọn cây cao trong rừng vắng, bố mẹ nuôi tôi cũng đã biết ai là bố mẹ ruột của tôi ở trong bản. Nghe mẹ nuôi kể lại, gia đình tôi có 11 anh chị em, chắc tại đông con quá, lại nghèo đói nên tôi bị đem đi bỏ”.

Còn bà Bàn Thị Đoàn, mẹ nuôi của chị Thương cho biết: “Rạng sáng hôm đó, khi trời còn âm u tối, vợ chồng tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc trong rừng vắng. Biết là có một số phận đang bị phó mặc, chồng tôi cứ ra ra vào vào, tâm trạng ông ấy lúc đó bất an. Rồi ông ấy bảo, thôi vợ chồng mình ít con, hay ra cứu nó về nuôi, thêm con, thêm cháu càng vui. Thế rồi nó được chúng tôi mang về nuôi”. Thời bấy giờ, gia đình nhà bà Đoàn cũng không mấy khá giả, chị Thương được nuôi bằng tình yêu thương là chủ yếu, còn về ăn uống thì vô cùng khó khăn, mọi người phải san sẻ nhau từng miếng ăn.

Anh Bàn Văn P cũng là một trong số những đứa trẻ may mắn được cứu thoát. Giờ anh P đã là trụ cột của gia đình, anh bảo: “Tôi lớn lên, biết mình được cứu thoát từ ngọn cây. Tôi được bố mẹ nuôi chăm sóc khá kỹ, lúc đó tôi bị dị tật ở chân, nhưng sau này được bố mẹ nuôi chữa trị đã khỏi. Giờ tôi cũng đã lập gia đình, làm nghề máy xát gạo. Chúng tôi luôn nhớ ơn bố mẹ nuôi tôi đã cho tôi cuộc sống. Chuyện cũ qua rồi, tôi cũng không còn nghĩ ngợi, trách giận gì ai nữa…”.

Ông Đặng Vĩnh Phúc nói: “Bây giờ người dân không còn hủ tục man rợ như vậy nữa rồi, đời sống của người dân đã đổi khác. Giờ đó chỉ là những câu chuyện buồn được nhắc lại để cho lớp trẻ biết, chịu khó làm ăn không để đói khổ đến mức phải mang con đi bỏ, đi cho nữa… Những tiếng khóc trẻ con giờ là niềm hạnh phúc chứ không xót xa như xưa”.

Những người đem bỏ con đều bị “quả báo”?

Chị Triệu Thị Thương bộc bạch: “Nói thật, bây giờ, mỗi khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ con vào buổi đêm vắng, tôi vẫn thấy lạnh hết người. Nhiều lúc thấy như nghẹn lại trong tim, đau nhói. 10 anh chị em của tôi đều được nuôi dưỡng, tại sao tôi lại bị mang đi bỏ. Nghĩ như vậy nên tủi thân lắm. Bây giờ, cũng như những đứa trẻ may mắn được cứu sống khác, tôi không còn oán hận gì cha mẹ ruột. Nghe nói, sau khi bỏ tôi một thời gian, gia đình tôi di cư sang tận Hòa Bình để sinh sống. Được sự động viên của bố mẹ nuôi, tôi cũng đã đi tìm bố mẹ đẻ. Giờ những người anh chị em ruột của tôi thi thoảng vẫn đi lại với nhau. Đó là một kết cục có hậu. Nhưng nghe đâu cha mẹ tôi sau khi chuyển đi bị bệnh gì đó, cứ đau đầu rồi mất…”.

Cũng theo những người dân sống ở bản Cỏi, tất cả những gia đình trước mang con vào rừng để bỏ đều đi biệt xứ, không còn ai ở lại. Và một điều lạ là tất cả những người cha, người mẹ ấy đều mắc chung một chứng bệnh là đau đầu rồi chết. Theo họ, đây là một sự “quả báo” cho những bậc cha mẹ nỡ đem vứt máu mủ của mình, mặc chúng chết dần trong rừng hoang lạnh…

Ông Bàn Xuân Lâm – Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: “Việc nhiều đứa trẻ bị mang vào rừng bỏ là có thật. Do thời đó nghèo đói, nhận thức còn thấp. Hai chục năm trở lại đây, ở xã Xuân Sơn không còn hiện tượng này nữa. Tôi cũng đã từng nghe nói, những người cha, người mẹ bỏ con đều đã di cư, sinh sống tại nơi khác. Việc họ đều mắc chứng bệnh đau đầu, rồi chết khi còn rất trẻ là có. Nhưng theo tôi, đây có thể là do họ đã nhận thức được những việc làm sai lầm của mình, ân hận, suy nghĩ và chìm trong rượu nên bệnh tật mà chết”.
 
Đức Hạnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-buon-o-ban-coi-a642.html