Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng: Ðịa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống

Ngày nay, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề toàn cầu hoá về văn hoá đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc. Một trong những thách thức đó là giới trẻ ngày càng ít quan tâm đến các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, hoặc nhận thức chưa đầy đủ về các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông.

Hơn bao giờ hết, việc phát huy giá trị các di sản văn hoá nói chung, các di tích lịch sử - cách mạng nói riêng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách. Một trong những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống ở Cà Mau là Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng - thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.



Tượng đài Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng.

Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cách TP Cà Mau gần 100 km theo hướng Quốc lộ 1 về phía Nam, thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (nay là thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển). Nơi đây ghi nhận những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ trên "Ðoàn tàu không số” đã vượt hàng ngàn ki-lô-mét đường biển để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với địa hình hiểm trở, cùng với mạng lưới kinh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng vận chuyển và cất giấu vũ khí. Bên cạnh đó, sự đùm bọc, che chở của Nhân dân Rạch Gốc như những “luỹ sắt, thành đồng” để bảo vệ cách mạng. Nhờ vậy mà trong hơn 10 năm hoạt động (1962-1972) các cơ sở hoạt động của ta đã được bảo vệ an toàn, mặc dù nơi đây nằm không xa chi khu quân sự của địch ở Năm Căn.

Nơi đây vào ngày 16/10/1962, con tàu mang mật hiệu “Phương Ðông 1” do Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, chở theo hơn 30 tấn vũ khí đã cập bến an toàn, mở ra tuyến đường vận tải quân sự trên biển Ðông, với tên gọi “Ðường Hồ Chí Minh trên biển”. Về sự kiện này, sách Lịch sử Ðảng bộ huyện Ngọc Hiển ghi nhận: “Tàu cập bến bị cạn, Nhân dân Rạch Gốc vận động 65 lực lượng cùng với các đồng chí chi bộ địa phương tận dụng 12 chiếc ghe, khẩn cấp vận chuyển kịp thời 30 tấn vũ khí đến kho cất giữ an toàn. Chiếc tàu chở vũ khí được Nhân dân nguỵ trang cất giấu. Ðây là sự đóng góp tích cực của Nhân dân Rạch Gốc bảo vệ vũ khí của Ðảng. Từ đấy vùng đất Năm Căn trở thành nơi tiếp nhận vũ khí từ Trung ương về cho chiến trường miền Tây Nam Bộ”.

Sau khi sự kiện tàu “Phương Ðông 1” về bến thành công, những con tàu “Phương Ðông 2”, “Phương Ðông 3”, “Phương Ðông 4” tiếp tục cập Bến Vàm Lũng để đưa hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tính đến cuối năm 1970, Bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược.

Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng cũng gắn liền với sự kiện ra đời của đơn vị quân đội mang phiên hiệu “Ðoàn 962” (được thành lập vào ngày 19/9/1962) với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào - ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển được hình thành với các bến bãi trải dài từ Bắc vào Nam, điểm đầu là Bến K15, thuộc phường Vạn Hương, quận Ðồ Sơn, TP Hải Phòng, cùng với các địa điểm: Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Sót (Hà Tĩnh), Cửa Gianh (Quảng Bình), Cửa Ðại (Quảng Nam), Vũng Rô (Phú Yên), Hòn Hèo (Khánh Hoà), Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu)… hầu hết đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và đã trở thành các địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện nay, Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng đã được phục dựng khang trang với hệ thống tượng đài, vườn hoa, nhà trưng bày… trở thành địa điểm tham quan, du lịch về nguồn cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, giai thoại về những chiến công thầm lặng của "Ðoàn tàu không số”, dấu ấn về những chiến công của quân, dân Rạch Gốc, của các chiến sĩ Ðoàn 962 anh hùng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng có nhiều tiềm năng để khai thác phục vụ phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Việc tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan tại các di tích lịch sử, ngoài tác dụng giáo dục truyền thống còn giúp khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về lịch sử đấu tranh gian khổ của các thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để giành lại hoà bình cho hôm nay, thế hệ trẻ sẽ tăng thêm ý thức và quyết tâm phấn đấu, rèn luyện để trở thành công dân tốt, cống hiến khả năng và sức lực của mình để xây dựng Tổ quốc ngày mai./.

(Theo Cà Mau Online)

NGUYỄN PHÚ HƯNG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tich-lich-su-ben-vam-lung-dia-chi-do-ve-giao-duc-truyen-thong-a5692.html