Di dời Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế: Chờ đợi & lo âu

Được đặt ra cấp thiết qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay, mục tiêu xây mới Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (nguyên là Bảo tàng Lịch sử Cách mạng) vẫn chưa khả thi, đặt hàng vạn hiện vật tại đây trong tình cảnh đi dở, ở không yên.



Xe tăng của quân đội Mỹ bị tịch thu trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975 phơi nắng, phơi mưa tại Bảo tàng  Lịch sử Thừa Thiên Huế.

Chống dột khẩn cấp 
 
Ngày 12/7/2016, Phó Chủ tịch UDND tỉnh Nguyễn Dung ký văn bản yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương triển khai các thủ tục để khởi công chống xuống cấp di tích Quốc Tử Giám trước mùa mưa bão 2016. Đây chính là cơ sở Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang tạm sử dụng nhưng lại thuộc quyền quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. 
 
Có mặt tại di tích Quốc Tử Giám một ngày cuối tháng 7, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình trạng rệu rã của các dãy nhà tại đây. Nhiều nơi, hệ thống kèo gỗ phải chống đỡ tạm bằng cột sắt. Trong các kho lưu trữ, từng đống hiện vật được che chắn để phòng nước dột. Một số hiện vật phải để trên hành lang vì thiếu kho lưu trữ. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho hay, đầu tháng 6 vừa qua, sau các đợt mưa lớn, nước dột từ mái di tích tràn lênh láng các dãy nhà được sử dụng để trưng bày, bảo quản hiện vật.
 
Ngoài hiện vật trong nhà, tại bảo tàng còn có các hiện vật trưng bày ngoài trời, gồm 7 chiếc xe tăng, 4 khẩu pháo, 4 máy bay và một số khẩu thần công được chế tác thời nhà Nguyễn. Tất cả số hiện vật gốc này đều không có mái che, phơi mình dưới nắng hè như thiêu đốt.
 
 
Dùng cọc sắt tạm chống xuống cấp Di tích Quốc Tử Giám 
 
Các hiện vật xe tăng đều đã rỉ sét trầm trọng, một số chiếc bị mất các bộ phận như cần cẩu, xích. Hiện vật pháo nhiều khẩu mất bánh... Hiện vật máy bay một chiếc bị vỡ kính. Riêng các khẩu thần công, trong đó có khẩu được đúc dưới thời Minh Mạng (1825) khi chạm tay vào các lớp sắt rỉ rơi ra từng mảng.
 
Ông Cao Huy Hùng cho biết, 7 chiếc xe tăng và 4 khẩu pháo là hiện vật chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ, gắn với chiến trường Trị Thiên - Huế, được trưng bày tại bảo tàng từ những ngày đầu thành lập. Riêng 4 chiếc máy bay (cũng là hiện vật chiến tranh thời chống Mỹ) được phục hồi với kinh phí 2 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh cách đây chừng 10 năm. Do hiện vật trưng bày ngoài trời nhưng không có mái che, khuôn viên bảo tàng không có hàng rào bảo vệ nên qua thời gian, hiện vật bị hư hỏng, mất mát. “Chúng tôi nhiều lần đề xuất, kiến nghị cho xây hàng rào tạm xung quanh bảo tàng, cho dựng mái che tạm đối với hiện vật ngoài trời, cho chống dột mái các dãy nhà... để bảo vệ hiện vật nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì lý do kinh phí và vướng các quy định xây dựng nghiêm ngặt liên quan đến di sản (di tích Quốc Tử Giám-PV), ông Cao Huy Hùng bày tỏ.
 
Chưa quyết được địa điểm 
 
Quốc Tử Giám là di tích cổ thuộc triều Nguyễn, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Sau đợt trùng tu năm 1990, đến nay di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.
 
Chủ trương di dời, xây mới bảo tàng (do đặt chưa đúng chỗ dẫn đến nhiều bất cập) được đặt ra từ lâu. Năm 2013, Tỉnh ủy ra Nghị Quyết số 05/17/4/2013 về quy hoạch thiết chế văn hóa giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, trong đó nói rõ, từ 2013 đến 2020, phấn đấu xây dựng Bảo tàng Lịch sử Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử). Sau đó HĐND tỉnh ra quyết nghị với nội dung tương tự. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp bàn, đến nay vẫn chưa định được địa điểm để xây dựng.
 
 
Hiện vật máy bay trong chiến tranh chống Mỹ được phục hồi bị hư hại do điều kiện trưng bày không an toàn.  
 
Mới đây, ngày 9/6/2016, Sở Kế hoạch & Đầu tư tổ chức cuộc họp với các ban ngành liên quan bàn vị trí dự kiến xây dựng bảo tàng tại đường Điện Biên Phủ (phường Trường An, TP. Huế), nơi một đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đang đứng chân. “Các ý kiến đều nhất trí cao về địa điểm này. Phía Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất phương án di dời với kinh phí đề nghị tỉnh hỗ trợ từ 60-70 tỷ đồng, cùng việc bố trí địa điểm mới khoảng 2 ha. Đó là chưa nói đến nguồn lập dự án, triển khai xây dựng, di dời  bảo tàng. Với kinh phí dự kiến lớn như thế, liệu mục tiêu phấn đấu xây dựng bảo tàng đến năm 2020 đã cận kề, có khả thi?” - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử trăn trở.
 
Trong khi chờ đợi phương án xây dựng cơ sở mới chưa biết khi nào sẽ khả thi, điều ông Hùng nóng lòng là kế hoạch trùng tu khẩn di tích Quốc Tử Giám như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhanh chóng được triển khai, để bảo vệ hiện vật sớm được ngày nào, tốt ngày ấy....
 
Hiện, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế có gần 30 ngàn hiện vật, trong đó có nhiều vật quý về mặt lịch sử mà theo ông Cao Huy Hùng, nếu mất mát, hư hỏng, thì khi có tiền, có kinh phí vẫn không mua được. 
 
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mong Bảo tàng Lịch sử sớm được xây dựng để bàn giao di tích Quốc Tử Giám nhằm có phương án trùng tu tổng thể bởi đây là giảng đường cổ duy nhất còn lại của Việt Nam.
 
Sẽ trùng tu trước mùa mưa
 
Về phương án trùng tu khẩn trương di tích Quốc Tử Giám theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ông PhanThanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã xây dựng phương án, sẽ hoàn thiện một số thủ tục, dự kiến triển khai trùng tu di tích Quốc Tử Giám vào tháng 10/2016. Việc trùng tu chủ yếu phần khung mái và mái lợp để chống dột cho di tích, kinh phí dự trù khoảng 3 tỷ đồng.
 
Một khó khăn, theo ông Hải, do dự án triển khai đột xuất, có khả năng chỉ bố trí được khoảng 15% kinh phí (500 triệu đồng). Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tạo mọi điều kiện để đơn vị thi công ứng vốn thực hiện, kịp hoàn thành trước mùa mưa năm nay.

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-doi-bao-tang-lich-su-thua-thien-hue-cho-doi-lo-au-a6080.html