Quảng Nam: Bảo tàng tư nhân “khủng”!

Nhắc đến Bảo tàng Văn hóa Chăm, du khách phần lớn chỉ biết đến bảo tàng ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, có một bảo tào Văn hóa Chăm mang tên khác – Bảo tàng Chu Lai. Bảo tàng hiệm nằm trong một không gian mở rộng chừng 5ha với hàng ngàn hiện vật qua các triều đại của Việt Nam từ thế kỷ XVIII - XIX và nhiều hiện vật văn hóa Chăm.



Hiện vận gốm thế kỷ XV-XVI trưng bày trong Bảo tàng Chu Lai


 Phong phú các hiện vật

Bảo tàng Chu Lai có thể xem là bảo tàng tư nhân hoành tráng của khu vực miền Trung. Bảo tàng nằm trên tuyến ven biển, đoạn giáp ranh giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi, trong khuôn viên Chu Lai resort; thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Miền Trung, địa chỉ giao dịch tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Để có được số hiện vật khổng lồ trưng bày trong bảo tàng, chủ nhân của nó đã bỏ ra khoảng 40 năm sưu tầm, từ hiện vật thuộc quá trình lịch sử Việt Nam đến các hiện vật giao lưu văn hóa với Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các nước phương Tây. Những hiện vật này hiện vật gốm sứ, đá, kim loại thuộc thời văn hóa Sa Huỳnh cho tới đầu thế kỷ 20, được trung bày nhằm giới thiệu đến du khách và người dân địa phương lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến thời cận - hiện đại như: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Óc Eo…; lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực; đồng hồ thế giới thế kỷ 18-20, điện thoại di động cuối thế kỷ 20; sưu tập hạt chuỗi Tây Nguyên thế kỷ 18-20, sưu tập chuông và lục lạc thế kỷ 18-20, sưu tập hỏa khí thế kỷ 17-19…

Tham quan bảo tàng, ngắm từng cổ vật, du khách có thể có được một chuyến du hành ngược dòng lịch sử, tìm hiểu những cội nguồn văn hóa dân tộc qua các thời nhà Nguyễn, Mạc, Tây Sơn, văn hóa Hậu Sa Huỳnh… Hiện vật trưng bày của bảo tàng ngoài đồ gốm, vật trang trí nội thất cổ còn có các loại binh khí, vật dụng nhà quan lại thời xưa; súng thần công và đạn. Nhiều nhất là hiện vật bằng gốm và đá. Đến đây, du khách như lạc vào một thế giới khác, thế giới của những câu chuyện kể bằng gốm và đá: Sưu tập đồ gốm miền Trung thế kỷ 15-20, sưu tập chày, con lăn và bàn nghiền Nam bộ thế kỷ 8-12.




Du khách tham quan Bảo tàng Chu Lai
Đậm nét văn hóa Chăm

Hơn phân nửa diện tích của Bảo tàng Chu Lai là dùng để trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa Chăm. Những hiện vật này phần nhiều được trưng bày trong một không gian khép kín. Nhiều hiện vật được cho là rất có giá trị như thẻ tạ ơn hình Phật bằng bạc dán trên các cột kinh của Chămpa thế kỷ 9-10, Kendi bằng đồng, ngẫu tượng Linga - Yoni bằng bạc và vàng. Chỉ tính riêng bộ Kendi, nếu tìm hiểu kỹ sẽ hiểu được phần nào thời kỳ của những vương triều Chăm Pa hưng thịnh.

Bộ sưu tập liên quan đến văn hóa Chăm được trưng bày tại bảo tàng rất phong phú. Thuyền độc mộc, cối xay, cối giã, công cụ sản xuất, tượng thần, thủy quái, vật tượng trưng tín ngưỡng; mỗi một hiện vật đều chứa đựng một câu chuyện riêng về bản thân nó hay liên quan đến hành trình sưu tầm của chủ sở hữu bảo tàng. Không mấy ai xa lại khi nhắc đến biểu tượng Linga – Yoni trong văn hóa Chăm, song tại Bảo tàng Chu Lai, du khách sẽ được nhìn thấy rất nhiều hiện vật là Linga. Có thể xem đây như một điểm nhấn riêng biệt của bảo tàng. Từ thông tin của bảo tàng, du khách cũng có thể hiểu một cách cơ bản về những vương triều Chăm Pa; đặc biệt là biểu tượng của văn hóa Chăm – Linga.




Thủy quái Makara, Bò thần là những linh vật liên quan đến tín ngưỡng người Chăm

Trong không gian trưng bày các hiện vật khép kín của bảo tàng, chủ sở hữu bảo tàng đã cho đắp các phù điêu trên tường, vẽ tranh trên trần những cảnh sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người chăm một cách sinh động. Đây có lẽ là một điểm nhấn khác để tăng thêm phần cuốn hút của bảo tàng.

(Theo Báo Du Lịch)

PHƯỚC HÀ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-nam-bao-tang-tu-nhan-khung-a6014.html