Thổn thức tiếng kèn bầu trong cổ nhạc Huế

Kèn bầu là một nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong Nhã nhạc cung đình Huế. Trong dàn nhạc lễ dân gian (tế làng, lễ tang) nó cũng giữ một vị trí rất quan trọng

Thành phần khí nhạc đặc thù

Theo GS. Trần Văn Khê, âm nhạc Phú Xuân - Huế trải qua một quá trình giao lưu văn hóa Chăm lâu dài trong lịch sử nên “nhạc Việt đã nhuộm màu Chàm”… (GS Trần Văn Khê. Âm nhạc Việt Nam truyền thống. 1962). Tiếng kèn trong Nhã nhạc Huế vì thế cũng mang âm sắc sâu lắng, u hoài, tương đồng với kèn saranai của người Chăm… Có dịp thưởng thức các nghệ nhân Huế trình diễn nhã nhạc cung đình, người nghe rất ấn tượng với cây kèn bầu, một loại nhạc cụ nhỏ bé nhưng hết sức quan trọng. Kèn bầu thường xuyên được xếp “hàng đầu” trong dàn tiểu nhạc và đại nhạc cung đình. Với các lễ hội dân gian, tế làng, đám ma… dù dàn nhạc chỉ 3 - 4 người, vẫn có kèn bầu diễn tấu với trống, đàn nhị.

Theo lão ntghệ nhân Lữ Hữu Thi, kèn bầu rất nhiều kích cỡ khác nhau, có thể chia làm 3 loại: Loại âm trầm, loại âm cao và loại âm trung phổ biến nhất. Thiết kế cây kèn bầu gồm 3 phần chính.

Dăm và vong kèn là loại dăm kép, làm bằng ống sậy mềm (hoặc có thể tiện bằng gỗ quý, ngà voi), phần trên vót mỏng, một đầu bóp bẹp, cuối dăm tròn để cắm vào đầu một cái thắng (gọi là vong). Dăm kèn là bộ phận quan trọng nhất của cây kèn, nếu như dăm không tốt sẽ cho âm sắc kém. Cái thắng là một ống bằng kim loại nối liền giữa dăm kèn với thân kèn.

Thân kèn (có nơi gọi là suốt kèn) đó là một ống rỗng lòng, dài từ 25 - 30cm, đường kính 2 đầu ống khác nhau vì cấu tạo hình ống thuôn to dần. Trên lưng ống đục 7 lỗ bấm và 1 lỗ nằm dưới thân ống, gần đầu ống do ngón cái đảm nhiệm. Sử dụng các lỗ bấm của kèn có thể phát ra các âm theo thang âm 7 cung (nên miền Bắc gọi là kèn bóp). Loa kèn (hay bát kèn) đều được làm bằng vỏ bầu khô (nên người Huế mới gọi là kèn bầu).

Mỗi lần trình diễn nhã nhạc cung đình (đại nhạc và tiểu nhạc) thường có 3 - 5 nhạc công thổi kèn bầu. Đây là nhạc cụ quan trọng nhất để lĩnh xướng dàn nhạc. Đám ma, tế làng, hội lễ… cũng mời 1 - 2 nhạc công thổi kèn. Đặc biệt trong lễ tang, tiếng kèn réo rắt, thê lương hòa vào tiếng đàn nhị ai oán, não nề. Do ấn tượng về tiếng kèn buồn thảm, các nhạc công cho biết: “Bình thường, không phải lúc nào cũng đem kèn ra thổi. Từ trước đến nay, trong dàn nhạc ca Huế không bao giờ có kèn bầu, thay thế bằng đàn nhị”.

Nguy cơ thất truyền

Nổi bật trong các bài bản cổ là hai bài kèn: “Đăng đàn cung” và “Nhã nhạc cung ai”. Bài “Đăng đàn cung” rất hùng tráng, dùng trong lễ tế làng, rước thần. Tiếng kèn nhịp nhàng, hùng tráng hòa vào tiếng trống lớn, trống bé, điệp khúc mạnh mẽ. Bài “Nhã nhạc cung ai” trái lại rất buồn, âm điệu não nề, chỉ thổi trong lễ tang.

Ở Thừa Thiên - Huế, hiện nay chỉ còn giữ được khoảng 20 bài kèn của hệ thống nhạc lễ cung đình. Theo nghệ nhân Trần Thảo (con trai của cố nghệ nhân Nhã nhạc Trần Kích) thì bài kèn “Nhã nhạc cung ai” giờ chỉ còn một mình nghệ nhân Trương Khiếm biết. Lão nghệ nhân này đã 88 tuổi, cùng thế hệ với cố nghệ nhân Trần Kích, cố nghệ nhân Nguyễn Kế, nghệ nhân Lữ Hữu Thi…

Nghệ nhân “kèn” số một Trương Khiếm hiện sống ẩn dật ở vùng duyên hải Thừa Thiên - Huế (xã Phú Diên, Phú Vang). Ông được cha truyền dạy nhã nhạc rất bài bản, cha ông là truyền nhân của một ca công trong cung đình thời Nguyễn. Biết tiếng ông, ở đâu tổ chức trai đàn chẩn tế, ma chay, tế làng, lễ hội… đều mời ông cho bằng được. Ông biết rõ tất cả các nghi lễ, bài kinh, kệ, tụng niệm...

Bài kèn “Nhã nhạc cung ai” hiện nay chỉ một mình ông thành thạo. Ông Khiếm cho biết: “Bản này rất buồn, thể hiện tiếng khóc than ai oán trong chốn cung đình. Thổi “Nhã nhạc cung ai” phải sử dụng cây kèn “đại”, lớn hơn cây kèn bình thường, âm thanh trầm lắng”.

Theo nghệ nhân Trương Khiếm, muốn học thổi kèn bầu bình thường phải mất khoảng 2 - 3 năm, nhưng muốn thổi được cả 3 loại kèn (đại, trung, tiểu) phải tập luyện đến 10 năm. Tập luyện vất vả, khi trình diễn không “đẹp mắt” như các nhạc cụ khác, nên từ xưa đến nay, trong nhã nhạc (và ca Huế), nữ giới chỉ thổi sáo, thổi tiêu nhưng không ai học thổi kèn bầu…

Ở Huế trước đây có nghệ nhân Trần Kích (đã mất) là một trong những cây “đại thụ” của Nhã nhạc. Sinh thời, nghệ nhân Trần Kích rất đa tài, chơi giỏi các loại nhạc cụ: nhị, nguyệt, tỳ, bầu, sáo...thành thạo cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc ca Huế. Giáo sư Trần Văn Khê trong một lần xem ông Trần Kích biểu diễn (tại Paris) đã xúc động nói: “Tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều nghệ sỹ biểu diễn nhưng cái thần, cái hồn của các nhạc cụ khi được anh biểu diễn thì nó như được nâng lên một tầm cao mới của nghệ thuật và tất cả âm thanh ấy không thể lẫn vào đâu được.”

Hiện nay, trong nhã nhạc, ít người theo học thổi kèn. Các bài bản cổ đang có nguy cơ thất thuyền vì các lão nghệ nhân đều lần lượt qua đời.

Theo Làng Việt Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thon-thuc-tieng-ken-bau-trong-co-nhac-hue-a612.html