Không chỉ là một diễn viên xuất sắc, NSND Hồng Lựu còn là một đạo diễn tâm huyết và có tài, góp phần “giữ lửa” di sản dân ca xứ Nghệ. Chị có cảm xúc như thế nào khi Dân ca ví, dặm được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
Đây là kết quả đáng mong đợi và tự hào mà những người con xứ Nghệ nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung. Tôi vô cùng hạnh phúc và hãnh diện khi đón nhận thông tin này.
Theo chị, đâu là sức sống nội sinh của Dân ca ví, dặm?
Sản sinh trên mảnh đất bao đời chan chứa nghĩa tình, Dân ca ví, dặm là tiếng lòng sâu thẳm của cư dân nơi đây. Đây cũng chính là vùng đất của rất nhiều bậc hiền tài, danh nhân và họ trực tiếp tham gia sáng tác, biểu diễn nên Dân ca ví, dặm . Lời ca của ví dặm cũng đậm chất văn chương. Đó chính là những điều tạo nên sức sống nội sinh của Dân ca ví, dặm.
Bảo tồn và phát triển Dân ca ví, dặm đang là vấn đề cấp thiết. Theo chị, cần làm tốt những việc gì để củng cố và đẩy mạnh loại hình nghệ thuật này hơn nữa?
Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu các thể loại dân ca ví, dặm thì các hình thức biểu diễn, truyền dạy… cũng đã góp phần to lớn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa đặc sắc này. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ (trước đây là Nhà hát Dân ca Nghệ An) không chỉ nỗ lực, cố gắng trong việc bảo tồn mà còn phát huy tốt di sản dân ca ví, dặm quê hương.
Chính các làn điệu truyền thống ấy đã được các nghệ sỹ, diễn viên của trung tâm thổi vào hơi thở mới, nhịp điệu mới, lời mới... làm nên thương hiệu “vàng” cho nhiều vở diễn tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Mỗi nghệ sỹ, diễn viên của trung tâm còn là một tuyên truyền viên tích cực, đã chắp cánh cho các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Không chỉ cơ quan chuyên môn mà người dân nhiều địa phương trong tỉnh cũng rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy vốn quý dân ca. Thời gian qua, các mô hình Câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ là một trong những cách làm có hiệu quả để thực hiện bảo tồn ví, dặm Nghệ - Tĩnh trong nhân dân. Các câu lạc bộ đó đã được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất. Ở đó, chúng ta bắt gặp các cụ bà, cụ ông mái đầu bạc trắng vẫn ngày đêm truyền dạy cho con cháu những lời ca cổ.
Vấn đề có nên xã hội hóa, sân khấu hóa Dân ca ví, dặm đang có nhiều tranh cãi. Ý kiến của chị như thế nào về vấn đề này?
Theo tôi là rất nên. Phải chấp nhận “bình cũ rượu mới”, tức phải cải biên, giữ nguyên các làn điệu cũ rồi soạn lời mới có nội dung phù hợp với hiện thực cuộc sống đang diễn ra. Bảo tồn ví, dặm trong điều kiện hiện nay thì phải đưa nó về với cuộc sống đương đại hôm nay.
Ví, dặm phải sống nhịp sống của hôm nay và tự tạo cho mình tính thời đại bằng chính khả năng biểu đạt linh hoạt và phong phú của mình. Muốn vậy, không còn con đường nào khác, phải có sự tái tạo và đổi mới ví, dặm. Dân ca là của dân gian, do người dân sáng tạo và nó cũng thay đổi ngôn từ diễn đạt tùy theo bối cảnh sống.
Là một người rất gắn bó với Dân ca ví, dặm. Chị có trăn trở gì muốn chia sẻ?
Làm sao để phát triển hơn nữa những câu lạc bộ, những tầng lớp khán giả biết đến và thấm được dân ca ở xứ Nghệ không chỉ ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn ở những vùng miền xa xôi khác ở miền Bắc, miền Nam. Vẫn là mong ước mãnh liệt của anh em nghệ sĩ chúng tôi. Để làm được điều đó, Dân ca ví, giặm cần có chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay. Và trước hết, cần phải có chế độ phù hợp với những nghệ nhân dân gian hay những nghệ sỹ, để họ có thể yên tâm cống hiến, phát huy loại hình sân khấu này./.
Theo Ngày Nay Online
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nsnd-hong-luu-phai-chap-nhan-binh-cu-ruou-moi-de-xa-hoi-hoa-dan-ca-vi-dam-a594.html