Hội ngộ tranh của các bậc danh họa xứ Huế

Trong triển lãm “Hồi Cố” đang được trưng bày tại 26 Lê Lợi (TP. Huế) từ ngày 16 đến 22/9, người yêu mỹ thuật nức lòng khi được thưởng lãm những tác phẩm gốc của các danh họa thuộc nhiều thế hệ của xứ Huế.

“Hồi Cố” gồm 36 tác phẩm mỹ thuật của những họa sĩ tài danh ở Huế đã mất. Trong đó, ngoài 2 tác phẩm của danh họa Lê Văn Miến, người được mệnh danh là họa sĩ vẽ sơn dầu đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, được chụp lại từ tranh gốc vẽ chân dung của ông và bà Nguyễn Khoa Luận (hai tác phẩm chân dung này hiện đang thờ phụng nên không thể trưng bày), còn lại 34 tác phẩm là những bảo vật vô giá của gia đình các họa sĩ và những người đam mê, sưu tập tranh.
 

Tác phẩm “Người suối bạc” của họa sĩ Phạm Đăng Trí

Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) cho biết: “Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Nguyễn Khoa Toàn, Phi Hùng, Tôn Thất Đào, Lê Yên, Phạm Đăng Trí, Phan Xuân Sanh, Trường Thiên, Hải Bằng, Đỗ Kỳ Hoàng, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ, Dương Đình Sang - những tác giả có tác phẩm tại phòng tranh “Hồi Cố” là những họa sĩ tiêu biểu của Thừa Thiên Huế. Hoặc, chí ít đã có nhiều năm sống và có công lớn trên lĩnh vực đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng, góp phần xây dựng nên nền mỹ thuật Huế từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, dưới triều Nguyễn, đến sau này. Bên cạnh đó, còn có những thế hệ họa sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của tổ chức Hội VHNT Thừa Thiên Huế từ đó cho đến nay”.

Với giới mỹ thuật, “Hồi Cố” là một triển lãm đặc biệt, bởi lẽ công chúng yêu nghệ thuật ngưỡng mộ các họa sĩ Huế nổi tiếng đã chờ triển lãm này từ rất lâu, chờ để được xem những tác phẩm gốc một cách trực tiếp, để nhìn được cái hồn của người nghệ sĩ, giá trị tinh thần mà họ gửi gắm vào trong tác phẩm. 36 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm là kết tinh của cả một đời người nghệ sĩ, là những tác phẩm thể hiện đỉnh cao sáng tác của các họa sĩ nổi tiếng của Huế - những người không còn nữa nhưng dư âm nghệ thuật, chiều sâu nhân văn và cảm quan lắng đọng của họ vẫn để lại cho người sau những xúc cảm và bài học cụ thể, sống động.

“Thiếu nữ bên hoa sen” (vẽ năm 1946) là một tác phẩm điển hình của họa sĩ Tôn Thất Đào, vẽ về thiếu nữ Huế bằng lụa. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, bức tranh đầy tính cách Huế, đài các, thơ mộng, lột tả được chất của người Huế vừa trầm tĩnh vừa thanh thoát. Hầu hết các tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào luôn bàng bạc màu sắc, linh hồn Huế như vậy.

Với “Người suối bạc” (sáng tác năm 1945) - một bảng màu rất mới cho tranh lụa, người xem thấy rõ khuynh hướng cách tân của họa sĩ Phạm Đăng Trí về màu sắc và hình thức thể hiện và cũng là bức tranh xếp vào loại nổi tiếng nhất của ông. Với phương thức hòa màu trong thị giác, bức tranh cho thấy tác giả đã vận dụng thành công vốn nghệ thuật dân gian của Việt Nam.

“Cao nguyên yên tĩnh” (sơn mài sáng tác năm 1975) là bức tranh họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng về ngọn đồi ở Đà Lạt với đường nét hài hòa, màu sắc đặc trưng của sơn mài Việt Nam. Bà Lê Thị Thiên Úy, phu nhân cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng hồi tưởng: “Đây là bức tranh tâm đắc nhất của ông nhà tôi. Cảm xúc tuôn trào qua nét cọ và ông ấy cứ vẽ. Sau khi vẽ xong, ông ấy hỏi tôi nên đặt bức tranh tên gì. Xem tranh, tôi cảm nhận sự yên bình của cuộc sống trong ấy nên tôi nghĩ đặt tên “Cao nguyên yên tĩnh” là phù hợp”.

Để tập hợp được nhiều tác phẩm gốc của các bậc danh họa từ gia đình các họa sĩ, nhà sưu tập không phải là điều đơn giản, bởi đây được xem là vật gia bảo, trong khi tác phẩm của những họa sĩ này để lại cũng không nhiều. Nhạc sĩ Lê Phùng chia sẻ: “Với mong muốn để người yêu nghệ thuật được thưởng lãm những tác phẩm giá trị, chúng tôi đã nỗ lực thuyết phục gia đình các họa sĩ và nhà sưu tập cho mượn tranh. Tổ chức được phòng tranh này là câu chuyện của tấm lòng, sự đồng cảm, nếu không có tấm lòng của gia đình các họa sĩ, sự giúp đỡ tận tình của nhà sưu tập Trần Đình Sơn đã cho mượn trên 10 tác phẩm mang từ TP. Hồ Chí Minh ra thì những tác phẩm đỉnh cao này khó có cơ hội quy tụ ở đây”.

Ngoài ý nghĩa như là nén tâm hương tưởng nhớ các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài danh của Huế đã mất, nhân kỷ niệm 71 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT, phòng tranh còn là mạch nguồn truyền cảm hứng, tạo nên những cung bậc cảm xúc mới cho mỗi một văn nghệ sĩ, nhất là các họa sĩ trẻ, các bạn sinh viên dưới mái trường nghệ thuật cùng tự tin, vững bước và thăng hoa trên hành trình dấn thân vào con đường mỹ thuật. Đến tham dự lễ khai mạc phòng tranh, bà Thiên Úy xúc động: “Tôi khá bất ngờ khi nhận được tin có triển lãm tranh của các họa sĩ đã mất, trong đó có ông nhà tôi. Với sự hiện diện các tác phẩm của ông ấy ở đây, tôi cảm giác như người thân của mình cũng đang có mặt”.

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Trang Hiền

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoi-ngo-tranh-cua-cac-bac-danh-hoa-xu-hue-a6262.html