Cắt băng khánh thành Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường khẳng định, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn là công trình văn hóa rất có ý nghĩa đối với nhân dân Tuy Phước nói riêng; huyện sẽ làm tốt công tác quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích văn hóa về Đào Tấn trên địa bàn huyện, hằng năm tổ chức tốt các hoạt động dân gian truyền thống và nghi thức lễ dâng hương nhân ngày sinh, ngày mất danh nhân Đào Tấn…
Danh nhân Đào Tấn (1845 - 1907), tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng. Ông là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý. Sinh thời Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sân khấu tuồng. Ông được coi là ông tổ của nghệ thuật hát bội với những kiệt tác sân khấu bất hủ như "Hộ sanh đàn", "Cổ Thành", "Trần hương các"... Hát bội Bình Định đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Tiết mục nghệ thuật hát bộ đặc sắc tại lễ khánh thành Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn
Tọa lạc tại thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) - quê hương của Hậu tổ tuồng Đào Tấn, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn được xây dựng cạnh từ đường họ Đào và đình làng Vinh Thạnh. Đây là công trình do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư và được hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 109 năm ngày mất Đào Tấn; có tổng diện tích 3.998m2, trong đó hạng mục quan trọng nhất là đền thờ (233m2) cùng các công trình phụ khác như nhà quản lý (80m2), sân hành lễ, công viên cây xanh, tường rào, cổng ngõ… Tổng kinh phí xây dựng là 9,6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và nguồn huy động xã hội hóa.
Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn là công trình tưởng niệm nhà soạn tuồng xuất sắc, danh nhân văn hóa của dân tộc, nơi trưng bày, gìn giữ và phát huy giá trị những tư liệu, hiện vật, kỷ vật, bút tích tác phẩm của Đào Tấn, qua đó giúp người xem hiểu thêm phần nào về sự nghiệp đồ sộ và đóng góp của Đào Tấn cho văn hóa dân tộc.
Xuân Vũ