Tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Bắc Giang

Các di sản được tôn vinh mới chỉ là một mặt của vấn đề, điều quan trọng là bảo tồn giá trị của di sản đó ra sao? Việc ứng xử với các di sản sau vinh danh để phát huy giá trị như thế nào là câu hỏi được nhiều nhà quản lý quan tâm.

Chính vì vậy, nhằm gìn giữ những giá trị quý báu của các di sản văn hóa tại địa phương, tỉnh Bắc Giang đang triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
 





Chùa Vĩnh Nghiêm. Nguồn: TITC, bacgiang.gov.vn

Nâng cao nhận thức về giá trị di sản

Bắc Giang là một tỉnh có nhiều di tích, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như khu thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ (Sơn Động)… Hiện trên toàn tỉnh có tới 2.230 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc (trong đó có hơn 500 di tích đã được xếp hạng). Nổi bật là dấu tích thành cổ Xương Giang; khu di tích Yên Thế; khu di tích cách mạng Hoàng Vân, Y Sơn (Hiệp Hoà); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); đình, chùa Thổ Hà (Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang) đã được vua Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại Vương”... Hai Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại là Dân ca Quan họ và Ca trù (Những làn điệu dân ca quan họ không chỉ là niềm tự hào, vốn riêng của người dân Kinh Bắc, mà còn là niềm kiêu hãnh, nét đẹp văn hóa rất riêng của người Việt Nam. Năm 2009, dân ca quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong số 49 làng quan họ cổ được UNESCO vinh danh năm 2009, tỉnh Bắc Giang có 5 làng thuộc huyện Việt Yên gồm: Nội Ninh, Giá Sơn, Hữu Nghi, Mai Vũ và Sen Hồ), kho Mộc bản kinh Phật hơn 3.000 bản được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm đang được trình UNESCO xem xét công nhận là di sản tư liệu…

 


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Nguồn: TITC

Với những tiềm năng đó, Bắc Giang sẽ dễ dàng vượt lên các địa phương khác, tạo thế mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế là một bài toán không đơn giản.

Trước hết, các cấp, ngành cũng như toàn thể người dân phải nhận thức được giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc của từng di sản. Từ đó có những hành động thiết thực, xuất phát từ ý thức tự giác để chung tay bảo tồn, phát huy. Để làm tốt điều này, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu làm nền tảng. Trên thực tế, thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường là lực lượng đông đảo để tiếp thu những kiến thức giáo dục về di sản, đồng thời cũng chính là chủ nhân tương lai của các di sản ấy. Do vậy, việc tuyên truyền về di sản, bảo tồn di sản cho học sinh trong các nhà trường là một phương pháp rất hiệu quả cần được áp dụng và nhân rộng. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có giải pháp tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
 



Đền Thề. Nguồn: dulichvn.org
Xã hội hóa công tác bảo tồn

Có thể nói, di sản văn hóa chỉ thật sự được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững khi Nhà nước và nhân dân cùng chung tay, góp sức. Để làm được điều đó, trước mắt ngành chức năng và các địa phương cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn di sản, tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ di sản. Ngoài ra, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ di sản theo công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa cũng cần được chú trọng.

Không những thế, để đông đảo nhân dân có thể cập nhật, tiếp thu những quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực di sản cũng phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Điều đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của toàn xã hội với công tác bảo tồn di sản.

Bên cạnh đó cũng cần có những quy định chi tiết, rõ ràng trong xây dựng và ban hành chính sách quản lý và sử dụng các nguồn tài chính xã hội hóa như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ... Đồng thời sớm ban hành chính sách tôn vinh những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

 

Đình Phù Lão. Nguồn: langgiang.gov.vn



Thành cổ Xương Giang. Nguồn: vietnamtourism.com

Cần có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể     
 
Mỗi di sản được công nhận đều có và đáp ứng được những tiêu chí đã đề ra. Những quốc gia, địa phương may mắn và vinh dự khi có di sản càng phải thể hiện được ý thức trách nhiệm, đưa ra chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững.

Xác định được điều đó, những năm qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh đã tích cực đầu tư bảo tồn những loại hình văn hóa đặc trưng của tỉnh. Nhiều di tích trọng điểm trên địa bàn được quan tâm tu bổ, tôn tạo như đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên); hệ thống lăng đá cổ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa); đình Phù Lão (Lạng Giang); khu di tích khởi nghĩa Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)… các lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như lễ hội Yên Thế, Xương Giang, vật cầu bùn làng Vân (Việt Yên); các mô hình truyền dạy hát dân ca quan họ, ca trù và dân ca các dân tộc thiểu số ngày càng được nhân rộng tại các địa phương… Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu về văn hóa địa phương của khách tham quan, đồng thời phát huy giá trị di sản.

 




Làng cổ Thổ Hà. Nguồn: tintuc.net

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại mặt hạn chế. Trước hết, việc khai thác những di sản văn hóa đó phục vụ cho du lịch chưa hiệu quả, sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch không chặt chẽ, còn mang tính tự phát. Ví như nếu khách du lịch muốn nghe dân ca quan họ, ca trù hoặc hát soong hao, hát then và đàn tính (dân tộc Tày, Nùng)... tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh cũng không dễ có ngay. Ngoài ra, việc thiếu hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương, truyền tải được giá trị của di sản đến du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm du lịch di sản chưa thu hút được đông đảo khách tham quan.

Vùng đất Bắc Giang đã được lịch sử được ưu ái khi sở hữu những tinh hoa di sản văn hóa độc đáo và hấp dẫn. Đây được xem là những "mỏ vàng" của ngành "công nghiệp không khói" cần được quan tâm đầu tư bảo tồn, nâng niu và phát huy giá trị. Với việc triển khai Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, hy vọng trong tương lai, những di sản của Bắc Giang sẽ là lựa chọn yêu thích của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

(Theo Cinet.vn)

T.T

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tich-cuc-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-di-san-van-hoa-o-bac-giang-a6216.html