29/07/2016 15:32
29/07/2016 15:32
PGS - Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương: 60 năm dưỡng nuôi tài năng nghệ thuật
Trong tuần lễ này, Nhạc viện TPHCM tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016). Với sự đóng góp nhiệt thành, hết mình của bao thế hệ, Nhạc viện đã đạt được rất nhiều thành tựu giá trị, nhất là hiệu quả to lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động văn hóa nghệ thuật ở khu vực phía Nam, tổ chức biểu diễn và giao lưu hợp tác giáo dục quốc tế, tạo được sức lan tỏa sâu rộng của âm nhạc trong đời sống người dân thành phố.
Với niềm tự hào ấy, Giám đốc Nhạc viện TPHCM - PGS - Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương đã có buổi trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, niềm tin tưởng về một tương lai tươi mới, nhiều kỳ vọng của nhạc viện với phóng viên Báo SGGP.
* Phóng viên: Là thế hệ quản lý tiếp nối tiền nhân, bà có cảm xúc như thế nào khi nhìn lại những thành tựu mà Nhạc viện TPHCM đã đạt được sau 60 năm?
- Bà Văn Thị Minh Hương: 60 năm với một đời người là quãng thời gian dài, nhưng đối với một ngôi trường nghệ thuật như Nhạc viện TPHCM lại là quãng thời gian vừa đủ tích lũy để bước sang giai đoạn trưởng thành.
Từ năm 1956 đến nay, nhạc viện đã đào tạo rất nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm âm nhạc tài năng. Nhiều người trong số họ đã tham gia biểu diễn, giảng dạy trong các dàn nhạc cũng như các nhạc viện có tên tuổi trên khắp thế giới. Sự lao động, sáng tạo và hoạt động của họ đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển âm nhạc ngày càng cao của thành phố và cả nước.
Trải qua chặng đường 60 năm, các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ viên chức và học sinh, sinh viên nhạc viện, đã cùng phấn đấu, vượt qua những khó khăn, luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giữ vững truyền thống và tên tuổi của ngôi trường thân yêu.
Mặc dù trong quãng thời gian dài đó, có người còn, người mất, có người chuyển sang ngành nghề khác hoặc đang ở những phương trời xa; nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, trái tim của mỗi người, mái trường này vẫn là nơi để lại những dấu ấn sâu sắc, thân thương, cảm động nhất.
Đó là những cảm xúc âm nhạc cô đọng, được thăng hoa tuyệt vời, của biết bao những thế hệ thầy trò.
Tiết mục hòa tấu Sắc màu của khoa Âm nhạc dân tộc chào mừng 60 nămthành lập Nhạc viện TPHCM
* Trong xu hướng hội nhập với thế giới, công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, tổ chức giao lưu, biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước… được nhạc viện định hướng, đầu tư thực hiện như thế nào?
- Những năm gần đây, cùng xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ của thành phố và cả nước, nhạc viện đã có những thay đổi trong quản lý để bắt kịp xu thế chung của xã hội, trong đó có việc thành lập thêm nhiều khoa, phòng, trung tâm, dàn nhạc.
Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, mở rộng cửa chào đón các tài năng âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới về cùng góp sức với nhạc viện. Tổ chức nhiều hình thức đào tạo với đủ loại hình, đủ các cấp. Đặc biệt, đào tạo theo mô hình xã hội hóa, thu hút hơn 1.000 người theo học, với một số có năng khiếu được hướng đi theo con đường chuyên nghiệp.
Tích cực thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương với các đơn vị đào tạo âm nhạc trong khu vực và thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, liên kết biểu diễn nghệ thuật với các trường đại học của Mỹ, Ý, Hungary, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đặc biệt là dự án dài hạn Transposition - Na Uy kéo dài 10 năm, đạt được hiệu quả cao.
Thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc định kỳ, những sự kiện âm nhạc quốc tế uy tín, tạo tiếng vang tốt trong nước và khu vực…
Trong hoạt động chuyên môn, có rất nhiều giảng viên, sinh viên nhạc viện đã đạt được các giải thưởng cao tại các kỳ thi, liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế, nhiều giảng viên được mời làm giám khảo của các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Từng giảng viên luôn tích cực học tập nâng cao chuyên môn, góp sức tại các hội thảo, tọa đàm, tham gia thực hiện các công trình khoa học, biên soạn các giáo án, xây dựng hệ thống giáo trình giảng dạy ngày càng chất lượng.
* Với những thành quả đã đạt được, bà mong mỏi điều gì cho nhạc viện trên con đường hoạt động, phát triển, hướng đến tương lai?
- Đến thời điểm này, khó khăn nhất của nhạc viện vẫn là cơ sở vật chất. TPHCM cũng giúp khu đất bên quận 9 nhưng Bộ VH-TT-DL không đủ kinh phí nên dự án tạm dừng, phải xoay qua tìm kiếm nguồn kinh phí xã hội hóa.
Mặt khác, nhạc viện rất lo về đội ngũ giảng viên. Thời bao cấp, Nhà nước lo hết việc đưa thầy cô đi đào tạo ở nước ngoài (Đông Âu), đội ngũ này hiện phần lớn đã nghỉ hưu, có người đã trên 80 tuổi, nhưng vẫn được nhạc viện tận dụng làm việc. Nguồn lực sau này do các gia đình tự đầu tư kinh phí để du học. Điều này giúp xã hội phát triển, các thầy cô vươn ra thế giới, có công ăn việc làm ổn định, nhưng đồng thời hệ quả chính là việc mất dần chất xám ra bên ngoài. Sắp tới, theo quy định về học hàm học vị, những thầy cô lớn tuổi quá sẽ không được sử dụng nữa. Đây chính là nỗi lo lớn của nhạc viện.
Nhìn vào toàn cảnh, trong khoảng 10 năm trở lại đây, sẽ thấy, cần thiết phải xem lại quan niệm đầu tư, sự quan tâm và chính sách đầu tư của Nhà nước dành cho công tác đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và riêng với Nhạc viện TPHCM. Trước đây, Singapore và Thái Lan thua xa mình, nhưng nay họ đã vượt qua. Thế nên, dù rằng mình có nguồn lực tâm huyết, yêu nghề, nhưng nếu không có chính sách phù hợp thì không thể phát huy được hết nội lực sẵn có, con đường hoạt động phát triển cũng khó đạt được như mong muốn.
* Xin cảm ơn bà!
(Theo SGGP)
THÚY BÌNH
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/pgs-tien-si-van-thi-minh-huong-60-nam-duong-nuoi-tai-nang-nghe-thuat-a5998.html