Biểu tượng chùa Vân Long

Việc công nhận Di tích Lịch sử - Cách mạng chùa Vân Long (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn, An Giang), họ hàng và phật tử gần xa vui mừng vô kể. Bởi lẽ, đây còn là niềm hãnh diện của những đồng chí, đồng đội tham gia chiến đấu 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại núi Cô Tô.

 Tình người chốn non cao

Với độ cao khoảng 400 mét so mặt nước biển, chùa Vân Long (khu vực vồ Mồ Côi, núi Cô Tô) được xây dựng vào những năm 1930, do sư ông Trần Hữu Lộc (ngụ chợ Tri Tôn) trụ trì và sáng lập theo phái Thiền Lâm. Đến năm 1947, ông là Phó Bí thư Huyện ủy và là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh huyện Tri Tôn. Ngày 30-12-1953, sư ông Trần Hữu Lộc hy sinh trên mảnh đất linh thiêng này, để lại lòng tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng đội. Cư dân bảo rằng, nơi đây ghi lại biết bao câu chuyện, ai nghe cũng ngỡ như huyền thoại thời xa xưa.




 Một góc hồ Suối Vàng  

Nối tiếp truyền thống, ông Lê Phước An (chợ Tri Tôn) có 2 người anh hy sinh trong chiến tranh chống Pháp và 2 người anh hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Người mẹ là Phan Thị Niêm được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, còn bản thân ông An là thương binh 3/4. “Ngôi chùa Vân Long được công nhận Di tích Lịch sử - Cách mạng là vinh dự không riêng họ hàng, mà ngay  cư dân núi Cô Tô cũng chung vui” – ông An nói. Trong lần gặp gỡ, ông còn cho hay, vồ Mồ Côi là dấu ấn, nơi có đứa trẻ mồ côi và ngôi chùa đơn cô giữa núi rừng.



Thắng cảnh khu vực chùa Vân Long

Ngày nay, người hành hương và du khách lên núi Cô Tô, ai cũng thích gặp gỡ và nghe kể chuyện núi rừng. Mảnh đất tình người là câu chuyện hấp dẫn, với nhiều nhân vật từng sống và chiến đấu ở đây. Chẳng hạn, bà chín Luận (Trần Thị Luận là cựu tù Côn Đảo, thương binh 3/4) trông coi nhang khói ngôi chùa ông Quyện (chứng tích chiến tranh còn để lại). Mọi người không chỉ kính trọng công lao trong kháng chiến, mà còn khâm phục sức chịu đựng người đàn bà có chồng (Hồ Văn Chính, Xã đội trưởng Núi Tô) anh dũng hy sinh ở độ tuổi 33. Thế nhưng, bà vẫn vững tin cuộc sống, chung thủy thờ chồng, nuôi con.

Sức lan tỏa thời chiến

Cùng với chùa Vân Long, chùa Bồng Lai xây dựng khoảng năm 1945. Hồi ấy, ngôi chùa cất bằng cây và lợp lá, do vị thầy từ ngọn Mặc Cần Dưng lên đây trông coi nhang khói. Bà Trần Thị Luận kể, tuy gặp mưa bom, đạn pháo và bị giặc đốt phá nhiều lần, nhưng chùa Bồng Lai vẫn giữ được bàn thờ Tam Bảo. “Thầy mười Khối là người chủ chùa đời thứ hai, thứ ba… gì đó, rồi mới tới lượt bà bảy Ân. Suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, một mình bà lo trong, lo ngoài chùa Bồng Lai” – bà Luận nhớ lại. Bà bảy Ân tên thật là Lê Thị Ân, quê quán ở Mặc Cần Dưng.




Đường lên núi Cô Tô

Thời kỳ đánh nhau ác liệt, nói tới vách Suối Vàng (núi Cô Tô) thì mọi người đều phải sợ. Vậy mà, bà bảy Ân bám trụ, vững chãi. Nhắc lại kỷ niệm xưa, Đại tá Lê Thành Cư, Anh hùng LLVTND, nói: “Tôi biết chùa Bồng Lai là hậu phương tại mặt trận vách Suối Vàng, núi Cô Tô. Đây là chỗ anh em mình liên lạc, đôi khi nghỉ tạm chờ chuyển tiếp; sau những trận đánh, mọi người tụ họp về chùa nghỉ ngơi”. Bấy giờ, núi Cô Tô đâu có mấy ngôi chùa, hễ “mốc nối” được là quý lắm, vừa có chỗ nơi ẩn núp, vừa đảm bảo tích trữ lương thực, thuốc men và các thứ đồ dùng khác.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhắc tới chùa Vân Long, chùa Bồng Lai, chùa ông Quyện… núi Cô Tô (xã Núi Tô), ai cũng đều biết, nhất là Huyện đội và Huyện ủy Tri Tôn lại càng quen thuộc. Với vị thế khá độc đáo, những ngôi chùa này, mặt tiền ngó xuống đồng bằng và chợ Tri Tôn, sau lưng lại tựa vào vách núi. Nhờ vậy, tầm quan sát địa hình rất rộng, cơ sở hoạt động thuận lợi và tương đối an toàn. Đặc biệt, ngôi chùa Vân Long (vồ Mồ Côi) là biểu tượng mối quan hệ “tốt đạo – đẹp đời” và có sức lan tỏa rộng bấy giờ, rạng danh 2 thời kỳ kháng chiến trên núi Cô Tô.

(Theo TTMT)

ÁNH NGUYÊN – TRỌNG ÂN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bieu-tuong-chua-van-long-a5954.html