Dàn Cung văn hát nhạc Lễ trong buổi hầu đồng - Ảnh: Ngô Sinh
Nét riêng
Nhạc chầu văn ra đời từ những làn điệu dân ca phía Bắc, cái nôi của người Việt cổ. Các thế hệ người Việt trong quá trình Nam tiến đã tiếp thu những giá trị văn hóa với tộc người phía Nam từ đó hình hành nét đặc trưng riêng của mình.
Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XX, thời kỳ nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế là Kinh đô của cả nước đã kết tinh, hội tụ nhiều sắc thái văn hóa trong đó âm nhạc thấy khá rõ nét. Ngoài những làn điệu như hò, vè , lý, nhạc Cung đình, nhạc Nghi lễ thì hình thành một thể loại mới gọi là nhạc Chầu văn, gắn liền với tính ngưỡng thờ Mẫu mà dường như tách khỏi âm nhạc xứ Huế.
Nhạc Chầu văn chính là quá trình biến lời trên những bài văn chầu được cấu thành bởi những khổ thơ lục bát hoặc song thất lục bát thành nhạc điệu. Nội dung của nó ca tụng các vị Tiên – Thánh – Thần có công chống giặc ngoại xâm, giúp đỡ dân lành trong việc trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay được thờ tự trong tính ngưỡng thờ Mẫu.
Chầu văn Huế có đặc trưng riêng, trên cơ sở hệ thống thang âm cổ truyền (thang năm âm – ngũ cung) của vùng Bắc Trung bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó mang tính không ổn định và thường chuyển biến trong thang âm vì lệ thuộc vào giọng hát, thủ thuật nhấn, rung, mổ… của cung văn.
Nhịp điệu cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chất đặc trưng của nó. Ở đây phổ biến là nhịp 2/4, ngoài ra còn có nhịp 3/7 nhưng ít khi sử dụng, nếu dùng thì ở trong bản văn thỉnh Hội đồng.
Ngoài việc sử dụng những làn điệu chính gốc như giọng Phú, Sắp, Thượng, Đài, Quảng, Cờn còn kết hợp những thể biến cách, kế thừa những làn điệu dân ca miền Bắc như Long lành, Trống quân, Ta lý, hát Thượng.
Trong Ca Huế thì có Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Chèo, Hò và khi sử dụng trong những buổi hầu đồng, mỗi làn điệu lại được tập hợp thành một liên khúc, bởi mỗi giá văn thường kèm một số hình thức diễn xướng phù hợp.
Dàn nhạc trong chầu văn cơ bản gồm có đàn Nhị, đàn Nguyệt, đàn Bầu, sáo, bộ gõ có phách, trống, sau này bổ sung thêm đàn Ghitar phím nhún. Nhưng tùy theo điều kiện kinh tế mà có thể có nhiều hơn hoặc ít hơn. Đôi khi người ta chỉ cần 3 nhạc cụ, đàn Nguyệt, phách, trống là có thể hát trong buổi hầu đồng.
Cung văn (là những người hát văn, đánh nhac cụ) thường từ ba người trở lên, có sự phối hợp nhịp nhàng về giai điệu, tiết tấu giữa người hát với người chơi nhạc cụ. Trong hát văn không đồng nhất về nhịp điệu, khi lên khi xuống, đang hát cao trào, sôi nổi bỗng nhiên hạ thấp xuống điều đó phụ thuộc vào người hầu đồng.
Người cung văn phải toàn năng, biết kết hợp chuyển các điệu trên cây đàn để làm chỗ dựa cho giọng hát, giữ vững nhịp khi chuyển đoạn văn, sao cho khớp với một khổ phách và biết kéo dài đoạn gian tấu để cho giọng hát được nghỉ.
Ông đồng, bà đồng có mối quan hệ tương hỗ với Cung văn. Trong buổi hầu đồng chỉ nhìn vào những ám hiệu bằng tay, những điệu múa, phục trang của người hầu cung văn có thể tấu lên những giai điệu phù hợp với giá đồng đó.
Cơ duyên tôi lên Điện Hòn Chén, gặp được bác Trần Văn Liêm là một trong những cung văn có tiếng ở Huế chia sẻ: “Bác theo hát Chầu văn này được hơn 30 năm rồi, gia đình bác là cha truyền con nối ngày xưa cha bác là nhac công trong Cung đình Huế sau này theo Chầu văn phục vụ hầu đồng. Cái nghề này phải gắn với chữ tâm, làm con hò con hát của Mẫu phải tận tình, mỗi khi có thiếu sót là có lỗi với ơn trên”.
Chầu văn Huế thường biểu diễn trước điện thờ ở các am, miếu và đặc biệt là Điện Hòn Chén. Nơi thờ nữ thần Thiên Y A Na và là địa điểm thường xuyên diễn ra các nghi thức hầu đồng, hằng năm với 2 dịp lễ hội lớn vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch.
Giá trị văn hóa cần được bảo tồn
Nhạc Chầu văn tuy là thể loại gắn liền và có mối quan hệ chặt chẽ với tính ngưỡng thờ Mẫu nhưng vẫn không bị gò bó, phụ thuộc vào nghi lễ mà chứa đựng tính hồn nhiên, linh hoạt của âm nhạc dân gian. Đó là phong cách riêng không lẫn với bất cứ thể loại nào khác.
Hát Chầu văn là loại hình vô giá cần được bảo tồn và phát huy để không bị mai một cùng thời gian. Nó là hình ảnh của văn hóa dân tộc mang nhiều màu sắc địa phương được kết tinh trong quá trình tiến hóa, biến động của lịch sử xã hội với tỉnh TT Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Ngô Sinh