14/04/2016 14:45
14/04/2016 14:45
Chuyện chép ở đảo Hải Tặc
Những ngày đầu tháng Tư nắng đẹp, trong một chuyến famtrip do Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức, tôi có dịp về miền đất Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) thơ mộng, làm xao xuyến lòng người với non xanh nước biếc trập trùng, khi ghé qua đảo Hải Tặc…
Hoang sơ và yên tĩnh…
Đảo Hải Tặc, cái tên nghe dữ dằn, gây nhiều tò mò với chúng tôi. Đứng trên boong tàu, quan sát thị xã Hà Tiên xinh đẹp với núi Tô Châu, núi Pháo Đài, đồi Bình San, núi Đèn, mũi Nai... mờ xa dần trong biển nước.
Tàu phăm phăm gối sóng hướng về Hòn Đốc. Giữa biển khơi xanh biếc, phía nào cũng nhìn thấy đảo, chúng tôi tưởng như đang du ngoạn giữa “tiểu Hạ Long”! Sau hơn nửa giờ hải hành, tàu cập bến.Mười sáu hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc hiện rõ trước mắt chúng tôi.
Hòn Đốc thuộc xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên. Hòn Đốc còn có tên gọi rất ấn tượng là “đảo Hải Tặc”, nằm ở khu vực biển Tây của Việt Nam. Hòn Đốc hợp với các đảo lân cận hình thành quần đảo Hải Tặc có diện tích đất nổi 1.100ha, gồm 16 hòn đảo cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (khoảng 27,5km).
Hòn Đốc cũng như 16 đảo khác thuộc quần đảo Hải Tặc đều còn rất hoang sơ.Có lẽ chính vì vẻ đẹp giản dị mà hút hồn người.Một số dịch vụ, mô hình du lịch homestay đã bước đầu manh nha hình thành ở xã Tiên Hải. Cũng bởi còn mang tính chất thăm dò nên du lịch ở đảo vẫn đầy hấp dẫn đối với những người ưa khám phá, mạo hiểm, thử thách.
Tương truyền, vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, của băng cướp biển “Cánh Buồm Đen” đã dài thống trị và lộng hành vùng ngoài khơi Hà Tiên và vịnh Thái Lan. Câu chuyện huyền thoại về kho báu mà băng cướp biển đã chôn cất trên quần đảo Hải Tặc cho đến ngày nay vẫn là một bí ẩn.
Quần đảo Hải Tặc đã trải qua bao thăng trầm và thay đổi lịch sử.Chuyện cướp biển ở quần đảo Hải Tặc chỉ còn là quá khứ.Hòn Đốc đã hoàn toàn thay da đổi thịt.Xã đảo Tiên Hải đã có trường cấp II, trạm xá, bưu điện, đường giao thông quanh đảo.Ngư dân có một cuộc sống ấm no. Nhiều dự án đang được triển khai ở đây để biến những viên ngọc thô lấp lánh giữa đại dương, thơ mộng, thanh bình, hoang sơ với bãi biển đẹp trải dài, cát trắng, nước xanh thành nơi nghĩ dưỡng yên bình.
Tác giả bên cột mốc chủ quyền ở đảo Hải Tặc
Câu chuyện về cướp biển...
Trong tiếng sóng biển vỗ rì rầm như tiếng người thì thầm tâm sự, chúng tôi được chú Hai Việt, “chúa” đảo Hòn Tre Vinh, một ngư dân cố cựu, kể: “Ông nội tôi nói lại hồi đó trên đảo này có đảng cướp “Cánh Buồm Đen”. Bọn cướp chủ yếu “đánh” những tàu buôn đi ngang vịnh Hà Tiên – Rạch Giá.Trên cột buồm của tàu “Hải Tặc” thường treo cây chổi có ý quét sạch tàu qua lại. “Cánh Buồm Đen” hoạt động trên một vùng biển rộng lớn của vịnh Thái Lan… Đến bây giờ, người ta vẫn đồn râm ran về một kho báu được bọn cướp biển chôn giấu đâu đó trên quần đảo…
Nhiều người dân ở quần đảo Hải Tặc chia sẻ với chúng tôi, họ tin rằng kho báu của cướp biển trước đây vẫn đang tồn tại đâu đó ở Hòn Đốc cũng như rải rác khắp quần đảo Hải Tặc. Trên đảo vẫn còn lưu truyền câu chuyện vào năm 1983, có hai người nước ngoài mang theo hải đồ, ống nhòm, máy bộ đàm lén lên Hòn Đốc. Sau khi bị vây bắt, họ khai rằng có mang theo bản đồ được vẽ 300 năm trước về kho báu cất giấu vàng bạc, châu báu của bọn cướp biển…
Nhờ nuôi hải sản bằng bè, cuộc sống của người dân xã đảo Tiên Hải ngày càng ấm no
Tò mò, chúng tôi hỏi về dấu tích của nạn cướp biển trước đây, mọi người bảo biến thiên nhiều rồi, dấu thời gian còn lại chỉ là một… ngôi chùa, tên gọi Sơn Hòa tự. Người dân đảo kể, theo giai thoại truyền lại, trước kia ở quần đảo Hải Tặc có trùm cướp biển tên Nguyễn Thanh Vân. Ông được biết đến là người lặn biển như rái cá, tính khí ngang tàng, ngổ chướng nhưng lại đầy lòng nghĩa hiệp.
Một lần, nghiệp cướp biển đưa chân đến Thái Lan, ông Vân gặp người con gái tuyệt sắc giai nhân, rồi dắt díu nhau về Việt Nam sinh sống. Ông Vân bỏ nghiệp cướp biển từ đó và sinh được người con đặt tên là Nguyễn Thị Gái. Theo thời gian, bà Gái lớn lên ở đảo và được người dân Hòn Đốc kính trọng gọi là Bà Mười bởi đã có công xây dựng ngôi chùa duy nhất để thờ tự ở đảo.
Được biết, tỉnh Kiên Giang chú trọng thu hút đầu tư, để vùng biển đảo ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, trong số đó, một doanh nghiệp ở TP.HCM đã thuê diện tích lớn ở Hòn Tre Vinh để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển và các dịch vụ văn hóa, giải trí, thưởng ngoạn khác kèm theo.
(Theo Báo Du Lịch)
NGUYỄN NAM
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-chep-o-dao-hai-tac-a5496.html