Ngoài các phòng bệnh, khoa Nhi - Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng còn có khuôn viên ngoài trời với nhiều trò chơi kích thích vận động, nhận thức hỗ trợ quá trình điều trị.
Hiện tượng trẻ mắc chứng tự kỷ - Ảnh minh họa
Lớp học của em
Khoa nhi Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng được thành lập từ năm 2005, sau 10 năm đi vào hoạt động; đã tiếp nhận và điều trị cho các em nhỏ mắc các rối loại tâm thần ở Đà Nẵng và các tình miền trung. Hiện có 33 bệnh nhi đang được điều trị.
Các bé ở đây thuộc nhiều lứa tuổi, mỗi triệu chứng bệnh lý khác nhau; có những bé chỉ mới 2, 3 tháng tuổi đã phải vào viện vì chứng động kinh; có bé lại mắc chứng tự kỷ; tăng động; rối loạn giao tiếp…
Bác sỹ Trần Thị Hải Vân - Trưởng khoa nhi - Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết vì đặc thù tiếp nhận, chữa trị cho các bệnh nhi, nên ngay từ đầu, việc xây dựng, bố trí trang thiết bị, trang trí tại đây luôn chú ý tạo một môi trường, không gian thân thiện, gần gũi. Bởi yếu tố tâm lý ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng điều trị. Mặt khác “không khí gia đình” tại bệnh viện sẽ tránh cho các bé những ám ảnh, mạc cảm, sau qua trình điều trị.
Theo bác sỹ Vân, các bệnh nhi khi được đưa vào đây, sẽ được khám để xác định bệnh lý cụ thể, từ đó chọn lựa phương pháp, liệu trình điều trị cụ thể, phù hợp với từng trường hợp, nhằm phát huy tối đa hiệu quả điều trị trong điều kiện cho phép, bác sỹ Vân cho biết.
Các y bác sỹ điều trị tại khoa nhi cho biết, ban đầu các bé nhập viện thường rất bướng, khó tiếp xúc, có trường hợp phản kháng mạnh bằng các hành động như tự đập đầu vào tường, vào nên nhà, khóc hét, ném đồ… nhưng bằng nghiệp vụ và tình thương của mình, các y bác sỹ ở đây đã từng chút từng chút tiếp xúc, nói chuyện, làm quen với các bé. Có trường hợp phải mất mấy tuần liền, các bé mới chịu gần, biết lắng nghe.
Có thể nói, các y bác sỹ vừa là những người cô, người thầy hàng ngày kiên trì truyền thụ cho các em những kỹ năng giao tiếp; hoàn thiện những thiếu hụt tâm lý; giúp các em hòa đồng, và bước dần khỏi “thế giới riêng” của chính mình, chị N.T.H.N (quận Sơn Trà - Đà Nẵng), có cháu trai điều trị nhiều đợt tại bệnh viện tâm thần Đà Nẵng đúc rút.
Chơi đùa, trò chuyện với trẻ là một trong những phương pháp điều trị tâm lý - Ảnh: TN
Gia đình cùng làm bác sỹ
Tại khoa nhi Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, các bệnh nhi được điều trị bệnh kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, ngoài sử dụng thuốc, các liệu pháp tâm lý cũng rất được chú trọng. Bệnh lý của các bé vào nhập viện khá đa dạng nhưng phổ biến nhất là thể tự kỷ. “Triệu chứng điển hình của bệnh tự kỷ là khó giao tiếp, vô cảm với mọi thứ xung quanh, nên việc gần gũi, chơi đùa, nói chuyện thường xuyên với bé là điều hết sức cần thiết, nếu người không có lòng kiên trì thì rất khó theo các bé”, bác sỹ Hoàng Anh - chuyên viên khoa nhi chia sẻ.
Theo các y bác sỹ kinh nghiệm, bên cạnh điều trị kết hợp tại bệnh viện, thì gia đình là một yêu tố quan trọng trong việc tương tác và hỗ trợ việc phát triển của bé.
Ngoài thời gian điều trị, nhằm tạo sự thân thiện, giúp các bé hòa nhập đội ngũ y bác sỹ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng theo tuần, theo tháng như giáo dục tâm lý, vệ sinh khoa phòng, hát karaoke, chơi các trò chơi vận động tập thể. Vào những dịp lễ, tết còn có các chương trình vui chơi, cho quà các bé.
Chị L.T.H (Liên Chiểu - Đà Nẵng), nghẹn ngào khi nói về căn bệnh “như trên trời rơi” xuống của con. Từ nhỏ bé sinh ra khỏe mạnh như các bé khác, nhưng lớn lên, bé có những biểu hiện lạ, bất thường, không chịu nói chuyện, chơi cùng ai nên chị đưa con đến khám và biết được con mắc chứng tự kỷ.
Các bác sỹ cho biết, ngoài việc điều trị tâm lý cho các bệnh nhi, họ còn tư vấn tâm lý cho gia đình, giúp ba mẹ biết cách giao tiếp với con; biết cách quan sát các dấu hiệu, các thay đổi của bé, kịp thời báo cho bác sỹ để có hướng điều trị tốt nhất. Bác sỹ Vân nói thêm, sau khi được điều trị, hỗ trợ ở viện, các bé lúc về nhà, quay lại với môi trường cũ rất dễ tái bệnh nếu ba mẹ không biết cách chăm sóc. Vì vậy, việc cần thiết là hướng dẫn, tư vấn rõ về bệnh cho gia đình, từ đó tạo ra sự liên kết mật thiết giữa gia đình và bệnh viện, giúp bé khắc phục thiếu hụt, hòa nhập với xã hội. Đây là cả một quá trình, cần phải có thời gian, sự kiên trì.
Nhìn những gương mặt ngây ngô, ánh mắt vô hồn, cứ loay hoay không biết nhìn về đâu, bên cạnh đó là những giọt nước mắt, sự lo âu, bế tắc, bất lực của người thân khiến lòng nẵng trĩu. Nhưng cũng thật ấm lòng khi thấy sự tận tụy, trách nhiệm và tình thương của những “lương y”, “mẹ hiền”. Cảm tưởng rằng, nơi đây không đơn thuần là bệnh viên, nơi tiếp nhận bệnh nhân thông thường, đây còn là lớp học của tình thương, là mái nhà ấm cúng cho những em bé đáng thương kém may mắn nương tựa, gieo hy vọng cho các bậc cha mẹ về một ngày nhìn những đưa con yêu phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần như bao đưa trẻ khác.
Thanh Nhàn