An Giang cũng có ruộng bậc thang

Nghe tôi tấm tắc, khoe ruộng bậc thang ở Tây Bắc đẹp "não nùng", anh bạn người Tri Tôn (An Giang) mỉm nụ cười khó hiểu rồi kéo tôi lên đường.



 Ruộng bậc thang Tà Pạ. Ảnh: Cúc Tần

 
Rời quán cà phê góc phố núi thị trấn Tri Tôn, chạy xe gắn máy chẳng bao xa, chúng tôi rẽ vào một con đường lót đá xanh chẻ. Cuối đường nơi có một ông Chằn mặt mày dữ tợn đứng, đó là dường lên chùa Khmer Tà Pạ (xã Cô Tô). Chùa Tà Pạ, có tên chính thức là chùa Chưn Num, một ngôi chùa theo Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) của người Khmer địa phương.
 
Chưn Nam là ngôi chùa cổ, đã được từng bước trùng tu theo kiến trúc chùa chiền người Khmer, nên vẻ đẹp của nơi mới tu bổ át mất nét hoang tàn của những nơi chưa được tôn tạo. Các kiến trúc ở chùa đều do sư cả Chau Xưng (hòa thượng trụ trì chùa Chưn Num) thiết kế xây dựng. Tuy nhiên, bù lại là đứng tại tháp Phật Thích Ca - cao khoảng 50 thước - phóng tầm mắt về phía thị trấn Tri Tôn cách khoảng 1 cây số đường chim bay, chúng tôi có thể ngắm cảnh phố huyện miền núi nầy thấp thoảng trong cây cối xanh rì.




 “Đá cảnh” trên đồi Tà Pạ. Ảnh: Cúc Tần

Rời chùa Chưn Num, theo hướng tay chỉ của ông Chằn, chúng tôi đi tiếp. Mùa nắng nóng oi bức nầy, dọc theo hai bên con đường trải đá sỏi màu xám đỏ bản địa là hai hàng cây, trong đó bông mua và bông bằng lăng nở tím ngắt, lắt lay trong gió hiu hắt như e lệ đón chào khách phương xa. Sư cả Chau Xưng cho biết, con đường vòng quanh chùa nầy được con sóc (bổn đạo) cùng sư sãi, à cha chung tay xây dựng theo kiểu “tàm thực” (làm tới đâu hay tới đó) trong nhiều tháng dài. Cho nên đoạn trước cổng chùa được lót những viên đá xanh hình chữ nhật nằm xen kẽ, kết dính bằng xi măng. Phần còn lại lổn nhổn đá xám đỏ. Cuối con dốc là đỉnh đồi Tà Pạ.
 
Đồi Tà Pạ thực sự đã cuốn hút chúng tôi bởi nét hoang sơ của nó. Dù là ngày nắng trong mùa khô, nhưng những cơn gió trên cái đỉnh đồi trống hoang nầy cứ liên hồi quạt thổi, giúp chúng tôi xóa tan bao mệt mỏi đoạn đường dốc khá cam go. Nhưng chúng tôi khỏe người hơn là khi đứng trước hồ Tà Pạ. Hồ Tà Pạ thật ra mới được bàn tay con người tạo dựng cách nay khoảng mười năm bằng việc khai thác đá. Chừng ấy năm với gió mưa bão bùng, vùng đá núi lõm do khai thác đá ấy trở thành một cái hồ chứa đầy nước, nước càng ngày càng trong xanh màu lục biếc.




 Hồ trên núi lúc nào cũng biêng biếc một màu xanh. Ảnh: Cúc Tần

Đi loanh quanh khu vực hồ, chúng tôi khám phá sự kỳ dị của những cột đá. Có cột đá khiến người ta liên tưởng đến hòn Vọng Phu ở ngoài Trung hay miền Bắc. Có phiến phẳng lì như nơi tọa thiền của bậc đạo cao đức trọng. Có phiến lại như thanh gươm giơ cao chờ sát hại kẻ thù. Lại có cột đá trơ vơ giữa hồ như một kẻ tình si cô đơn chờ ngóng bóng dáng người yêu...
 
Thú vị nầy chưa dứt thì thú vị khác tiếp theo khi đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt nhìn xuống bên dưới, ô hay, một cánh đồng trải rộng ra dưới ấy. Nơi nầy xanh mượt màu lúa đương thì con gái, nơi kia vàng chín cả một vùng của những cây lúa đến thì chờ gặt hái. Có chỗ vàng hươm những chân rạ. Lại có cả mấy chòm cây thốt nốt lắt lay ngọn lá trong nắng trời chói chang... Tất cả trải rộng bên chân ngọn núi hùng vĩ xanh ngắt cây rừng. Đó là núi Tô, cao 614 mét, chu vi 14.375 mét. Thật ra núi Tô là ngọn núi bao gồm cả núi Tà Pạ (xưa kia cao 120 mét, bị khai thác đá chỉ còn 45 mét cao, chu vi 10.225 mét). Đây là một trong bảy ngọn núi có tên trong quần thể Thất Sơn.
 
Đứng trên đồi Tạ Pạ nhìn cánh đồng Tà Pạ đẹp không sao tả xiết. Bạn tôi chắc lưỡi, buổi trưa còn đẹp như thế. Nếu vào buổi chiều hoàng hôn buông xuống, khói bếp nhà ai trên sườn núi mờ tỏa trong khói lam dâng lên từ cánh đồng thì... Cũng như vậy, buổi sáng tinh mơ, mây hay khói quyện trắng đầu núi cùng khói sương từ cánh đồng dâng lên, ngoạn mục vô cùng...




 Phía sau ruộng là núi Tô với vồ Hội mù mịt khói mây. Ảnh: Cúc Tần

Nghe vậy, tôi liên tưởng đến những thửa ruộng bậc thang nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Dù không được như vậy, nhưng ruộng Tà Pạ cũng là "của hiếm" nơi đất đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn về núi Tô, rõ mồn một là một tảng đá lớn trơ trọi nổi bật giữa màu xanh núi rừng. Đó là vồ Hội. Vồ Hội, là một điểm thiêng liêng, vì có dấu chân tiên in trên đó. Đây là nửa đoạn đường lên đỉnh núi Tô.
 
Anh bạn tôi cho biết, không như các nơi khác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ở Tri Tôn có đến đến bốn loại ruộng: ruộng trên, ruộng triền bưng, ruộng co bưng và ruộng bưng. Ruộng trên là loại ruộng canh tác trên triền núi - nơi người ta trồng một loại lúa đặc vụ, gọi là lúa sóc - loại lúa cho ra những hột gạo nhỏ như cọng tăm, khi nấu thành những hột cơm khô, dẻo và thơm thoảng mùi sơn cước hoang dã. Ruộng Tà Pạ có diện tích khoảng 50 hecta đã canh tác hàng trăm năm nay, là nơi trên 100 hộ người Khmer trồng lúa. Trước kia, người ta chỉ trồng mỗi năm 1 vụ, gọi là lúa mùa. Nay người ta canh tác hai hoặc ba vụ với các loại lúa đặc sản như Nàng nhen, nếp Than... Từ khoảng tháng 4 âm lịch trở đi, bà con trồng màu, như khoai, bắp, đậu, rau...
 
Và, trong tương lai, huyện Tri Tôn sẽ đầu tư khai thác du lịch tại đây, do Công ty Bảo Thanh đảm trách, ông Đỗ Minh Trí, Phó chủ tịch huyện Tri Tôn cho biết như vậy. Đó là một việc làm tránh lãng phí tài nguyên du lịch thiên nhiên hiếm hoi của vùng châu thổ nầy. Đến tham quan cánh đồng Tà Pạ - được xem là ruộng bậc thang độc nhất vô nhị ở đồng bằng sông Cửu Long - du khách có dịp thăm viếng chùa Chưn Num, hồ trên núi, thưởng thức đặc sản gạo Nàng nhen, gạo lúa sóc, ăn sáng với món cháo bò độc đáo thơm mùi trái trúc hoang dã, xem lễ hội đua bò Bảy Núi vào khoảng trung tuần tháng 8-9 âm lịch, còn gì lý thú hơn!
 
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/an-giang-cung-co-ruong-bac-thang-a545.html