Trở về từ cõi chết, lão "Công tử Bạc Liêu” đổi vận đổi luôn cả vợ

Trở về từ cõi chết, lão cố nông này đã thay đổi hoàn toàn, không chỉ thay nhà thay xe mà lão nông này còn thay luôn cả vợ.

Trong số hàng trăm nạn nhân của vụ sập nhịp cầu Cần Thơ cách nay gần chục năm, thì có lẽ trường hợp của ông Lưu Văn Khởi (53 tuổi) là đặc biệt nhất bởi ông không chỉ là một trong số những người may mắn thoát chết mà cái cách mà ông thoát chết cũng rất đặc biệt.

Trở về từ cõi chết, lão cố nông này đã thay đổi hoàn toàn, không chỉ thay nhà thay xe mà lão nông này còn thay luôn cả vợ. Cũng bởi sự thay đổi tới chóng mặt của ông Khởi mà người dân địa phương đặc cho ông biệt danh khá châm biếm “Lão công tử Bạc Liêu”.
 
Cảm giác bất an của lão cố nông
 
Nhà nghèo, ít đất nên cha con ông Lưu Văn Khởi (ngụ xã Mỹ Hòa, TX. Bình Minh, Vĩnh Long) thường dắt nhau đi làm thuê khắp chốn. Công việc gì ông cũng làm, từ vác lúa thuê, hái trái cây nhưng nghề chính của ông là phụ hồ.
 
 
Ông Khởi trò chuyện với người viết
 
Với hàng chục năm kinh nghiệm với nghiệp phụ hồ nên khi nghe thông tin cây cầu Cần Thơ sắp khởi công, ông Khởi đã vỗ đùi: “Vậy là sắp phát lên rồi”. Bởi theo tính toán của ông, chỉ cần cả ba cha con ông xin được việc tại đây thì số phận gia đình ông sẽ đổi khác.
 
Ngày dự án cầu Cần Thơ khởi công, ông cùng hai cậu con trai Lưu Tấn Mạnh và Lưu Thanh Đạm tới xin việc. Nhìn ba cha con ông hai lúa thật thà chất phác lại có sức khỏe cường tráng nên cai công đã nhanh chóng đồng ý.
 
Vậy là con đường thay đổi cuộc đời trong dự định của ông Khởi bắt đầu được nhen nhóm. Để chúc mừng cho trang mới của gia đình, ông Khởi còn vét sạch túi mở hẳn hai bàn tiệc mời bạn bè tới nhậu.
 
Trong đám tiệc ông Khởi khật khà men say nêu lý do: “Gia đình tôi sắp phát rồi, tôi mở tiệc này để tiễn biệt cái nghèo, nó đã bám lấy gia đình tôi quá lâu rồi nay tôi mới có cách trị nó”. Ông Khởi giải thích thêm, cả ba cha con ông đều xin được việc tại dự án cầu Cần Thơ với mức lương 150 ngàn/ngày/người vậy là mỗi ngày gia đồng kiếm được gần cả nửa triệu, mà vàng lúc đó chỉ có 1,5 triệu/chỉ thì giàu lên thì mấy chốc.
 
Chưa làm ngày nào nhưng ông đã vẽ ra rất nhiều những dự định tiêu tiền, nào là sửa nhà, mua đất rồi tậu cái xe máy cho hai con đi tìm vợ. Khi chưa có tiền thì ôi bao nhiêu là dự định tốt đẹp.
 
Sau ngày chia tay cái nghèo, ba cha con ông Khởi bắt đầu con đường làm giàu bằng chính bàn tay của mình. Vì tiền lương cao nên ba cha con ông Khởi không nghỉ bất cứ ngày nào, ngày cuối tuần các công nhân khác nghỉ còn cha con ông thì không nghỉ tới một giờ.
 
Cũng bởi vậy mà sau 2 năm ông Khởi đã hiện thực hóa được gần hết những dự định của mình, sửa lại được nhà, mua được thêm công đất chỉ có điều các con ông chưa có xe máy để đi tìm hiểu vợ mà thôi. Và dự định này của ông sẽ mãi chỉ là dự định không bao giờ còn cơ hội để thực hiện.
 
Theo ông Khởi, sáng 26/9/2007 cả ba cha con ông đều thức dậy đi làm muộn hơn bình thường một cách kỳ lạ. Vì thức muộn, cả ba cha con ông đều không kịp bỏ gì vào bụng trước khi bước vào công trình.
 
“Khác với mọi ngày, sau giờ cơm trưa là tôi kiếm góc nào nằm nghỉ ngơi thì hôm đó tôi không sao có thể chợp mắt được. Tôi thấy trong lòng cứ bất an chuyện gì đó nhưng không sao lý giải nổi. Thế rồi khi vào làm việc buổi chiều chưa đầy 30 phút thì tai họa đã ập xuống”, ông Khởi cho biết.
 
Theo ông Khởi khi đang làm trên nhịp dẫn cầu thì ông thấy mặt cầu rung lắc dữ dội, theo bản năng, ông liền nhảy xuống sông. Lúc ông vừa nhảy xuống tới nước thì cũng là lúc cả nhịp cần ào ào đổ xuống.
 
Ông Khởi cho biết: “Từ sau khi nhảy ra khỏi cầu tôi hoàn toàn không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì phát hiện mình đã ở trong viện lúc nào không hay. Lúc đó tôi mới loáng thoáng nhận ra rất nhiều người nằm bên cạnh mình đều là những anh em công nhân nhưng hai đứa con của tôi thì không thấy đâu”.
 
Lúc này vì sợ ông Khởi bị sốc nên gia đình, người quen cũng giấu nhẹm đi chuyện hai cậu con trai của ông đã tử nạn. 4 tháng nằm điều trị, ông Khởi không một phút nào yên lòng, trong ông cái cảm giác lạ thường từ ngày ông nhảy xuống cầu vẫn còn nguyên và dường như mãnh liệt hơn.
 
Khi đã dò dẫm được những bước đi đầu tiên, ông đã gặng hỏi một người cháu và biết được, con ông đã nằm xuống cùng nhịp cầu kia. Nỗi đau xé lòng khiến ông suy sụp hẳn, những vết thương thể xác lúc này với ông không là gì so với vết thương trong lòng.
 
Ngày ông điều trị trở về, đi qua khu cầu Cần Thơ, ông cố gắng căng mắt ra nhìn như muốn tìm lại điều gì đó nhưng mắt ông chỉ thấy cay cay, lòng ông thắt lại.
 
Đổi vận đổi luôn cả vợ
 
Ngày ông Khởi được xuất viện cũng là ngày hàng loạt nhà hảo tâm về xã Mỹ Hòa (TX. Bình Minh , Vĩnh Long) làm từ thiện. Họ về đây để cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của những nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
 
Hơn ai hết, ông Khởi chính là nạn nhân được nhiều người tìm đến nhất. Nhận được tiền hỗ trợ từ nhà nước, mạnh thường quân những tưởng ông Khởi sẽ tập trung lo cho kinh tế gia đình, cho người vợ vốn đã phải chịu trăm ngàn nỗi đau thì ông Khởi lại dùng nó để biến mình thành một con người hoàn toàn khác.
 
Từ một lão cố nông, lo ăn từng bữa và suýt chút nữa thì làm bạn với Diêm Phủ thì nay ông đã trở thành một người có tiền, một đại gia xứ miệt vườn. Có tiền trong tay, ông Khởi lại quên luôn cái mơ ước rất bình dị khi xưa là sửa lại cái nhà, mua vài công đất trồng hoa quả để hưởng nốt quãng tuổi già an nhàn.
 
“Lúc ấy có tiền thì chỉ biết nghĩ cách tiêu sao thôi chứ cũng không nghĩ được gì, chỉ khi trắng tay rồi thì mình mới thấy tiếc”, ông Khởi tâm sự.
 
Cũng từ ngày có tiền, ông Khởi cũng biết ăn diện, tỏ ra sành sỏi hơn với đời. Vậy nhưng từ ngày đó cuộc sống gia đình ông lại xảy ra nhiều xáo trộn, ông Khởi mặc sức ăn chơi, bỏ bê luôn cả vợ con.
 

Ngôi nhà ông Khởi đang phải đi ở nhờ
 
Không những vậy, có lần ông đi biệt tăm cả mấy ngày trời, ngày trở về nhà, ông tuyên bố một câu xanh rờn: “Tui sẽ lấy vợ khác”.
 
Dù biết từ khi có tiền, ông Khởi đã cặp kè với một số người phụ nữ ngay tại địa phương nhưng vì nghĩ tới cậu con trai út và vẫn còn thương ông Khởi nên bà Lê Thị Dương (53 tuổi) đã vờ như không thấy. Nhưng bà không thể ngờ rằng chồng bà lại có thể thay đổi nhanh tới vậy.
 
Nghĩ rằng chồng chỉ nói trong lúc mù quáng vì sắc đẹp của người phụ nữ khác nên bà Dương cũng chỉ biết ậm ừ cho qua. Trước lời cảnh báo của chồng, bà Dương cũng tự soi lại bản thân, quả thật bà đã quá già và không có cơ sở gì đề chồng bà phải lưu luyến cả.
 
Sợ mất chồng, bà đi tìm mấy người bạn thân tư vấn cách níu giữ chồng. Trước lời thỉnh nguyện của người phụ nữ khốn khổ, hàng chục quân sư đã mách bà phải đi đại tu nhan sắc.Thấy các bạn nói phải, trong tay lại sẵn có tiền nên bà Dương đã đánh một ván bài cuối cùng, nếu thắng thì bà có thể giữ được chồng.
 
Mất cả vài chục triệu để tu bổ lại nhan sắc, bà Dương tin tưởng rằng khi nhìn thấy bà người chồng sẽ phải xiêu lòng trở về với gia đình. Ấy vậy mà khi vừa nhìn thấy vợ mình trong diện mạo mới, ông Khởi chỉ cười một cách châm biếm và quyết không thay đổi ý định.
 
“Không muốn gia đình rơi vào cảnh xào xáo, tụi đã dùng hết cách nhưng cuối cùng vẫn không kìm nổi con ngựa bất kham kia”, bà Dương tâm sự.
 
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng ấp Hưng Mỹ 1 cho biết thêm, nhắc tới ông Khởi thì người dân tại địa phương không ai là không biết. Từ khi giàu ông này đã thay đổi hoàn toàn nhưng điều khiến mọi người bất ngờ nhất là khi có tiền, ông ấy lại quyết định thay cả vợ.
 
“Biết chồng có nhân tình, bà Dương đã mang tiền đi tu sửa nhan sắc để níu kéo chồng. Dù đã bỏ ra một số tiền lớn, nhan sắc cũng được cải thiện một cách đáng kể nhưng người phụ nữ này vẫn níu kéo chồng bất thành. Có người tình mới trẻ đẹp hơn, biết chiều chuộng hơn nên ông Khởi đã nhất quyết đòi ly hôn”, ông Minh chia sẻ.
 
Dùng mọi cách níu kéo chồng bất thành, bà Dương đã đành phải nhậm ngùi nhìn chồng đi lấy vợ mới. Vậy nhưng có mằm mơ bà cũng không ngờ, người phụ nữ được chồng bà chọn lại là chị Nguyễn Thị Loan (41 tuổi).
 
Bà Dương sốc như vậy bởi chị Loan chính là vợ của một người cháu họ, cũng là một trong số những nạn nhân đã mất trong vụ sập cầu Cần Thơ. Khi biết việc hai người này đến với nhau, gia đình bà Dương cũng như gia đình của chịa Loan một mực phản đối, dọa sẽ từ mặt nếu họ sống với nhau.
 
Dù bị cảnh báo như vậy nhưng ông Khởi và bà Loan vẫn quyết định về sống chung. Bà Loan cho biết, chồng bà cũng là một nạn nhân trong vụ sập cầu, khi chồng mất bà cũng thiếu thốn tình cảm nên khi ông Khởi đến bà đã xiêu lòng.
 
Cũng từ khi quyết định theo ông Khởi, những người con của bà đã quyết định từ mặt không nhìn nhận người mẹ này. Cũng theo bà Loan, giữa bà và ông Khởi chỉ sống với nhau như vợ chồng và không hề có đăng ký kết hôn. Từ khi về sống chung với ông Khởi, bà đã sinh cho người đàn ông này một cậu con trai và đến nay đã tròn 5 tuổi.
 
“Lúc đầu khi quyết định về sống chung gia đình hai bên phản đối dữ lắm nhưng sau này thì gia đình chồng cũng chấp nhận. Vậy nhưng các con tôi thì lại không như vậy. Không chấp nhận được mẹ đi lấy người đàn ông khác, chúng đã đuổi tôi ra khỏi nhà”, bà Loan cho biết.
 
Điều đáng nói là khi bỏ vợ về sống chung với người phụ nữ trẻ đẹp hơn thì cũng là lúc ông Khởi sạch túi. Không tiền bạc, nhà cửa, ông Khởi và bà Loan đã sống nhờ vả khắp nơi. Theo ông Minh thì đã có lúc ông Khởi còn phải ngủ trong chuồng bò nhưng dù ở chuồng bỏ thì họ vẫn không yên thân. Cuối cùng vì không tá túc được, hai người đành phải về xin sống nhờ trong nhà của bà Dương, người vợ mà ông đã hắt hủi.
 
“Trước khi đến với nhau, tôi cũng không bao giờ nghĩ ra cảnh tượng éo le như vậy. May là chị Dương là người rộng lượng, cho ở nhờ chứ không thì tôi và ông Khởi chỉ còn cách bỏ xứ mà đi”, bà Loan chia sẻ.
 
Bà Dương cũng cho hay, khi biết chồng phụ mình để theo bà Loan khiến bà cũng rất buồn, chán nản nhưng rồi khi nghĩ tới các con bà lại gạt bỏ mọi chuyện để vui sống. Về chuyện cho chồng và bà Loan về sống nhờ trong một ngôi nhà, bà Dương cho biết: “Du đã hết duyên vợ chồng nhưng nhìn ông ấy không có nhà ở tôi cũng thấy thương. Có căn nhà xây ra cũng chẳng ai ở nên gọi ông ấy về đó sống.
 
Giờ thì tôi coi họ như hàng xóm. Còn với Loan tôi cũng không hận thù gì về chuyện giật chồng, nhiều khi chúng tôi vẫn tâm tình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hiện tại chúng tôi đã bỏ qua hết mọi chuyện cũ và sống rất hòa thuận với nhau”.
 
Chia sẻ về việc ra tay giúp đỡ người chồng đã phụ bạc mình, bà Dương cho biết, ngày trước khi ông ấy tiêu tiền hoang phí thì bà đã biết sẽ có ngày ông ấy trắng tay. May mà lúc đó bà còn tỉnh táo, giữa lại một nửa tiền hỗ trợ. Số tiền ấy ngoài việc chi phí cho bản thân bà còn mua thêm vài công đất, xây dựng lên hai ngôi nhà khang trang.
 
“Trước kia tôi cũng lường trước có ngày ông ấy đã phá hết nên xây hai ngôi nhà, một cho chúng tôi và một cho thằng út, không ngờ cuối cùng lại phải nhường một ngôi nhà lại cho ông ấy với vợ mới”, bà Dương chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng ấp Hưng Mỹ 1 cho biết: “Vụ sập cầu Cần Thơ tại ấp có 34 thương vong trong đó có 17 gười chết, các gia đình hầu hết là diện khó khăn về kinh tế. Sau tai nạn nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, mạnh thường quân nên gia đình các nạn nhân cũng nguôi ngoai phần nào.
 
Vậy nhưng có một thực tế khiến chúng tôi hết sức trăn trở đó là việc dù nhận được hỗ trợ lên tới hơn 400 triệu nhưng tới nay thì hầu hết là họ đã tiêu phí, nhiều người trở nên khánh kiệt vì cách tiêu vung tay quá trán. Chúng tôi đã nhiều lần phải họp dân để tuyên truyền nhưng hầu như không có hiệu quả vì họ cho rằng, tiền túi tôi thì tôi tiêu, không liên quan gì tới ai hết.”

Theo Phúc Nguyên - Duy Nguyễn (Gia đình Việt Nam)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tro-ve-tu-coi-chet-lao-cong-tu-bac-lieu-doi-van-doi-luon-ca-vo-a5734.html