Tối hôm đó địch rút một số xuống Tường Quang, bị lực lượng ta truy kích, dội lửa vào đội hình của địch làm chết và bị thương hàng chục tên. Quân Mỹ cho máy bay thả đèn, ném bom, bắn phá dữ dội. Lực lượng ta chia thành mũi nhỏ tập kích bọn Mỹ co cụm tại Cầu Đúc ở xóm Cây Me, Thọ Bình, diệt thêm nhiều tên Mỹ, bắn rơi tại chỗ một máy bay lên thẳng HU 1A. Sáng hôm sau địch rút quân xuống Gò Voi, du kích Minh Đức chặn đánh diệt thêm bốn tên.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về thăm mộ bà Dũ Ký dưới chân núi Chóp Chài - điểm hẹn giải thoát Luật sư năm 1961 - Ảnh: MINH KÝ
Tháng 2/1966, một đại đội lính Mỹ lại bất ngờ thọc lên phía Phú Điền rồi kéo qua Thượng Phú. Đội công tác xã (C6) bố trí đánh địch tại Phú Điền diệt hai tên. Du kích Thượng Phú phục kích tại Rừng Chùa, bám giao thông hào công sự chiến đấu đã có sẵn. Bọn Mỹ nghênh ngang từ Phú Điền băng đồng kéo qua. Quân ta dùng chông, mìn, lựu đạn, súng trường chiến đấu diệt 18 tên Mỹ, chúng vội vã khiêng xác đồng bọn lui ra giữa đồng cho trực thăng chở về thị xã.
Đây là những trận càn thăm dò lực lượng ta dưới chân núi Chóp Chài, mở đầu kế hoạch tấn công mùa khô lần thứ nhất. Những tháng đầu năm 1966, lính Mỹ và lính đánh thuê Nam Triều Tiên liên tiếp càn quét, đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng, thực hiện chính sách “Tam Quang” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch). Chúng hòng lùa hết dân các thôn giải phóng xuống động cát Phước Hậu, lập các ô, ấp mới lấy tên “Ấp tân sinh” thay cho “Ấp chiến lược” đã bị phá sản.
Nhà cửa tài sản của nhân dân phút chốc còn hai bàn tay trắng, ruộng, vườn phải bỏ hoang, chỉ còn lại số anh em cán bộ, du kích và một số quần chúng cốt cán kiên quyết bám trụ đánh địch giữ làng. Chúng rưới xăng bột đốt trống cây núi Chóp Chài. Đưa lính Mỹ đóng chốt lập hàng rào kiên cố bảo vệ bót tiền tiêu trên đỉnh.
Để thực hiện mưu đồ “Bình định nông thôn” địch bố trí dưới chân núi Chóp Chài, Trung đoàn 47, ba đại đội địa phương quân và hai trung đội nghĩa quân đóng ở Phú Vang, Liên Trì, hai trung đội đóng ở Phú Cần (khu dồn dân xã An Thọ dọc đường xe lửa động cát Phước Hậu). Mỗi thôn, địch xây dựng lại một trung đội “nhân dân tự vệ” được trang bị đầy đủ vũ khí. Ngoài ra còn có một trung đội thám kích của chi khu quân sự Tuy Hòa, một đại đội cảnh sát dã chiến của ty cảnh sát. Một đoàn cán bộ “Xây dựng nông thôn” (lính áo đen), phối hợp cơ động thường xuyên mở các cuộc “tảo thanh” sục sạo khắp nơi.
Cảnh sát áo trắng cùng với các mạng lưới gián điệp, phượng hoàng, thiên nga, dân ý vụ, mật vụ phòng nhì. Chi, tiểu khu… len lỏi luồn sâu vào nội bộ nhân dân, nghe từng tiếng động, từng hơi thở của bà con ta. Lính Mỹ, xe Mỹ nghênh ngang đầy đường, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa.
Mở đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, củng cố lòng tin
Trước tình hình địch ngày càng đánh phá ác liệt, tư tưởng sợ Mỹ, ngại hy sinh ác liệt, mức độ ở mỗi người có khác nhau, nhưng gần như phổ biến, lẻ tẻ có người chạy đi chiêu hồi đầu hàng địch. Tư tưởng tấn công địch giảm sút.
Xã Bình Kiến đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 22/12/1994 - Ảnh: MINH KÝ
Tháng 4/1966, Thị ủy Tuy Hòa mở một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn cho cán bộ đảng viên và các đoàn thể nhân dân, nêu cao quyết tâm đánh và thắng Mỹ trong giai đoạn mới. Thị ủy Tuy Hòa triển khai nghị quyết các cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng tháng 1 và tháng 3/1966, thực hiện chỉ thị bốn chống (chống càn quét, chống dồn dân, chống đói, chống đầu hàng) của Ban Thường vụ Khu ủy khu 5, phân tích mặt mạnh tạm thời và mặt yếu cơ bản của địch, những khó khăn tạm thời và thuận lợi cơ bản của ta liên hệ với thực tế tình hình tại địa phương. Phát huy các chiến thắng đánh Mỹ vừa qua, với lực lượng nhỏ ta đã diệt được nhiều lính Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Hòn Dồn (An Định), quân dân các xã Tuy Hòa 1 diệt được quân khát máu Nam Triều Tiên ở Hòa Xuân, Hòa Mỹ, cùng các chiến thắng của cán bộ, du kích xã để xác định rằng quy mô chiến tranh có mở rộng hơn, mức độ ác liệt cao hơn, nhưng quân dân ta có đầy đủ khả năng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược như nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ. Đồng thời Thị ủy cũng xác định phương châm đấu tranh hai chân, ba mũi giáp công và phương pháp đấu tranh trong tình hình mới. Thị ủy xác định tính chất giằng co ác liệt, căng thẳng trên địa bàn dưới chân núi Chóp Chài trong giai đoạn mới, đồng thời phát động lòng căm thù địch và ý chí tiến công, chống tư tưởng co thủ, ngại ác liệt, sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết bám dân giữ đất, thực hiện phương châm “hoa nở trong lòng địch”, chống âm mưu “bình định nông thôn” của địch ở vùng sâu và các khu, các ô dồn dân.
Sau đợt chỉnh huấn này, cán bộ đảng viên, du kích và nhân dân quanh các làng dưới chân núi Chóp Chài có sự chuyển biến tư tưởng rất tốt, mở đầu những trận đánh Mỹ, diệt ngụy với khí thế mới. Tổ chức Đảng và quần chúng được củng cố, lực lượng vũ trang được bổ sung, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với tình hình mới.
Tại Bình Phú, đồng chí Trung và đồng chí Lê Kiên (Quang) phụ trách đội công tác C6 thay đồng chí Tâm (Hân) hy sinh. Ở các thôn vùng sâu và các ô dồn dân, đều có chi bộ bí mật, tổ Đảng, hoặc đảng viên hợp pháp làm nòng cốt. Lực lượng vũ trang của tỉnh tăng cường cùng lực lượng thị xã thành lập C vũ trang của thị, có một B đặc công. Lực lượng này rất cơ động, thường chia thành các mũi nhọn, thọc xuống các thôn vùng sâu bám vào trung tâm thị xã.
Cán bộ cùng nhân dân cốt cán còn lại, phải sống bán hợp pháp, ngày đêm tổ chức canh gác, bố phòng đánh địch, tăng gia sản xuất tự túc, bám chặt từng tấc đất quê hương.
Số bà con bị địch dồn ở Sơn Cẩm Thọ, Xuân Quang Tường xuống Phước Hậu, Ninh Tịnh, kéo nhau đến gặp bọn ngụy quyền xã đấu tranh buộc chúng phải cho bà con ban ngày được về làng cũ làm ăn. Nhờ vậy bà con có điều kiện gặp gỡ anh em cán bộ xã, báo cáo tình hình địch, cung cấp lương thực, thực phẩm, giúp đỡ cách mạng. Vận dụng mọi hình thức ngụy trang che mắt địch qua nhiều trạm gác, bà con ta đã mua sắm mang lên cho lực lượng cách mạng nhiều hàng nhu yếu phẩm như thuốc chữa bệnh, mực in, văn phòng phẩm, vải và dây dù, ni lông đi mưa…
Hoa nở trong lòng địch, bám dân đánh địch
Ở Bình Kiến, các mũi công tác về bám cơ sở, cùng nhân dân củng cố lại và xây dựng thêm nhiều hầm bí mật. Các thôn Thanh Minh Ngọc, Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh đều có một hệ thống hầm bí mật, đảm bảo cho lực lượng cán bộ đi về công tác trụ lại ban ngày.
Hầm nằm ở góc vườn, dưới gốc cây hay tảng đá, có hầm dưới những rặng tre xanh, cạnh một miệng giếng, một cồn đất, bên bờ mương nước… đến cả dưới nền nhà ở, nhà bếp, chuồng heo, chuồng bò. Hầm chứa lực lượng cán bộ, hầm giấu vũ khí tài liệu, hầm dự trữ lương thực…, bà Nguyễn Thị Điểm, ông Nguyễn Lên (Thanh Đức), ông Nguyễn Thiện, ông Nguyễn Đình Quý (Ninh Tịnh) đào và giữ ba hầm xung quanh nhà. Ông Huỳnh Thanh, vợ chồng ông Nguyễn Cục và bà Nguyễn Thị Phai, ông Dương Chỉnh, ông Đặng Đề, ông Kiên ở xóm Bầu… (Liên Trì); bà Nguyễn Thị Ngâm, ông Phạm Lãng, bà Phạm Thị Trổ, bà Cao Thị Gòn, bà Trần Thị Sau, ông Phan Thái, ông Trần Đã, bà Phan Thị Phiện… (Phước Hậu) có công rất lớn trong việc đào hầm bí mật cho cách mạng trụ lại ban ngày.
Tinh thần yêu nước, quyết đánh Mỹ của mỗi người dân đã làm cho họ thêm thông minh, sáng tạo, biến lòng đất quê hương yên lặng, hiền lành thành những căn cứ cách mạng nóng bỏng, đúng như lời ca “Mẹ đào hầm”, “Chính nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi tìm ra sức mạnh Việt Nam”.
Thôn Liên Trì được xây dựng thành một vùng căn cứ lõm - một phòng tuyến cách mạng sát thị xã. Cả thôn có 18 hầm bí mật, có thể dụng trú trong lòng đất cả trung đội vũ trang, khi cần bất ngờ mọc lên đánh địch trong làng giữa ban ngày, có hầm dung trú cả ban chỉ huy thị đội thị xã. Có hầm để cả súng cối 82 ly, trung đại liên, súng DKZ, H12, nhiều đêm từ đây rót đạn vào hang ổ địch trong thị xã.
Thôn nào trong xã cũng có những con người, những tấm lòng thương yêu cách mạng rất cảm động. Bà Nguyễn Thị Mẽo (Ngọc Phong) có hai con trai đều vào du kích đánh giặc giữ làng. Bà đào hầm để nuôi giấu hai con sau mỗi trận chiến đấu. Một hôm bọn mật báo ác ôn chỉ điểm cho địch khui hầm mang hai con bà ra cùng đồng chí Phí Tấn Nhơn (mũi công tác) bắn tại Gò Nỗng. Ba anh ngã xuống trong tiếng thét căm thù xé lòng của người mẹ kính yêu.
Bà Trần Thị Mực (Liên Trì) tuổi già sức yếu, tất cả bốn con đều thoát ly tham gia cách mạng. Bà sống một mình trong vòng vây của giặc, vẫn đào được hai hầm bí mật, hàng ngày canh giữ ngụy trang, bảo vệ anh em mũi công tác đi về suốt từ năm 1961 đến ngày giải phóng. Các thôn vùng sâu có nhiều mẹ, nhiều chị đào hầm nuôi giấu cán bộ. Các thôn vùng giải phóng phía tây xã cũng có nhiều mẹ, nhiều chị thề “một tấc không đi, một ly không rời”.
Nhờ có hầm kín, dựa vào lòng dân, được nhân dân che chở nuôi dưỡng nên các mũi công tác ngày đêm bám trụ đứng vững trong thôn ấp, ngay cả những vùng sát thị xã tổ chức diệt được bọn tay sai ác ôn, chỉ điểm; tập kích vào bọn nghĩa quân, bọn lính áo đen, “Xây dựng nông thôn” làm thất bại chiến dịch “Vì dân” nhằm bình định nông thôn của địch trong những năm 1966-1967.
(Theo Phú Yên Online)