Về Ba Tri, thăm di tích cụ Đồ Chiểu

Tôi về Bến Tre - địa danh anh hùng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ- bâng khuâng trước di tích đền thờ nhà thơ yêu nước tiêu biểu giữa thế kỷ XIX của vùng đất Nam bộ - Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888). Từ nơi sâu thẳm của lòng ngưỡng vọng, tôi mơ hồ nghe tiếng thơ nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài đức vọng về…



Du khách viếng  đền thờ Nguyễn Đình Chiểu

Là người Việt Nam có lẽ bất cứ ai cũng thuộc đằm lòng 2 câu thơ nổi tiếng:“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!” Và, các tác phẩm: Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc…đã đi vào lòng người dân Nam bộ như những án thơ văn bất hủ thể hiện rõ nhân cách sống, thiên hướng sáng tác và tài năng văn chương của Đồ Chiểu.

Bước vào Khu di tích, đền thờ và khu mộ chí của cụ Đồ Chiểu tại ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri (Bến Tre), là một không gian thoáng rộng, yên tĩnh và tôn kính. Việc xây dựng, tôn tạo và chăm sóc khu di tích, đền thờ và mộ chí của cụ Đồ Chiểu thể hiện tình cảm yêu mến, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre đối với nhà thơ tài hoa, thầy giáo mẫu mực, thầy thuốc đức hạnh này.




Đền thờ với 3 tầng mái tượng trưng cho 3 nghề của Nguyễn Đình Chiểu

Cả cuộc đời gắn bó với nhân dân Nam bộ, đặc biệt hơn một phần tư thế kỷ sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Đồ Chiểu đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, khẳng khái bất hợp tác với giặc giữ vẹn tấm lòng yêu nước thương dân…. Bởi vậy, Đồ Chiểu trở thành niềm tự hào của nhân dân Bến Tre, mà Ba Tri là nơi ông đã sống và trúc hơi thở cuối cùng cũng vào một ngày 3/7/1888, thọ 66 tuổi. Nhiều con đường, trường học, bệnh viện ở Bến Tre và các thành phố lớn trong nước vinh dự mang tên Nguyễn Đình Chiểu; đặc biệt, từ năm 1946 đến 1948, tỉnh Bến Tre được đổi tên là tỉnh Đồ Chiểu.

Trong khu di tích có mộ của Nguyễn Đình Chiểu, mộ bà Lê Thị Điền (vợ) và mộ thi sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái đầu của ông). Khu Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 27/4/1990. Nhằm tỏ lòng thành kính đối với Đồ Chiểu, vừa để phục vụ tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, năm 1999 Bộ Văn hóa-Thông tin và tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng đền thờ mới, mở rộng khu di tích với tổng diện tích 13.000m2. Khu di tích là một hệ thống liên hoàn hài hòa với quang cảnh xanh tươi của vùng quê An Đức. Đền thờ hình tròn gồm 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề của cụ Đồ Chiểu (nghề dạy học, thầy thuốc và thơ, văn). Tượng Đồ Chiểu được đúc bằng đồng nặng 1,2 tấn uy nghi. Nhà bia với 2 tầng mái tượng trưng cho hai thành tựu cống hiến nổi bật của Đồ Chiểu, đó là những áng thơ văn yêu nước kiệt xuất, tiêu biểu trong phong trào thơ văn yêu nước chống Pháp thế kỷ XIX và mảng văn học dân gian xuất sắc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thơ ca Nam bộ…

(Theo Báo Du Lịch)

THANH DƯƠNG HỒNG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-ba-tri-tham-di-tich-cu-do-chieu-a5967.html