Giải quyết nhu cầu ăn
Michael Trần, một Việt Kiều định cư ở Mỹ tranh thủ trong chuyến đi công tác về Việt Nam dành ra một khoảng thời gian để thăm thú Hà Nội. Đã ba lần lưu lại nơi đây, điều anh nhận thấy là Hà Nội không có quá nhiều sự thay đổi. Mọi điều với anh đều ổn, ngoại trừ việc ngày nào anh cũng sẽ phải tự hỏi “ăn ở đâu?”. Dù có tìm hiểu về những món ăn truyền thống của Việt Nam, nhưng khi bước chân ra đường, Michael ngại khi vào những quán ăn sâu trong ngõ hẹp, mùa hè thường nồng mùi thức ăn và luôn chật kín người. Lựa chọn tối ưu nhất của anh là chọn những hàng ăn nhanh như KFC, Lotteria hay Phở 24…
Nhiều du khách nhận xét, các sản phẩm ẩm thực chủ yếu mới chỉ hướng tới việc giải quyết nhu cầu ăn uống, chứ muốn tìm hiểu về văn hóa ẩm thực thì rất khó. Dù phở, gỏi cuốn, bánh mỳ kẹp thịt, những đồ ăn của Việt Nam đã từng được báo chí nước ngoài đưa vào danh sách những món ăn hấp dẫn của thế giới, nhưng hầu hết là đồ ăn vỉa hè, lựa chọn với thực khách lúc này là thử cho biết, chứ không chọn là món ăn tối ưu trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Ngay cả những phố đặc trưng như phố Hàng Than chuyên bánh cốm, phố Hàng Đường đặc sản ô mai hay phố ẩm thực như Tống Duy Tân, Tạ Hiện… luôn sôi động về đêm, thường chỉ thu hút khách du lịch bụi chứ không phải phần đông du khách tới Hà Nội.
Phố Tạ Hiện là một trong nhiều phố ẩm thực của Hà Nội.
Một lý do được đưa ra là dù hấp dẫn nhưng du khách nghi ngờ về độ an toàn của những món ăn được bày bán phổ biến trên đường phố, chưa kể đến chất lượng phục vụ và vấn đề vệ sinh môi trường. Tháng 9/2012, trong hội thảo khoa học: “Du lịch, ẩm thực và các vấn đề về quản lí kinh doanh” do Khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, nhóm tác giả Hoàng Thị Lan, Dương Hồng Hạnh (ĐH Thương mại Hà Nội) đã đánh giá hầu hết khách du lịch quốc tế được hỏi đều đánh giá các tiêu chí như tiếp đón khách, dịch vụ vận chuyển, hướng dẫn viên, dịch vụ ăn uống, cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường… tại các phố ẩm thực ở mức khá và trung bình. Những bất cập trong dịch vụ ăn uống cũng xảy ra tại nhiều thành phố lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh… nhất là trong những mùa cao điểm, mùa lễ hội khiến du khách vừa ăn vừa lo lắng, chứ nói gì đến thưởng thức để gọi ra được tinh túy của món ăn!
Ý thức như ẩm thực là một di sản
Trên thế giới, bữa ăn gia đình của người Pháp, chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải của các nước Spain, Greece, Italy, Morocco, ẩm thực Mexico đã trở thành những di sản phi vật thể được UNESCO công nhận. Những di sản ấy luôn đáp ứng được tính nguyên bản, đậm bản sắc văn hóa địa phương và giữ được nét truyền thống vốn có.
Để có được một sản phẩm ẩm thực cần phải phối hợp nhiều yếu tố như ngoài đồ ăn đúng với phong cách địa phương thì cảnh quan vệ sinh môi trường, nhà hàng, âm thanh và ánh sáng, đồ uống phù hợp với các món ăn, người phục vụ chuyên nghiệp, đồ dùng đúng chuẩn. Điều này với ẩm thực Việt Nam không quá khó nhưng không hề dễ.

Những nhà hàng lớn chuyên phục vụ đồ ăn Việt Nam chưa nhiều, ngay cả ở những thành phố lớn. Ở Hà Nội, những nhà hàng đồ ăn Việt Nam có ở những khách sạn năm sao, chuỗi nhà hàng Sen, Ao Ta, nhà hàng Ánh Tuyết… và thường kén chọn khách có mức chi cao. Còn lại là những cửa hàng nhỏ, lẻ với những biến tấu, gia giảm, thay đổi món ăn cho phù hợp với yêu cầu của khách và đâu đâu cũng gán mác “gia truyền” khiến du khách bị “bội thực” thông tin mà khó có sự lựa chọn chính xác.

Điều này cho thấy vị trí của ẩm thực trong hoạt động du lịch chưa được đánh giá đúng mức. Các nhà hàng hay cơ sở kinh doanh, ăn uống vẫn chỉ giữ vai trò là một điểm dừng ăn uống, chứ chưa giới thiệu được cho du khách về thông tin liên quan tới đặc trưng ăn uống, đặc sản của vùng. Các sản phẩm ẩm thực cũng lép vế hơn so với các sản phẩm văn hóa, vui chơi giải trí khác như các chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian, các trò chơi dân gian… Chính điều đó, tạo cho du khách sự tò mò, thôi thúc họ tìm hiểu văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng chưa chạm được tới phần đông du khách, chưa thực sự để lại dấu ấn đậm nét tới du khách.

Bà Katherine Muller - Marine, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã từng phát biểu trong hội thảo “Phát huy giá trị các di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch tại Hà Nội, tháng 4/2013” cho rằng: Chúng ta phải luôn ý thức di sản không chỉ thể hiện qua các di tích mà có thể liên tưởng về di sản là những giá trị ý nghĩa và tốt đẹp được kế thừa từ tổ tiên ông cha hay đơn giản chỉ là thức ăn chúng ta ăn, lịch sử, trang phục, âm nhạc và kiến trúc. Bà cho rằng: “Thành phố này cần phải hướng tới việc kết nối chặt chẽ giữa du khách và “người Hà Nội”. Việc có được cơ hội để thưởng thức một tách trà nóng cùng với người dân nơi đây và tìm hiểu về đời sống, tín ngưỡng hay những câu chuyện của họ có thể là một cách thức thú vị để làm phong phú hơn cho sự trải nghiệm của du khách. Điều đó sẽ giúp du khách thấy được khía cạnh nhân văn của thành phố, cũng như có thêm một câu chuyện mà họ có thể chia sẻ khi trở về nhà”.
Điều này phải bắt đầu từ việc phải ý thức vai trò quan trọng của ẩm thực mới có thể biến những tinh hoa ẩm thực của dân tộc trở thành sản phẩm du lịch độc đáo và mang đậm dấu ấn Việt Nam.
(Theo Langvietonline.vn)