Xây dựng nông thôn mới ở Lạng Khê: Vẫn còn nhiều khó khăn

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân, xã Lạng Khê (huyện Con cuông, tỉnh Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới trong nông nghiệp, nông thôn... Tuy nhiên, với điều kiện là một xã miền núi khó khăn, xuất phát điểm thấp, chặng đường xây dựng nông thôn mới của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn thử thách.



Địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn - Ảnh: PV

Trao đổi với PV, ông Vi Đình Tuyển - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Lạng Khê là xã có diện tích đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển ngành lâm nghiệp, với nhiều loại cây trồng đa dạng phong phú, có nguồn nước dồi dào, phục vụ đầy đủ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do địa hình của xã thuộc vùng bán sơn địa bị chia cắt phức tạp tạo thành nhiều khe sâu và dốc lớn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mức sống của người dân không đồng đều, trình độ dân trí còn thấp, nên khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã gặp không ít khó khăn. Nhờ sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, các ban ngành và toàn thể nhân dân xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân phần nào được cải thiện, hoàn thành 9/19 tiêu chí nông thôn mới gồm Quy hoạch và phát triển theo quy hoạch, điện, bưu điện, hệ thống tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị, an ninh trật tự xã hội.

Cũng theo ông Tuyển, bên cạnh những mặt đạt được thì địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn trên con đường thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, nhà dân cư, tỷ lệ có việc làm thường xuyên, đường giao thông… Tỷ lệ nhà tạm nhà dột nát còn cao. Tiêu chí môi trường chưa đạt vì không có bãi xử lý rác tập trung, chủ yếu xử lý rác tại hộ gia đình…
 


Chủ tịch UBND xã Vi Đình Tuyển

Bên cạnh đó, khối lượng công việc xây dựng nông thôn mới rất nhiều, mà cán bộ địa phương vừa ít, vừa hạn chế về năng lực chuyên môn. Trình độ dân trí thấp, không đồng đều nên nhận thức còn hạn chế về xây dựng nông thôn mới. "Với những khó khăn trước mắt, trong thời gian tới xã sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, điều hành từng bước thực hiện được các tiêu chí và hoàn thành chương trình như đề án đã đặt ra. Tập trung vận động nhân dân tự bỏ kinh phí và huy động thêm các nguồn kinh phí giúp đỡ hộ khó khăn về nhà ở, các gia đình có công với cách mạng nhằm đưa tỷ lệ nhà đạt tiêu chuẩn lên 90%, xóa nhà tạm, tranh tre dột nát. Ngoài ra phấn đấu có đủ các công trình hạ tầng kĩ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường… giao thông đi lại từ chỗ ở phải kết nối với hệ thống giao thông chung của thôn bản, đảm bảo thuận lợi cho người đi bộ cũng như các phương tiện khác lưu thông. Khai thác yếu tố giá trị văn hóa trong hình thức kiến trúc truyền thống đưa vào hình thức kiến trúc mới đảm bảo chất lượng cuộc sống và phù hợp với thời đại", ông Tuyển nói. 

Tăng thu nhập bình quân đầu người, xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò, kết hợp trồng rừng nguyên liệu như keo, mét… Tăng năng suất cây trồng vật nuôi thông qua: Sử dụng các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Thực hiện sản xuất vụ hè thu, vụ đông sớm, đồng bộ 7/7 thôn bản, trên diện tích đất hai lúa để tăng vụ, tăng năng suất. Hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Xây dựng 1 đến 2 mô hình từ vốn nông thôn mới, xây dựng 1đến 2 mô hình từ nguồn ngân sách tỉnh thông qua chương trình khuyến nông và nguồn kinh phí chương trình đang triển khai trên địa bàn.

“Để có thể hoàn thành các tiêu chí còn lại, nâng cao đời sống cho nhân dân, xã rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhất là trong việc xây dựng đường giao thông và cơ sở vật chất…”, ông Tuyển nêu kiến nghị.
 
Lê Thủy

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-lang-khe-van-con-nhieu-kho-khan-a5446.html