Chùa Tam Thai, Đà Nẵng nằm trên đỉnh núi Thủy Sơn thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh nguồn vietnamtourism.com)
Trong một không gian mênh mang được bao quanh bởi mây và gió, chùa Tam Thai ẩn hiện huyền ảo, xa xăm. Chùa được xây dựng lần đầu tiên năm 1630 có tên chữ là Tam Thai tự. Đến thời Tây Sơn, chùa đã bị hư hại hoàn toàn. Năm 1825, thời vua Minh Mạng, chùa được xây dựng lại và dưới thời nhà Nguyễn, chùa được sắc chỉ là Quốc Tự.
Diện mạo của chùa ngày hôm nay đã có sự thay đổi so với ban đầu bởi trải qua nhiều lần trùng tu trong khoảng thời gian từ năm 1907 đến năm 1995. Hiện, tại chùa vẫn còn lưu giữ được tấm biển Tam Thai Tự và tấm kim bài hình trái tim lửa khắc theo ngự bút của vua Minh Mạng với nội dung ca ngợi Phật pháp vô lượng từ bi phổ độ chúng sinh...
Bởi kiến trúc đẹp và cổ kính lại nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, do vậy chùa Tam Thai hàng ngày đều có rất đông du khách tìm đến chiêm bái, dâng hương. Từ chân ngọn núi Thủy Sơn, du khách theo những bậc thang đã in dấu thời gian để lên Tam Thai. Chùa có 3 tầng: Tầng thứ nhất ở về phía Bắc gọi là Thượng Thai. Tầng thứ hai ở về phía Nam gọi là Trung Thai. Tầng thứ ba ở về phía Đông gọi là Hạ Thai.
Kiến trúc chùa Tam Thai có cổng Tam Quan, chùa chính, khu vực hành cung nhà thờ tổ và các công trình nghệ thuật khác. Phía trước chùa Tam Thai là một khoảng sân rộng, có cây cao tỏa bóng mát khắp mặt sân. Cổng Tam quan được làm theo kiểu lầu chuông lợp mái trông rất cổ kính.
Bước qua cổng Tam Quan, hình ảnh đầu tiên du khách nhìn thấy là tượng Phật Di Lặc được chạm từ đá sa thạch. (Ảnh nguồn hanhtrinhtamlinh)
Khi qua cổng Tam quan và tới sân trong, pho tượng phật Di Lặc sẽ là hình ảnh đầu tiên du khách nhìn thấy. Pho tượng được chạm từ đá sa thạch, kích thước khá lớn.
Hai bên sân là hành cung, nơi vua Minh Mạng cho xây dựng làm chỗ nghỉ ngơi mỗi khi đến vãn cảnh chùa. Chùa chính nằm phía sau khoảng sân này. Chùa được xây bằng gạch, quay mặt về hướng Nam. Mái ngói lưu ly, nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, các cột đều trang trí rồng - phụng. Hai bên vách Tiền đường tạc phù điêu Tả Phù và Hữu Bật - là hai vị thần canh giữ chùa. Chính điện chùa thờ Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Đại Thế Chí.
Nhìn chung, tổng thể cảnh quan kiến trúc chùa được xây dựng theo hình chữ Vương với nhiều đường nét mang tính thẩm mỹ cao. Theo đánh giá của các nhà lịch sử, kiến trúc thì Tam Thai tự là đặc trưng của kiến trúc chùa thời nhà Nguyễn.
Bên cạnh những công trình chính, chùa Tham Thai còn có tháp Vọng Giang hay còn gọi là Vọng Giang Đài. Đây là điểm cao nhất ở ngọn núi Thủy Sơn, nếu đứng từ đây, du khách có thể nhìn cả một vùng bao la rộng lớn, bao quát cảnh hùng vĩ của Ngũ Hành Sơn, xa xa là cón sông Hàn, sông Cẩm Lệ quanh co…
Nếu có đủ thời gian, du khách nên dành thời gian đi theo một con đường nhỏ phía sau chùa Tam Thai, con đường này dẫn tới một cổng vôi cổ kính phía trên có khắc 3 chữa “Huyền Không Quan”. Đây chính là cửa vào động Hoa Nghiêm và động Huyền Không. Động Huyền Không là một hang lộ thiên nằm gọn trong lòng núi. Mái động hình vòm, nền động bằng phẳng, trần có 5 lỗ hổng có thể từ đây nhìn thấy bầu trời bên ngoài.
Mặc dù kiến trúc chùa hiện nay mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Nhà Nguyễn bởi đã qua nhiều lần tu sửa, song Tam Thai tự vẫn được coi là ngôi chùa cổ tại Đà Nẵng bởi công trình tâm linh này đã được khởi công xây dựng từ năm 1630. Có lẽ vì thế mà từ lâu chùa đã là một trong những điểm đến du khách không bỏ qua khi đến với Đà Nẵng.
Hình ảnh chùa Tam Thái nhìn từ trên cao. (Ảnh nguồn kienthuc.net)
(Theo Cinet.vn)