Thật không công bằng khi xã hội Việt Nam phát triển hơn, hiện đại hơn thì những môn nghệ thuật truyền thống lại mai một đi và khán giả ít đi. Nhóm khán giả là thế hệ trẻ dường như quên mất nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật Tuồng là một ví dụ khá điển hình.
Nhìn ở mặt tích cực, trong thời gian gần đây đã có nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên kết hợp piano song hành cùng Tuồng qua Tác phẩm “Lửa”. Nổi hơn khi cậu bé thần đồng Đức Vĩnh mới 8 tuổi đã dành chức vô địch Tìm kiếm tài năng-Vietnam’s Got Talent năm 2015 với vai diễn Tuồng trích đoạn“Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”. Tuy vậy đây chỉ là những “cánh én nhỏ chả làm nên mùa xuân”.
Để hiểu thêm về môn nghệ thuật Tuồng tôi đến gặp nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Văn Thủy tại khu tập thể nhà hát Tuồng( Khu Văn Hóa-Mai Dịch-Cầu Giấy-Hà Nội) được xem ông tập và nghe ông trải lòng.
Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Văn Thủy
Vốn là con nhà nòi, ông Thủy bắt đầu học Tuồng chính quy từ năm 1979. Năm 1983 ra trường, ông diễn tại nhà hát Tuồng từ đó cho đến đến nay. Giờ đã ngoài 60 tuổi , ông Thủy vẫn diễn Tuồng chuyên nghiệp.
Thưa ông nghệ thuật Tuồng ở phía Bắc phát triển mạnh ở thời kỳ nào ?
Thời hoàng kim của Tuồng phía Bắc là những tháng năm nghèo đói thời bao cấp, khán giả lúc nào cũng đông. Có những làng quê từ 2-3 giờ chiều đã có người mang chiếu và gạch ra sân đình chiếm chỗ trước để tối xem.
Thời đó đi về các vùng quê biểu diễn được người dân quý mến bằng tình cảm chân thành. Họ luôn nhường cho chỗ ở tốt nhất trong nhà cho mình. Nhớ mãi lần ở Phú Thọ , khi diễn xong mệt quá tôi mặc nguyên quần áo diễn về nhà để nghỉ, họ thương tôi mệt nên ra vườn hái cam pha nước cho uống ”.
Kỷ niệm nào ông nhớ nhất?
Một lần khi tôi đang diễn vai Tần Thủy Hoàng xử Lý Ông Trọng thì bị một viên gạch ném trúng người, khán giả họ ghét nhân vật quá. Tôi vừa đau nhưng cũng thấy hạnh phúc vì diễn để họ ghét thì coi như đạt.
Giờ sắp về hưu ông còn trăn trở điều gì?
(Lặng đi một hồi ) Lúc nào tôi cũng trăn trở một điều. Bây giờ có nhiều loại hình nghệ thuật quá nên khán giả họ không thể xem hết được. Tôi chỉ mong sao những thế hệ kế tiếp lao tâm, khổ tứ nhiều hơn, cháy hết mình nhiều hơn để gìn giữ Tuồng. Để hát một câu tuồng, múa một động tác tuồng không đơn giản, kẻ một mặt tuồng cũng kỳ công lắm.
Tôi cứ luôn tự hỏi là đến lúc mình không diễn tuồng nữa thì mình sẽ nhớ nó như thế nào ? Khi nghỉ hưu sẽ như thế nào ? Quê tôi Bắc Ninh vẫn còn đội Tuồng địa phương, khi nghỉ hưu chắc tôi sẽ về sinh hoạt ở đội Tuồng địa phương cùng các cụ cho vui.Nếu kiếp sau được làm người tôi lại làm diễn viên Tuồng, cái nghề này nó ăn vào máu rồi.
Tôi được biết hiện tại có những lúc cả đoàn diễn chỉ có 2-3 khách xem, lúc đó ông thấy thế nào ?
Chạnh lòng lắm, đông khán giả mới thích, nhưng khi biểu diễn cho 1 người hay 1000 người tôi vẫn diễn như nhau. Đó là lương tâm và đạo đức của người làm nghề./.
(Theo VOV.VN)