Bình Phước: Thêm 10 người mắc bạch hầu, kiến nghị công bố dịch

10 ca mắc mới bệnh bạch hầu ở huyện Đồng Phú, Bình Phước, khiến Sở Y tế phải đề xuất UBND tỉnh công bố dịch khẩn cấp trong chiều 14.7.



Ảnh minh họa

Nguồn tin từ báo Vnexpress ngày 14.7 cho biết, 10 ca mắc mới bệnh bạch hầu ở huyện Đồng Phú, Bình Phước, khiến Sở Y tế phải đề xuất UBND tỉnh công bố dịch khẩn cấp trong chiều 14.7.

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho biết, 10 ca mới này nhập viện với các triệu chứng tương tự nhau, nâng số bệnh nhân bạch hầu lên 47. Dự kiến chiều nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai tiêm chủng văcxin phòng bệnh cũng như cấp phát kháng sinh dự phòng cho người từng đi qua vùng ổ bệnh.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết hiện đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, không có dấu hiệu lây lan nhiều ra khu vực lân cận. "Hôm nay Sở Y tế đã đề nghị UBND tỉnh công bố dịch", bác sĩ Thông nói.

Nguồn tin từ báo Toquoc.vn cũng cho biết, trước diễn biến khá phức tạp về bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước, chiều 13.7, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã ra công điện khẩn về triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM đã họp khẩn với Sở Y tế Bình Phước về giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh này.

Ngay đêm 13.7 đã có 10.000 liều văcxin bạch hầu được chuyển từ Nha Trang vào ổ dịch bạch hầu Bình Phước để tiêm cho nhóm người có nguy cơ mắc cao. Số vắc xin này được tiêm cho 500 người lớn và 250 trẻ em cùng với việc cấp kháng sinh uống dự phòng trong 10 ngày tại Bình Phước.



Một bệnh nhân bạch hầu được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phước Tuấn (vnexpress)

Theo Viện Pasteur TP HCM, 3 năm qua Bình Phước là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng văcxin bạch hầu cao, song có tỷ lệ nhất định chưa tiêm ngừa tích lũy qua nhiều năm, hơn nữa hiệu lực tiêm ngừa văcxin giảm dần theo độ tuổi, tạo nên cộng đồng miễn dịch chưa đầy đủ.

Các ổ dịch bạch hầu thường xuất phát từ những nơi đông đúc, miễn dịch chưa đầy đủ, điều kiện vệ sinh kém. Đặc biệt dịch bạch hầu vẫn xảy ra ở nhiều nước trong khu vực, việc giao lưu đi lại nhiều như hiện nay cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh.

Trước đó, Dân Việt cũng đưa tin 29 người ở hai xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú thuộc Bình Phước có các triệu chứng sốt, viêm họng, ho, khàn tiếng, chán ăn... 4 mẫu xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bùng phát từ ngày 24.6 đến nay tại một số thôn của 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú. Tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng giống nhau như sốt, viêm họng, ho, khàn tiếng, chán ăn... Đến nay toàn huyện Đồng Phú đã có 3 ca tử vong.

Sở Y tế Bình Phước khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu sốt, ho, khàn tiếng cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, hạn chế tiếp xúc người bệnh.

Ổ dịch tại Bình Phước hiện nay có tính chất khu trú tại 2 xã nên các chuyên gia khuyến cáo người dân nơi khác không cần quá hoang mang.

Người trong hộ gia đình, người tiếp xúc với bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Họ phải tự theo dõi trong 7 ngày, nếu có các biểu hiện mắc bệnh phải thông báo cơ sở y tế để khám và cách ly điều trị kịp thời. Tất cả trường hợp sốt, đau họng, viêm amidan (gọi là ca giám sát) trong vùng dịch đều phải xem như ca mắc bạch hầu để xử lý kịp thời, không cần đợi xét nghiệm.

Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường vệ sinh cá nhân, đặc biệt là xử lý môi trường tại các nơi mắc bệnh. Khử khuẩn áo quần, đồ chơi trẻ em, bề mặt tiếp xúc… Vi khuẩn này tồn tại lâu trong môi trường nhưng nhạy cảm với tác nhân lý hóa nên có thể dễ dàng xử lý.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm dễ lây

PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh còn lưu hành ở rất ít nơi.

Theo PGS Phu, bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu, thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng với người lớn chưa có miễn dịch thì cũng dễ gặp. “Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong” – PGS Phu nhận định.

Tuy nhiên, ông Phu cũng cho biết, trước đây bệnh bạch hầu diễn ra khá phổ biến nhưng sau khi có vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh đã được khống chế. Hiện nay chỉ còn một số vùng sâu, vùng xa, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp mới xuất hiện ổ dịch. Tháng 7. 2015 cũng xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam khiến 13 người mắc và 3 người tử vong.

“Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam. Do đó ngườ dân cần chủ động đi tiêm vaccine để phòng bệnh” – PGS Phu khuyến cáo.

Để phòng bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

(Theo Báo Dân Việt)

DIỆU LINH

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/binh-phuoc-them-10-nguoi-mac-bach-hau-kien-nghi-cong-bo-dich-a5859.html