Tượng gỗ dân gian trước nguy cơ mai một

Từng là cái nôi của điêu khắc tượng gỗ Tây Nguyên, Gia Lai được biết đến với kho tàng tượng gỗ đa dạng, phong phú được trang trí tại nhà sàn, nhà rông và nhà mồ. Nhưng thời gian gần đây, tượng gỗ dân gian Gia Lai đang đứng trước nguy cơ mai một cả về số lượng và chất lượng.

Mỏi mắt… tìm tượng gỗ

Đến làng văn hóa Plei Ốp (TP Plei-cu, tỉnh Gia Lai), chúng tôi theo chân già làng Puih Sir lang thang trên con đường đất đỏ đi tìm những bức tượng gỗ dân gian còn sót lại của làng. Già làng năm nay đã qua tuổi 75, cái đầu hói sâu, bóng như trái bầu khô, mái tóc đã chuyển màu bạc. Già làng nhớ lại, tượng gỗ dân gian xưa nhiều vô kể nhưng giờ chỉ còn sót lại ở những địa điểm trưng bày được nhà nước hỗ trợ.

 
 
Giây phút trầm tư của già làng Puih Sir trước nguy cơ tượng gỗ dân gian của cộng đồng bị mai một.

Điểm đến của chúng tôi là khu nhà mồ của làng Plei Ốp. Đang là đầu giờ chiều, không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng bìm bịp hòa với tiếng lá xào xạc trong gió, chúng tôi quan sát theo hướng chỉ của già Puih Sir. Nằm sâu trong những lùm lách cây cỏ là ngôi nhà mồ đã xuống cấp theo thời gian. Xung quanh nhà mồ là 6 tượng gỗ dân gian. Trong 6 tượng gỗ, chỉ còn 2 tượng nhìn rõ hình thù là tượng người chống cằm và bà bầu, còn lại đã mục nát, hư hỏng. Chúng tôi thắc mắc với già làng: “Kho tàng tượng gỗ dân gian của Plei Ốp chỉ còn đây thôi sao, thưa già?”. Già Puih Sir miệng cười méo xệch: “Chỉ thế thôi. Giờ chỉ còn tượng trưng bày chứ tượng dân gian trong đời sống thì không còn nữa rồi”.

Khi chúng tôi gợi lại ký ức phồn thịnh của tượng gỗ dân gian nơi đây, đôi mắt già làng đượm buồn nhìn về xa xăm. Già Puih Sir kể lại, Plei Ốp trước đây có rất nhiều tượng gỗ dân gian, chủ yếu tập trung ở nhà rông, nhà sàn và phần lớn ở quần thể nhà mồ. Tượng gỗ ở từng không gian trang trí thực hiện một chức năng riêng. Nếu như tượng gỗ nhà rông đặc tả qua tượng chim, thú, đồ vật, người theo lối lên xuống, cột cúng lễ thì nhà sàn chủ yếu được đặc tả đồ vật trên cầu thang. Còn tượng gỗ nhà mồ được đặc tả kỳ công qua hình thù khác nhau của con người trang trí xung quanh. Về cơ bản, tượng được tạc thô sơ, mộc mạc, chủ yếu gợi hình mang đến sự độc đáo, đặc sắc riêng của nền điêu khắc dân gian Gia Lai. Tượng gỗ Gia Lai không thực ở kích thước và tỷ lệ cũng như hình khối nhưng rất thực và sống động trong việc thể hiện những khía cạnh cuộc sống thực tại.

Dọc cung đường phía nam tỉnh Gia Lai, chúng tôi nhận rõ sự thay đổi điều kiện kinh tế, xã hội của bà con. Không còn những con đường đất đỏ bụi mù vào mùa khô và sình lầy vào mùa mưa như trước đây, đường vào buôn làng đã được trải nhựa, bê tông hóa. Nhiều ngôi nhà dài được làm mới nguy nga, bắt mắt ven các buôn dọc đường nối các xã: Chư Rcăm, Chư Gu, Ia Mláh (huyện Krông Pa)… Tuy nhiên, bằng mắt thường, chúng tôi có thể nhận thấy rõ sự mai một của tượng gỗ dân gian. Tượng gỗ chỉ còn một số bức đặt trên cao, nhỏ bé, chênh vênh nằm khiêm tốn trong buôn. Chia sẻ với chúng tôi về thực trạng giảm sút số lượng tượng gỗ địa phương mình, anh Kpă Blinh, cán bộ phụ trách văn hóa xã Ia Mláh (huyện Krông Pa), thật thà tâm sự: “Muốn làm tượng to đẹp phải có gỗ, có dụng cụ. Bây giờ kiếm gỗ khó lắm, người biết tạc chết dần, người sau ít muốn tạc, lễ bỏ mả cũng làm đơn giản hơn trước nên tạc tượng gỗ mất dần”.

Rất cần sự góp sức của chính quyền và cộng đồng

Sự mai một của tượng gỗ dân gian ở Gia Lai là có thật, nhưng nguyên nhân thì không chỉ đơn giản như chia sẻ của anh Kpă Blinh. Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai là người dày công nghiên cứu về tượng gỗ dân gian Ba Na, Gia Rai trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, bà Hương bày tỏ lo lắng: “Thực tế khảo sát tại 56 xã, phường, thị trấn ở Gia Lai, tôi nhận thấy tượng gỗ đang rải rác ở nhà mồ, nhà rông, nhà sàn, nhà dài chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 bức, một số đã hư mục, mối mọt, bị nhổ, cưa trộm. So với thời điểm năm 1975-1988, số lượng tượng gỗ dân gian được thống kê trong các nguồn tài liệu của nhà nghiên cứu Đào Huy Quyền, Lưu Hùng, Trần Phong đã giảm rõ rệt”.

Cũng theo bà Hoàng Thanh Hương, sự mai một của tượng gỗ dân gian ở Gia Lai có nhiều nguyên nhân khác nhau: Do thời tiết, sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường, môi trường văn hóa, tín ngưỡng biến đổi, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo tồn của người dân sinh sống trên địa bàn.

Trong công tác bảo tồn tượng gỗ dân gian, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã có những việc làm thiết thực. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, cho biết: “Sở đã tổ chức nhiều cuộc liên hoan tạc tượng cấp huyện, cấp tỉnh tại Gia Lai để các nghệ nhân dân gian trình diễn. Thông qua hoạt động đó nhằm duy trì sức sống tượng gỗ dân gian trong môi trường sinh hoạt cộng đồng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”. Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Công ty Cổ phần Gia Lai CTC hoàn thành khu trưng bày 152 tượng gỗ dân gian Ba Na, Gia Rai tại công viên Đồng Xanh (TP Plei-cu). Đây là những tín hiệu tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần có sự hỗ trợ kịp thời hơn nữa từ các cấp chính quyền của Gia Lai để giúp người dân nơi đây giữ gìn, bảo tồn tốt hơn tượng gỗ dân gian. Bởi theo bà Hoàng Thanh Hương, không gian văn hóa buôn làng hiện nay đã biến đổi, kéo theo sự mai một của tượng gỗ dân gian. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo này, tự thân ngành văn hóa không thể “kham nổi”, mà cần có sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền sở tại và cả cộng đồng.

(Theo QĐND)

Nguyên Đức

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tuong-go-dan-gian-truoc-nguy-co-mai-mot-a6282.html