Tìm thấy gốm cổ Hizen tại thương cảng cổ Hội Thống

Đoàn nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản tại thương cảng cổ Hội Thống đã phát hiện nhiều hiện vật gốm, sành sứ thuộc văn hóa Việt Nam thế kỷ 13-18, tiêu bản gốm sứ Trung Hoa thế kỷ 16-18 và tiêu bản gốm cổ Hizen của Nhật Bản niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ 17.

Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Trường Đại học Chiêu Hòa (Nhật Bản) và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh vừa tiến hành khai quật thám sát khảo cổ học tại khu vực đình Hội Thống và đền Cả, ở thôn Hội Phụ, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo kết quả bước đầu sau thời gian khai quật, thám sát từ ngày 4-9 đến 13-9-2016, đoàn nghiên cứu đã tiến hành mở 5 hố khai quật thám sát tại 4 vị trí khác nhau (gồm Cồn Bơi, Đồng Sú, Đầu Cồn và khu vực đình Hội Thống).




Nhóm nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản báo cáo kết quả khai quật bước đầu

Qua quá trình khảo sát nghiên cứu, cũng như kết quả tại các hố thám sát đoàn đã phát hiện nhiều hiện vật gốm, sành sứ thuộc văn hóa Việt Nam (thế kỷ 13-18) và một số tiêu bản của gốm sứ Trung Hoa (thế kỷ 16-18).

Đặc biệt, tại khu vực đình Hội Thống đoàn nghiên cứu đã phát hiện được một số tiêu bản gốm cổ Hizen của Nhật Bản (niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ 17).




Gốm sứ cổ thu được sau đợt khai quật

Theo đánh giá ban đầu của các nhà nghiên cứu khảo cổ học, mật độ dày của gốm sứ niên đại từ khoảng thế kỷ 13 - 14 mà đoàn tìm được cho thấy khu vực Hội Thống là một thương cảng cổ phát triển sầm uất dưới thời Trần và sang thế kỷ 15 sự xuất hiện của gốm thương mại thời Lê sơ, gốm Thăng Long, cho thấy giao thương nội địa rất sôi nổi và giao thương với bên ngoài phát triển.

Đặc biệt, sự xuất hiện của gốm Hizen cho thấy người Nhật cũng đã đến với thương cảng cổ Hội Thống. Điều này là một trong những căn cứ vật chất để bước đầu khẳng định thêm mối quan hệ giao thương Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ 17.

Theo tiến sĩ Kikuchi Yriko, Viện Nghiên cứu Văn hóa Con người thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Nhật Bản, chuyến khảo sát lần này, nhóm nghiên cứu đã nhận diện được một số kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ thời Trần, gốm sứ men hoa Hán cho thấy bến cảng Hội Thống có từ thời Trần, khoảng cuối thế kỷ 16 đã có dân định cư quanh khu thương cảng và đình Hội Thống chắc chắn có từ thế kỷ 17. Đặc biệt, vào khoảng thế kỷ 17, gốm sứ Hizen Nhật Bản do các thương nhân Trung Quốc và Hà Lan mang xuất khẩu ra các nước khu vực Đông Nam Á và mối quan hệ giao thương giữa Nhật bản và Hà Tĩnh đã có từ thế kỷ 17.

Trong tương lai, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học này sẽ thúc đẩy xây dựng một lịch sử quan hệ hữu nghị mới giữa Nhật Bản và Hà Tĩnh, theo tiến sĩ Kikuchi Yriko.

(Theo SGGP)

DƯƠNG QUANG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tim-thay-gom-co-hizen-tai-thuong-cang-co-hoi-thong-a6197.html