Ấn tượng với Hậu Giang

Trong những ngày Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) diễn ra, tỉnh trẻ Hậu Giang đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho đại biểu, du khách khi về tham dự sự kiện lớn của vựa lúa cả nước này.

Ấn tượng khó quên

Theo ký ức của TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, khi Hậu Giang mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ năm 2004, ông đã có dịp về đây và những khó khăn chồng chất của Hậu Giang là điều ai cũng biết, cũng thấy. Rồi hơn chục năm, được trở lại nơi đây vào những ngày diễn ra MDEC - Hậu Giang 2016, ông thấy bất ngờ vì diện mạo của tỉnh đã quá nhiều thay đổi. Ông Vũ Đình Ánh nhận định: “Đi lên từ một tỉnh thuần nông, nhưng sự phát triển của Hậu Giang quả là ấn tượng. Còn nhớ, cơ sở hạ tầng lúc mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ khó lắm, trụ sở cơ quan, đường giao thông hầu như rất hạn chế, đến hôm nay trở lại đã quá khác xưa. Tính năng động của Hậu Giang được phát huy khá rõ khi tỉnh đã tổ chức được các hoạt động mang tầm cỡ vùng và cả nước trong những năm qua. Chính sự năng động sẽ giúp Hậu Giang có nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong thời gian tới”.



Đặc sản Hậu Giang được trưng bày tại gian hàng của tỉnh tại Hội chợ công thương khu vực ĐBSCL.

Ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cũng đồng tình với chia sẻ của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Ông Phúc nói: “Tôi đã trở lại Hậu Giang lần thứ hai và thấy thành phố Vị Thanh thay đổi rất nhanh, nhất là cơ sở hạ tầng. Đường sá khang trang, các cơ quan hành chính được xây dựng mới, nhà cửa san sát. Tính ra cơ sở hạ tầng của Hậu Giang đâu thua kém các tỉnh, thành trong vùng, mặc dù được nói là tỉnh “sinh sau, đẻ muộn”. Ở những hội thảo, hội nghị, tôi thấy lãnh đạo tỉnh rất năng động, sáng tạo mà điển hình có thể kể đến là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa.

Còn chị Ngô Kim Trang, công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (trụ sở chính ở Hà Nội), lại ấn tượng nhất về những món ăn đặc sản của tỉnh. Chị Kim Trang kể: “Tôi thích nhất là về đây được thưởng thức những món ăn đặc sản của tỉnh. Phải kể đến chả cá thát lát tươi, cá thát lát tẩm gia vị, khóm, lươn nấu mẻ, món nào cũng có nhiều rau xanh,… tôi thấy món nào cũng rất ngon, đi về ngoài Hà Nội chắc nhớ lắm đây”.

Hay từ khâu tổ chức

Nhận định về những hoạt động, hội thảo trong khuôn khổ MDEC -Hậu Giang 2016, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “MDEC - Hậu Giang 2016 có sự tập trung rất cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long khi vùng gặp phải những vấn đề về thiên tai, biến đổi khí hậu. Chuỗi sự kiện đã mời được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu đến đây để chia sẻ, với suy nghĩ thẳng thắn và có những lời cảnh báo về thực trạng trong thời gian tới. Các gợi ý về chính sách được các đại biểu đưa ra tại hội nghị chính là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc và có quyết định phù hợp, kịp thời cho vùng tới đây”.

Còn ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết thêm: “Tôi thấy công tác tổ chức MDEC - Hậu Giang 2016 chu đáo, nội dung thiết thực gắn với nhu cầu, thực trạng của các tỉnh. Qua diễn đàn, các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước thấy được tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, các địa phương cũng phản ánh được những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, hạ tầng trong vùng, để Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có cơ chế chính sách phù hợp hoặc tăng cường đầu tư hạ tầng trọng tâm, trọng điểm cho vùng. Thách thức lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là biến đổi khí hậu và tại MDEC năm nay, Hậu Giang đã đề xuất có một hội nghị liên quan, rõ ràng là tỉnh có tầm nhìn và nói hộ mong muốn cho các địa phương trong vùng”.

Chuyên gia hiến kế cho Hậu Giang



PGS, TS Nguyễn Thị Mùi (ảnh), chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ: “Qua các thông tin tiếp cận được, tôi nhận thấy thế mạnh của Hậu Giang là phát triển cây lúa và thủy sản, là tiềm năng lớn của tỉnh, nếu biết cách làm sẽ phục vụ tốt cho sự đột phá. Để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh cần tái cấu trúc lại nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, theo hướng sản xuất lớn, hiện đại và hướng nông nghiệp xanh. Tái cấu trúc cần đi đôi với các biện pháp hỗ trợ của các bộ, ban ngành để tạo điều kiện cho Hậu Giang phát triển hơn. Tín dụng là kênh rất quan trọng để nền kinh tế nói chung và nông nghiệp Hậu Giang nói riêng phát triển”. Tuy nhiên, bà Mùi phân vân do tính sản xuất trong nông nghiệp chưa lớn, còn nhỏ lẻ. Cho nên, tỉnh cần gắn kết được “4 nhà” để tiến tới an toàn vệ sinh cả gạo và thực phẩm, để người tiêu dùng phải biết và tin tưởng vào sản phẩm Hậu Giang, có vậy Hậu Giang mới có nền nông nghiệp xanh bền vững.


Hiến kế cho Hậu Giang, TS Vũ Đình Ánh (ảnh) nói: “Nông nghiệp Hậu Giang rất cần đầu tư mạnh hơn về khoa học công nghệ, nâng cao trình độ lao động. Bên cạnh đó, Hậu Giang hoàn toàn có thể phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản. Tỉnh cần có chiến lược phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại nền nông nghiệp. Trước mắt, có thể rút từ kinh nghiệm chung sống với lũ của người dân đồng bằng, để học cách sống chung với hạn mặn còn diễn biến phức tạp…”.

(Theo Báo Hậu Giang)

HỒNG DIỄM

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/an-tuong-voi-hau-giang-a5881.html