17/12/2014 15:49
17/12/2014 15:49
Tái cơ cấu nông nghiệp là động lực xây dựng NTM
Là khu vực có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp, thủy sản, giá trị kim ngạch các mặt hàng này tại ĐBSCL không ngừng gia tăng qua từng năm. Các địa phương nơi đây đã xác định việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn liền với xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Tiềm năng và thách thức
ĐBSCL cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, hơn 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả nước. Song, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ; việc liên kết vùng chưa được quan tâm đúng mức; chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư... Đặc biệt, đây cũng là khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.
Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, những tác động từ các yếu tố bên ngoài như BĐKH và các vấn đề nội tại ở ĐBSCL đang đặt ra yêu cầu rà soát lại quy hoạch ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đặc biệt cần phải có các cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp. Nội dung trọng tâm là nhận diện đúng thực trạng, đề xuất các giải pháp cho các vấn đề: thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống đê biển trong điều kiện BĐKH, bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn vùng ĐBSCL; vấn đề nâng cao hiệu quả liên kết trong nông nghiệp và xây dựng NTM.
Cá tra là một trong những đối tượng thủy sản chủ lực của ĐBSCL - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Để chấm dứt nghịch lý trên, cũng như đẩy mạnh tái cơ cấu phát triển nông nghiệp ĐBSCL gắn với xây dựng NTM, ứng phó với BĐKH, cần có một cuộc cách mạng bao gồm các giải pháp về quy hoạch, đầu vào lẫn đầu ra cho sản xuất.
Quyết liệt tái cơ cấu
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng có thể phát triển vùng nuôi thủy sản đa dạng ngọt - mặn lợ trên 70.000 ha. Hiện vùng nuôi tôm thâm canh toàn tỉnh là 30.000 ha, lớn nhất cả nước, năm 2014, sản lượng có thể đạt 80.000 tấn, đạt giá trị xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm. Tuy vậy, gần đây nhiều mặt trở ngại bộc lộ như: thiếu nguồn cung tôm giống chất lượng sạch bệnh, thức ăn thủy sản, cơ sở hạ tầng, điện, thủy lợi, giao thông chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch. Tình trạng nông hộ nhỏ lẻ, vốn đầu tư khó khăn, vùng nuôi có nguy cơ ô nhiễm.
Tại Đồng Tháp, một trong những tỉnh sớm bắt tay tái cơ cấu nông nghiệp trong vùng ĐBSCL; với hơn 500.000 ha sản xuất lúa đạt hơn 3,2 triệu tấn/năm cùng với sản lượng cá tra 400.000 tấn/năm; trong đó, cá tra được xác định là một trong 5 ngành hàng phát triển chủ lực của địa phương. Tính đến tháng 9/2014, toàn tỉnh có 173 hợp tác xã (HTX), tăng 5 HTX so với đầu năm và 1.011 tổ hợp tác tăng 85 tổ so với đầu năm. Ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 8 mô hình sản xuất từ nguồn Khuyến nông quốc gia; 17/29 mô hình hỗ trợ máy móc, thiết bị từ nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng NTM và 3 bộ thiết bị ứng dụng tia laser san phẳng đồng ruộng từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP). Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 8 sản phẩm: Xoài cát chu Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, ớt Thanh Bình, cá tra giống Hồng Ngự, khô cá lóc Tràm Chim, củ kiệu Hội An Đông và khoai môn Mỹ An Hưng.
Tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập, phát triển giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, đây là hai vấn đề gắn kết chặt chẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM thành công phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, quan tâm đề ra cơ chế, chính sách hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó là khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp; từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững…
>>> Theo Bộ NN&PTNT, đến nay ĐBSCL có 18 xã đạt 19 tiêu chí, bằng 1,4% (cả nước là 1,2%); số xã đạt 15 - 18 tiêu chí là 4,7% (cả nước là 5,7%); số xã đạt 10 - 14 tiêu chí là 36% (cả nước là 28,9%); số xã đạt 5 - 9 tiêu chí là 53% (cả nước là 47,2%); số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 62 xã, bằng 4,9% (cả nước là 17,3%).
Theo PHƯƠNG CHI/Tin Tức Miền Tây
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tai-co-cau-nong-nghiep-la-dong-luc-xay-dung-ntm-a574.html