Đôi nét về đình làng ở Tiền Giang

Theo nhiều tư liệu, đình làng là nơi thờ Thành hoàng, các vị thần thiên nhiên, người có công với làng; nơi hội họp dân; nơi nghỉ chân của người lỡ đường…

Có lẽ đình làng có từ thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc. Trước đây, đình có 3 gian chính: Gian giữa không có sạp, gian trong thờ Thành hoàng và 2 chái. Cuối thế kỷ XVII, từ gian giữa kéo dài về sau gọi là “chuôi vồ”, tạo cho đình mang kiểu chữ đinh. Đến cuối thế kỷ XVIII, đình làng được bổ sung tòa tiền tế, xây dựng dựa trên nguyên tắc của thuật phong thủy, các yếu tố nghiêng về trang trí và chạm khắc.
 
 
Anh Lê Tấn Thông đang lo hương khói cho đình Tân Đông, chỉ tay giới thiệu nét đẹp của 2 bộ rễ bồ đề ôm lấy 5 vòm cửa.
 
Có thể định nghĩa: Đình làng là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, có 3 chức năng: Tín ngưỡng, hành chính, văn hóa đan xen, hòa quyện với nhau, khó có thể phân biệt chức năng nào có trước.
 
Nét đẹp về tín ngưỡng và văn hóa
 
Đình làng ở Tiền Giang cũng có chung bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của vùng Nam bộ. Đình Điều Hòa ở phường 2, TP. Mỹ Tho là 1 trong 4 ngôi đình được cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Ngoài giá trị về kiến trúc trên 200 năm, đình Điều Hòa còn là nơi tín ngưỡng của người dân, mỗi năm có 2 lệ cúng vào ngày 16, 17 và 18 của tháng 2 và tháng 10 âm lịch (ÂL).
 
Mỗi lệ cúng có hàng ngàn người dân đến cầu an, dâng lễ vật và xem hát bội. Hiện đình Điều Hòa vẫn còn giữ nguyên những hoạt động văn hóa này. Ngoài 2 lệ cúng trên, đêm giao thừa, người dân chen chân đến đình Điều Hòa cầu an, xin lộc và nơi đây cũng là điểm đến của những nhà nghiên cứu, khách du lịch.
 
Mùa lễ hội cúng đình, chúng tôi theo chân nhóm hát bội Bầu Lân đến xem hát ở đình Phú Kiết (huyện Chợ Gạo), chứng kiến cảnh náo nức, nhộn nhịp của hội hè truyền thống. Từ xa đã nghe tiếng trống chầu rộn rã, người già mặc áo dài, khăn đóng nghiêm trang; lớp trẻ chỉnh tề áo mới đủ sắc màu nhưng kín đáo; trẻ con được theo người lớn quỳ lạy và được ngồi vào bàn ăn uống.
 
Nơi vỏ ca (sân khấu nhỏ của đình), lúc suất hát diễn ra, người người chen nhau ngồi, lớp trước, lớp sau; người lớn tay quạt, tay nách con bên cạnh; trẻ con há hốc cả miệng với những lớp tuồng hát bội trang phục lộng lẫy, vũ đạo tinh thông, múa kiếm, vung đao chớp nhoáng và những tràng vỗ tay cho những pha đi gối của cô đào Hương Thanh Thảo (con gái Bầu Lân). Ngoài những hoạt động trên, còn có một nghi lễ không thể thiếu của Ban Hương đình là lễ tế thần, dâng trà, dâng hoa quả, hương, đăng…
 
Giữ gìn và tôn tạo
 

Hiện nay, rất nhiều ngôi đình cổ xuống cấp do thời gian hoặc chậm trùng tu, điển hình là đình cổ Thân Nhơn (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành), đình cổ Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông)…
 
Có lần theo diễn giả Hồ Nhựt Quang (môn sinh của cố GS-TS Trần Văn Khê) làm phóng sự truyền hình về đình cổ Thân Nhơn, thấy đình bị xuống cấp trầm trọng, mặc dù người dân nơi đây luôn góp sức tu sửa nhưng họ không đủ sức. Tính từ ngày vua Tự Đức ban 2 sắc thần cho đình đến nay đã hơn 160 năm (ngày 29-11-1852), nên toàn ngôi đình chỗ mối mọt tung hoành, chỗ mục nát, ngói tuột xuống…
 
Ông Ngô Văn Cậy, Phó Ban Khánh tiết đình bức xúc: “Ước mong đại tu lại đình, nhưng không có kinh phí, mong Nhà nước và bà con chung tay sửa sang để lưu giữ ngôi đình…”.
 
 
Đình cổ Thanh Hòa (đình Bang Lãnh, phường 5, TX. Cai Lậy) ), khu chánh điện đã được phục xây.
 
Ở khu phố 5, phường 5, TX, Cai Lậy, ngôi đình cổ Thanh Hòa (người dân quen gọi đình Bang Lãnh) khu chính điện đã được phục xây. Anh Nguyễn Văn Bé Sáu thừa kế nhang khói đình của mẹ mình là bà Nguyễn Thị Sáu (đã mất), cho biết, khởi công từ tháng 12 ÂL năm 2015, chính điện đã hoàn thành.
 
Việc phục chế lại các hoành, liễn, tranh, chữ, trang trí nội thất do chị Lê Huân góp công sơn vẽ. Ban Khánh tiết đôn đốc, theo sát nhân công để kịp cúng lệ đình. Ngày 17-6 ÂL là ngày cúng lệ đình, cũng là ngày khánh thành công trình phục xây chính điện (còn kỳ cúng cuối vào ngày 17-11 ÂL).
 
Trong niềm hân hoan đó, ông Huỳnh Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban vận động sửa chữa đình chia sẻ: “Kinh phí phục xây chính điện khoảng 600 triệu đồng. Bà con góp thêm tiền và hiện vật (sắt, xi măng, gạch…) để sửa lại nhà khách, nhà bếp bị đổ nát.
 
Tôi mong bà con tiếp tục đóng góp để phục xây hoàn chỉnh đình (đang xây hàng rào) để kịp làm lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Theo bài vị, đình Bang Lãnh thờ ông Huỳnh Tấn Chiêu, có công xây cất đình khoảng năm 1811, cùng thời ông thành lập chợ Cai Lậy”.
 
Cũng trong cảnh “già nua”, đình Tân Đông (ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) đang “hấp hối”. Ngôi đình này đã được cấp Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và Sở VH-TT&DL đã hoàn thành bản vẽ để đại trùng tu.
 
Anh Lê Tấn Thông, 49 tuổi, cho biết: “Ba tôi là ông Lê Văn Rớt từng làm ông từ của đình, đã mất hơn 5 năm nay. Tôi thay cha hương khói cho đình. Nhiều lần cán bộ tỉnh xuống khảo sát, nhưng mãi tới nay chưa thấy động tịnh gì trong khi ngôi đình sụp đổ gần hết”.
 
Sức “quyến rũ” của đình Tân Đông là 5 vòm cửa cổ kính, được rễ 2 cây bồ đề quấn lấy tạo thành một bức phù điêu sống động, như cố níu giữ nét vàng son, cổ kính của ngôi đình. Trên vòm cửa còn đề năm 1907, theo những người cao niên thì đó là năm đại tu lại đình, còn đình có từ lâu lắm.
 
Hiện 4 phía vách của 3 gian chính điện đa phần được rễ của những cây bồ đề ôm lại, phần lớn đã sụp đổ vách và mái ngói trống trơn; mái đình được che bằng mấy tấm nhựa, gió thổi phập phồng không biết bay đi lúc nào...
 
Ấy vậy mà mỗi lệ cúng đình (đình Tân Đông mỗi năm 4 kỳ cúng vào các ngày 16, 17, 18 của các tháng 2, 5, 8 và tháng 11 ÂL), người dân vẫn góp tiền, góp lễ vật cúng đình. Trong lời cầu nguyện của họ có cả lời cầu mong cho đình mau được sửa chữa để chỗ cúng thần được đàng hoàng hơn.
 
Chúng tôi mang những thắc mắc của người dân đến Sở VH-TT&DL, được ông Trần Thanh Phúc, Phó Giám đốc Sở diễn giải:
 
“Chúng tôi đã khảo sát, lên bản vẽ đại tu lại đình khoảng 10 tỷ đồng, nhưng do tình hình ngân sách khó khăn nên chúng tôi lên kế hoạch sửa chữa chính điện trước (khoảng 2 tỷ đồng) mà vẫn chưa có kinh phí. Năm nào Ban Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng nhắc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng đều nhận câu trả lời “chờ kinh phí”.
 
Một số cán bộ người Gò Công làm ăn xa cũng có nhã ý sẽ vận động đóng góp sửa đình nhưng đến nay chưa có hồi âm. Chúng tôi rất xót xa khi thấy đình xuống cấp trầm trọng, bởi nét kiến trúc cổ kính, độc đáo của đình đã được tỉnh cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa...”.
 
Những bậc cao niên ngày đêm trăn trở, mong ngôi đình làng của mình được kiên cố, an toàn, với sự trang nghiêm vốn có, để được khói hương thờ phượng, tỏ lòng tôn kính bậc tiền nhân đã khai hoang mở cõi, góp phần giáo dục thế hệ hôm nay biết nhớ nguồn, thương cội.
 
(Theo Báo Ấp Bắc)

NGỌC LỆ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doi-net-ve-dinh-lang-o-tien-giang-a6117.html