Độc đáo chợ cây đa Tuân Lộ ở Sơn Dương (Tuyên Quang)

Chợ Cây đa Tuân Lộ (Sơn Dương, Tuyên Quang) được dựng lên từ bao giờ không ai nhớ được vì theo những người già nhất trong làng kể lại “Chợ họp đã ở đây từ rất lâu rồi”.

Theo năm tháng, qua dòng chảy của lịch sử, biến đổi của xã hội, chợ Cây Đa Tuân Lộ vẫn vậy, nhiều nét hoang sơ nhưng rất đỗi gần gũi để rồi cứ ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch người ta lại hẹn nhau cùng đi chợ Cây Đa.
 
 
Một góc chợ Cây Đa
 
Chợ gốc đa, chợ lá gianh

Nằm trên quốc lộ 2C, từ TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) lên thị trấn Sơn Dương trên một gò đất giữa đồng, xung quang là lúa xanh bát ngát, đặc biệt trong chợ có một gốc đa hàng ngàn năm tuổi, cổ kính và linh thiêng.
 
Bà Bùi Thị Vân (71 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về chợ Cây Đa, bà đi chợ Cây Đa từ thời còn con gái đến giờ đã hơn nửa thế kỷ. Chợ Cây Đa ban đầu chỉ có vài cái quán nhỏ, lợp bằng cọ hoặc lá gianh xiêu vẹo, nhưng cũng là nơi để người dân địa phương trao đổi hàng hóa và văn hóa.
 
“Theo thời gian, chợ nhiều lần bị cháy, đổ nhưng mọi người vẫn quyết định lấy mảnh đất nằm dưới gốc đa làm chợ. Cũng không hiểu vì sao nữa, tôi nghĩ chắc nó thiêng”, bà Vân chia sẻ.
 
Chợ Cây Đa Tuân Lộ có hầu hết hàng quán lợp bằng vậy liệu thiên nhiên như lá cọ, lá gianh, những vật liệu quen thuộc của vùng núi. Cũng có vài hàng quán lợp bằng ngói nhưng đều đã cũ kỹ. 
 
 
Một hàng bán nón mũ
 
Chợ Cây Đa Tuân Lộ họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Sau Tết Nguyên đán, chợ họp thêm vào ngày Rằm tháng Giêng. Chợ xưa bán chủ yếu là sản vật do người dân địa phương sản xuất ra như dao, liềm, múng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi như thóc, rau củ quả, thịt..., mọi thứ đều được đem bày bán.
 
Ngày xưa là vậy, bây giờ xuất hiện thêm những mặt hàng mới như quần áo, những sản phẩm được các tiểu thương đem từ các vùng khác đến trao đổi với bà con.
 
 
Sản phẩm địa phương được bày bán ở cổng chợ
 
Chợ quê, tình quê
 
Như mọi chợ ở quê, chợ Tuân Lộ chỉ họp một buổi trong ngày (buổi sáng), họp chợ từ tờ mờ sáng đến tận trưa. Không chỉ có những người bán, người mua mới đến chợ, những người muốn thử cái cảm giác đông vui, tấp nập cũng đến chợ để kiếm niềm vui nho nhỏ.
 
Chợ cũng không chỉ có bà con ở Tuân Lộ mà còn cả những nơi xa như thị trấn Sơn Dương, các bản người dân tộc cách xa 15 - 20km cũng đến. Những nhóm người Dao, người Nùng, Tày hay Cao Lan đều mang đến một loại sản vật đặc trưng của dân tộc mình. 
 
 
Một bà lang bày bán những bài thuốc dân gian
 
Người Nùng có loại dao tốt, được ưa chuộng, người Dao có những loại thuốc quý, theo cách nói thật thà của họ là bệnh gì cũng chữa được,...
 
Chợ quê khác với chợ ở thành phố, không phải vì quy mô hay loại sản phẩm buôn bán mà đó là tình cảm. Đi chợ quê dễ dàng bắt gặp người quen, có thể là người đi bán, cũng có thể là người đi mua đồ. Họ chào nhau, cười với nhau, người mua người bán hẹn nhau một cái giá phù hợp, rồi có nhiều khi họ cho nhau mà không lấy tiền. Toàn là người quen mà... 
 
 
Chợ nằm dưới cây đa cổ thụ
 
Đến chợ thì đủ mọi chuyện trong họ, ngoài làng. Vừa mua, bán vừa thông tin cho nhau về cuộc sống riêng tư, cuộc sống đời thường, về chuyện chuẩn bị cho ngày Tết… Tan chợ là khi nắng đã lên cao hoặc khi mọi người đã thấm mệt cho cả việc bán, mua và làm quen nhau.
 
Mọi người ra về, ai cũng tiếc nuối, 5 ngày nữa mới được gặp lại nhau. Phiên chợ tuy đơn giản nhưng không thể thiếu được trong đời sống của mỗi người dân vùng quê nơi đây.
 
Nghe nói chợ sắp được dự án cải tạo, dân Tuân Lộ vừa mừng vừa buồn, mừng vì nếu xây chợ mới họ sẽ có nơi khang trang hơn để họp nhưng mà buồn vi lúc đó những giá trị xưa cũ của chợ Cây Đa Tuân Lộ liệu có mất đi theo không? Ở một số tỉnh Bắc này đã không biết bao nhiêu chợ xây dựng khang trang nhưng không ai vào chợ xây đó để buôn bán mà họ cứ tản ra xung quanh để giao thương hàng hóa, làm cho các chủ đầu tư khốn đốn vì đầu tư không thu hồi được vốn.
 
Tiến Dũng - Lê Hoàn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-cho-cay-da-tuan-lo-o-son-duong-tuyen-quang-a5561.html