15/09/2016 15:15
15/09/2016 15:15
NSƯT Phương Quang thừa nhận bắt chước NSND Út Trà Ôn
60 năm theo nghề, NSƯT Phương Quang nhớ mãi hộp phấn nụ ngày mới vào nghề được bà bầu Kim Chưởng tặng
Phóng viên: Nếu nói ông thành danh từ sự bắt chước NSND Út Trà Ôn, ông sẽ nói điều gì?
NSƯT Phương Quang: Tôi không lẩn trốn điều này, vì ngay từ ngày đầu bước chân vào sàn diễn, tên tuổi của cậu mười Út Trà Ôn đã lừng lẫy.
Thời đó tôi chỉ là một thanh niên tên Tô Văn Quang (sinh năm 1942 tại Dĩ An - Sông Bé, nay thuộc tỉnh Bình Dương - PV). Ngay thời niên thiếu, tôi yêu thích cải lương, mỗi khi gánh hát vể Dĩ An là tôi thường hay đến rạp để xem hình nghệ sĩ và nghe ca vọng cổ qua loa phóng thanh quảng cáo mỗi chiều.
Có lần, tôi gặp NSƯT Hoàng Giang về hát, ông đi xe hơi, mặc nguyên bộ com-lê trắng, tóc chải xớt lên, tay cầm ống vố hút thuốc trông rất sang trọng. Một lần khác thì tôi gặp cậu mười Út Trà Ôn đi xe hơi đến rạp. Đó là lần đầu tôi nhìn thấy thần tượng của mình... Cả hai nghệ sĩ này làm cho tôi có ước mơ được trở thành nghệ sĩ, đó cũng là duyên cớ mà sau này tôi biến ước mơ thành hiện thực. Tôi tìm nghe những bài ca cổ của cậu mười để học ca theo. Chất giọng của tôi thiên bẩm đã rất giống cậu mười, chứ thật ra sự bắt chước chỉ là một phần nhỏ, nói đúng hơn là ảnh hưởng từ cách ngâm, luyến và bộ nhịp cùng cách sắp câu.
NSƯT Phương Quang và vợ trên sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang
Hành trình từ một khán giả nhỏ tuổi đến với việc học nghề để làm diễn viên, rồi được công nhận nghệ sĩ ông đã gặp những khó khăn nào?
- Khi tôi trở thành một thanh niên thì tình hình chiến sự miền Nam bắt đầu căng thẳng. Trong lúc đó, tôi đã đến tuổi quân dịch (1960), nhưng không muốn đi lính. Thế là tôi tìm đến Sài Gòn tìm nhạc sĩ Văn Còn, người cùng quê và là bà con dòng họ ở Phú Nhuận.
Một thời gian tôi theo nhạc sĩ Văn Còn để phụ xách đờn cho ông, lúc ông đờn cho gánh hát Thanh Minh. Mỗi tối, tôi được ngồi dưới dàn đờn, coi các vở như: “Nửa đời hương phấn”, “Con gái chị Hằng”... Từ lúc này, tôi càng mê cải lương hơn nữa và cứ mỗi lần xem hát lại ca theo đào kép. Tôi theo làm đệ tử nhạc sĩ Văn Còn, nhưng được xách đờn nhiều hơn là học ca, nên thời gian khá lâu mà nhịp nhàng chưa vững.
Một hôm, tôi ca bài vọng cổ “Tình hận thâm cung”, bài nổi tiếng của cậu mười Út Trà Ôn lúc bấy giờ. Nhạc sĩ Văn Còn không khỏi ngạc nhiên vì cách ca và làn hơi của tôi sao giống Út Trà Ôn... Với kinh nghiệm của một nhạc sĩ dày dạn tay nghề, Văn Còn cho biết đây là một giọng ca mang âm hưởng của Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn.
Từ đó, nhạc sĩ Văn Còn chăm chút hơn, truyền dạy nhịp nhàng bài bản, kỹ thuật ca ngâm cho tôi. Để thử sức mình sau thời gian rèn luyện, tôi tìm đến gánh Kim Thành của bầu Nhuần mới thành lập xin đầu quân và được nhận ngay.
Sau đó, gánh Kim Chưởng có đăng tuyển kép chánh. Tôi đăng ký vào thi cùng với ba anh kép khác, nhưng kết quả một mình tôi trúng tuyển. Thời đó, vào đoàn mà tướng tá tôi thấp, da ngăm đen, quê mùa nên tôi phải phấn đấu gấp 10 lần người khác. Khó khăn nhiều vì gánh Kim Chưởng nổi tiếng là lò luyện thép. Nghiêm khắc và căng thẳng lắm. Tôi đã cố gắng vượt qua.
NSƯT Phương Quang trong vở "Tần Nương Thất"
Sự nỗ lực của ông đã được đền bù, bằng chứng là năm 1966, ông đã đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm, với vai Kỳ Thanh Lang trong "Tình nào cho em"?
- Đúng, tôi đoạt giải cùng năm với NS Phượng Liên. Đó là giải thưởng đầu tiên, vinh dự trong đời của một nghệ sĩ. Nó nhắc tôi nhớ đến những ngày đầu vào nghề khó nhọc, rồi nhắc tôi nhớ về một ước mơ cháy bỏng khi lần đầu diện kiến thần tượng. Sau này, tôi kể điều đó với cậu mười Út Trà Ôn và chú ba Hoàng Giang. Hai ông cười và nói tôi đã biết cách lách sự bắt chước để có cái của riêng mình, đó là việc đáng khen.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông nhớ đến giai đoạn nào nhất?
Đó là những năm tôi về đoàn Tiếng hát Long Xuyên sau 1975 của bà bầu Kim Chưởng. Tôi có hàng chục vai chánh cùng với nghệ sĩ Minh Trung, Kiều Minh Trang tạo thành một bộ ba rất ăn khách, nổi đình nổi đám nhất là vở "Sự tích cây uyên ương" của tác giả Nguyên Thảo.
Sau đó, tôi trở về cộng tác với đoàn Sài Gòn 2 cùng với NSƯT Thanh Tuấn tạo thành một cặp kép chánh khai trương Đoàn với vở "Lỡ bước sang ngang" của tác giả Thu An - Hoàng Khâm.
Đến năm 1983, tôi về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, có mặt trong những vở như: Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Tình yêu và lời đáp,... bên cạnh những nghệ sĩ tài năng nhất của sân khấu cải lương như: NSND Út Trà Ôn, NSƯT Minh Phụng, Minh Vương, NSND Lệ Thủy, Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang, cố NS Út Hiền, NS Minh Cảnh... Có lẽ giai đoạn này đáng ghi nhận nhất, vai mà được xem là đỉnh cao để đời từ sau ngày đất nước thống nhất là Vua Riêm trong Vở "Nàng Xê-Đa" của tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá.
Ngoài ra, tôi nhớ giai đoạn diễn trên sân khấu Tiếng hát Long Xuyên, khi đó dù làm đoàn hát tỉnh nhưng cô bảy Kim Chưởng vẫn còn phong độ lắm, tổ chức gánh hát rất quy cũ, diễn ở sân bãi nào cũng đông khán giả. Bà vẫn là “anh hùng lưu diễn” đối với công chúng, vì đoàn hát của bà đi đến đâu, cỏ không thể mọc nổi vì sức hút mãnh liệt của các tuồng tích!
NSƯT Phương Quang và NSƯT Thanh Vy trong vở "Nàng Xê Đa"
Nhắc đến vai Vua Riêm, điều gì ông lưu giữ trong lòng về vai diễn để đời này?
- Khi Hội đồng Nghệ thuật của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang do cố NSƯT Đoàn Bá làm Chủ tịch quyết định chọn tôi đóng vai vua Riêm cùng với NSƯT Thanh Vy - vai Xê-Đa, trong nhà hát không ít lời ra tiếng vào bình phẩm về khả năng nghệ thuật và tỏ ra phản đối. Họ không tin tưởng đôi đào kép Phương Quang - Thanh Vy sẽ làm nên thành công.
Tuy nhiên, được sự ủng hộ động viên của NSƯT Tấn Đạt và một số nghệ sĩ lão thành cốt cán khác của nhà hát, tôi nhận vai vua Riêm với tâm trạng vừa mừng, vừa lo buồn và mặc cảm. Bởi trước dư luận tác động làm cho tôi thiếu tự tin nhưng vì lòng tự trọng của một nghệ sĩ, tôi cố gắng hoàn thành vai diễn của mình.
Kết quả, không những thành công mà đó còn là vai diễn để đời của tôi, được công chúng yêu mến. Hình tượng về nhân vật vua Riêm - Phương Quang, nàng Xê - Đa - Thanh Vy đã sáng chói trong giai đoạn này mà nhắc đến thời kỳ hưng thịnh của sân khấu cải lương cũng như giai đoạn phát triển nhất của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thì phải nhắc đến vở Nàng Xê - Đa. Tôi tự hào về vai diễn này và khi bảo tàng sáp mời tôi đúc bức tượng, tôi đã chọn vai vua Riêm để tạc lại những kỷ niệm của một đời nghệ sĩ.
Ông đã say mê và thần tượng giọng ca của NSND Út Trà Ôn. Ông đã từng nói vì mê giọng ca của cậu mười mà theo sân khấu cải lương. Có lẽ, vì quá ảnh hưởng hơi - giọng của ông Út, thêm vào đó ông đã dày công tôi luyện, nên thoáng nghe khi ca, thì thấy hơi giống. Nhưng để phân tích kỷ, ông tự đánh giá làn hơi mình như thế nào?
- Tôi biết nghiên cứu cách ca khác, nghe kỹ sẽ thấy sự khác nhau rất rõ, đó là yếu tố xử lý kỹ thuật ở ngân giọng, buông hơi, sắp văn, chẻ nhịp... Mỗi yếu tố như thế có nét giống nhau từ 70-90 %; có nét chỉ na ná 60%. Cùng kỹ thuật như vậy, tôi nhấn chữ xuống hò khác với NSND Út Trà Ôn. Kiểu "hơ,ơ..."của tôi ngắn hơn, hoạ âm ngang nhiều bổng ít hơn trung và trầm, cũng như trọng âm rơi xuống nghe yếu hơn, nhẹ hơn.
Nét khác biệt nữa là nhấn trọng âm dấu sắc và dấu hỏi của tôi có phần trẻ trung, sinh động, âm lượng bộc lộ đều đều, không bổng lên như cậu mười. Đặc biệt, sự trẻ trung và kiểu ngân ngang nhiều hoạ âm, nên khi xuống "xề" độ trầm của tôi nghe rền hơn độ trầm của cậu mười...
NSƯT Phương Quang và NSND soạn giả Viễn Châu
Những thất bại mà ông đã trải qua đã cho ông điều gì trong cuộc sống? Ông có dự định sẽ viết tự truyện?
Tôi cho rằng đời cần bước thăng trầm mới tạo cho mình nền tảng vững.
Tôi đã từng thất bại và ôm nỗi đau nhưng rồi không vì thế mà té ngựa. Tôi không viết tự truyện vì cuộc đời tôi chẳng có gì để người ta chiêm nghiệm. Tôi chỉ để lại những vai diễn của mình, để khán giả có thương, có nhớ thì nhìn nhận trong đời đã có một anh kép đen thui như cột nhà cháy, đã từng mon men theo nghiệp Tổ và được Tổ thương.
Hồi đó khi làm mặt lần đầu cho tôi, bà bầu Kim Chưởng đã nói, cái mặt đen xì của cậu làm hao hết cả hộp phấn, ráng mà hát cho hay để mua phấn mà xài. Câu nói đó đến bây giờ tôi còn nhớ mãi. Khi đến thắp hương tiễn biệt cô bảy Kim Chưởng về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đã nói, cô bảy ơi, con vẫn còn giữ hộp phấn cô tặng nè. Kép đen của cô bảy nay đã là một nghệ sĩ được công chúng chấp nhận.
Theo thống kê của Nhà hát Trần Hữu Trang thì vở "Nàng Xê - Đa" có sức sống hơn 10 năm, chính thức ra mắt khán giải năm đầu 1983 đến cuối năm 1993, hơn 1.500 suất luôn đông kín khán giả. Vở "Nàng Xê- Đa" tạo một kỷ lục ở Nhà hát về sức sống của vở diễn và doanh thu cao. Không những "Nàng Xê-Đa" đã đưa tên tuổi của Phương Quang và Thanh Vy đến đỉnh cao nghệ thuật của mình, mà còn in đậm đấu ấn như là huyền thoại trong thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương miền Nam.
(Theo nld.com.vn)
THANH HIỆP
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nsut-phuong-quang-thua-nhan-bat-chuoc-nsnd-ut-tra-on-a6220.html