Sau 3 năm triển khai thực hiện, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang trình UBND thành phố phê duyệt kết quả thực hiện đề án “Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”.
Trong đó, Sở đã đề xuất 276 di sản cần được ưu tiên bảo vệ, lập hồ sơ 6 di sản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đề án “Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Làng nghề rèn thôn Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: langnghehanoi.vn
Thông qua đề án, Hà Nội đã kiểm kê được hơn 1700 di sản văn hóa phi vật thể, ở 6 nhóm loại hình là di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.
Tương ứng với 6 nhóm này, 6 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là những di sản đang có nguy cơ mai một hoặc biến đổi, bao gồm: Tiếng lóng Đa Chất (huyện Phú Xuyên), Hát Trống quân (ở Thường Tín, Phúc Thọ và Phú Xuyên), Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (huyện Chương Mỹ), Hát và Múa Ải Lao (quận Long Biên), Nghề rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông) và nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (huyện Ba Vì).
Chia sẻ về quá trình kiểm kê di sản này, PGS - TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết:
"Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội có nhiều mục tiêu, trong đó, thứ nhất là lập được bản danh mục- một hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể hiện nay đang tồn tại ở cơ sở.
Thứ hai là thông qua kiểm kê, phát hiện được những di sản nào đang có nguy cơ bị mai một thì phải có biện pháp cấp cứu ngay, những di sản văn hóa nào có giá trị cao thì chúng ta có những nghiên cứu sâu hơn, thông qua đó sẽ có biện pháp bảo tồn tốt nhất"./.
(Theo VOV.VN)