Những điệu múa “sống dậy” nền văn hóa Óc Eo

Lấy cảm hứng từ những hiện vật của nền văn hóa Óc Eo để lại, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Hùng đã có công mô phỏng, khắc họa thành những động tác múa Óc Eo độc đáo. 3 bài múa đầu tiên gồm: Con voi, Thanh kiếm và Sum họp đã khơi nguồn cho một phong trào văn hóa tinh thần ý nghĩa tại huyện Thoại Sơn, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thuộc nền văn hóa Óc Eo.



 Công diễn múa Óc Eo tại huyện Thoại Sơn.
 
Được mệnh danh là chuyên gia phục chế tranh dân gian bằng ngôn ngữ múa, trước khi cho ra đời điệu múa Óc Eo, NSND Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã có thời gian dài tìm hiểu và trải nghiệm khắp nơi, say mê với tất cả những gì liên quan đến nền văn hóa độc đáo này để lại. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu các phong cách tượng cổ từ hiện vật của nền văn hóa Óc Eo như: Tượng thần Shiva, Vishnu, Brahma, Lakshmi, con dấu... bằng đá, bằng vàng; hình ảnh nam, nữ Óc Eo đang khảy đàn điêu khắc tinh xảo trên gốm của hàng ngàn năm trước, NSND Đặng Hùng mô phỏng và khắc họa thành những động tác, điệu bộ của điệu “Múa Óc Eo”. Những tư thế uốn éo linh động từ các tượng cổ cũng khơi nguồn xúc cảm để nhạc sĩ Trương Bá Trạng viết nền nhạc hoàn chỉnh cho điệu múa Óc Eo truyền bá đến mọi người. Anh Lý Trọng Nghĩa, quản lý của lớp múa Óc Eo cho biết, những học viên đầu tiên là Tổng phụ trách Đội, cán bộ văn hóa xã, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện, học sinh… trong huyện Thoại Sơn. Mỗi bài múa mang một ý nghĩa nhất định, khẳng định vùng đất, sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người, cuộc sống đoàn kết, gắn bó trong một dân tộc. Đặc biệt, bài “Sum họp” là bài tập thể theo ý tưởng dàn dựng của NSND Đặng Hùng có thể sinh hoạt trong môi trường hàng trăm, hàng ngàn người.
 
Theo Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, việc mở lớp múa độc đáo này nhằm hướng dẫn, giới thiệu trước hết cho thanh, thiếu nhi huyện Thoại Sơn học tập, sinh hoạt, giao lưu tập thể, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công chúng. Sau đó, Ban Quản lý chọn tiếp những cá nhân giỏi, tích cực để học tập nâng cao và từng bước nhân rộng loại hình sinh hoạt tập thể “Múa Óc Eo” cho lớp trẻ và cộng đồng trên phạm vi huyện, tỉnh và có thể toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
 
Sau khi khai giảng, NSND Đặng Hùng và nhạc sĩ Trương Bá Trạng phối hợp dàn dựng bài múa cho Đoàn ca múa nhạc tổng hợp An Giang ghi đĩa, tặng cho các học viên trở về đơn vị dạy lại cho lớp học viên kế tiếp. Từ lớp “Múa Óc Eo”, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo chọn một nhóm học sinh dạy nâng cao phục vụ cho các du khách tham quan sau này. Hiện tại, hàng tháng, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo đón trên 400 lượt khách tham quan tại nhà trưng bày. Cùng với những di tích trên địa bàn huyện, tỉnh, sự ra đời của điệu múa Óc Eo là một điệu múa mới lạ độc nhất sẽ góp phần thu hút du khách, “minh họa” sinh động và ấn tượng cho nền văn hóa Óc Eo đang được gìn giữ. Ban Quản lý Di tích cũng phát động sau lớp múa này, khi cần sinh hoạt múa hát tập thể trong giới trẻ, các tổ chức Đoàn, Hội và Đội nên đưa vào thực hiện và sinh hoạt thường xuyên nhằm tạo thói quen sinh hoạt văn hóa lành mạnh, nhằm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Óc Eo.

(Theo TTMT)

HẠNH ĐẶNG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-dieu-mua-song-day-nen-van-hoa-oc-eo-a5940.html