Khánh Hòa: Làng nghề bánh tráng vào vụ Tết

Huyện Diên Khánh – Khánh Hòa có nhiều làng nghề bánh tráng như: Quang Thạnh (xã Diên Hòa), Phú Lộc Đông, Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh)... Từ tháng 10 âm lịch trở đi, những làng bánh tráng lại nhộn nhịp sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán.

Tăng lượng sản xuất

Những ngày này, thôn Quang Thạnh bánh tráng phơi đầy làng. Thời điểm này, trong thôn có hơn 30 lò bánh đang tấp nập chuẩn bị hàng cho dịp cuối năm.

Gia đình bà Phạm Thị Bé theo nghề đã ngót 30 năm. Bà Bé cho biết, cả năm, gia đình bà làm việc luôn tay, nhưng hàng làm ra cũng chỉ đủ cung cấp cho những mối quen. 2 lò bánh của gia đình lúc nào cũng có ít nhất 4 - 5 người làm việc. Ngày thường, gia đình sử dụng khoảng 40kg gạo để làm bánh tráng, dịp cuối năm có khi lên 60 - 70kg gạo nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho nhu cầu thị trường. Theo bà Bé, để có được những chiếc bánh tráng ngon thì gạo làm bánh phải chuốt thật trắng, bột xay nhuyễn, trong mỗi chậu bột phải bỏ đá lạnh để bột không bị nở nhanh, không tạo vị chua trong bánh...

Tại lò bánh của gia đình bà Văn Thị Tấy, không khí làm việc hết sức nhộn nhịp, khẩn trương. 3 người phụ nữ luôn tay tráng, gỡ bánh. Bà Tấy cho biết, quanh năm, gia đình bà sản xuất bánh tráng nhúng. Tháng giáp Tết, từ 3 giờ sáng, bếp đã đỏ lửa, đến gần 21 giờ mới nghỉ. “Tuy vất vả nhưng càng làm nhiều thì thu nhập càng cao, nên hầu như các gia đình rất hăng say sản xuất”, bà Tấy nói.



Khung cảnh làm nghề của hộ bà Văn Thị Tấy.


12 giờ trưa, nhiều hộ làm nghề bánh tráng ở thôn Phú Lộc Đông vẫn chưa nghỉ tay. Tại hộ của bà Thủy, 5 - 6 người thợ bên 3 lò tráng bánh vẫn thoăn thoắt đôi tay. Trong nhà, một thợ đang sắp bánh, chuẩn bị sẵn hàng cho thương lái. Chủ hộ cho biết, vào mùa làm bánh Tết, các gia đình thường tăng số lượng nhân công, ngày thường chỉ đốt 1 lò, dịp này có bao nhiêu lò đều hoạt động hết công suất. Trung bình mỗi ngày, 1 lò bánh tiêu thụ hết 30 - 45kg gạo nguyên liệu. Bà Thủy cho biết, bánh tráng làm thủ công có chất lượng khác hẳn bánh được sản xuất bằng máy. Bánh tráng ở thôn Phú Lộc Đông, Quang Thạnh nổi tiếng từ xưa đến nay, được bạn hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng đặt hàng nên dù có tăng lượng sản xuất vẫn phải đảm bảo chất lượng. Bánh tráng Quang Thạnh ngon nên luôn có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại trên địa bàn huyện từ 20 đến 30%. Một đại lý tạp hóa tại chợ Thành khẳng định: “Bánh tráng của các làng nghề bán cho khách hàng cất trữ nửa năm vẫn không bị mốc. Để bảo quản, chỉ cần cho bánh vào túi nhựa kín; khi lấy ra ăn, bánh vẫn giữ được sự dẻo dai, mềm...”.

Gắn du lịch với làng nghề

Tuy chất lượng là vậy, nhưng làng bánh tráng Quang Thạnh cũng trải qua nhiều thăng trầm. Làng nghề hiện dần mai một do công nghệ làm bánh tráng bằng máy phát triển. Ông Văn Kỳ Thanh - Trưởng thôn Quang Thạnh cho biết: “Nghề bánh tráng lấy công làm lãi là chính, nhưng nếu chăm chỉ thì mỗi ngày cũng có thể thu lãi 300.000 đến 400.000 đồng. Hiện nay, làng chỉ còn gần 30 hộ sản xuất tìm được đầu ra ổn định. Nhiều hộ có tay nghề nhưng vì gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm, phải thuê nhân công nên đã chuyển nghề khác”.

Ông Hoàng Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Hòa cho rằng, do là xã thuần nông, không nằm ven các trục giao thông lớn nên Diên Hòa còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Sản xuất bánh tráng là một nghề phụ đem lại thu nhập khá cho các hộ dân, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương với thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. “Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống trong cả nước đang dần lấy lại vị trí và khẳng định bản sắc khi phát triển song hành cùng hoạt động du lịch. Làng nghề bánh tráng Quang Thạnh là một địa chỉ có tiềm năng để phát triển kinh tế kết hợp với du lịch. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nên hướng phát triển làng nghề du lịch còn nhiều khó khăn. Chúng tôi đang khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng tour du lịch làng nghề tại đây nhằm đa dạng hóa loại hình du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới”, ông Hưng nói.

Ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh nhận định, dịp cuối năm, các làng nghề sản xuất bánh tráng thủ công đều tăng lượng sản xuất để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Các làng nghề đã tạo việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, tạo ra sản phẩm tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Huyện đã rà soát, thống kê làng nghề trên địa bàn để xem xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống”, ông Lê Tài nói.

Hiện nay, số hộ làm nghề bánh tráng tại thị trấn Diên Khánh còn khoảng 60 hộ, xã Diên Hòa khoảng 50 hộ. Để nghề này phát triển ổn định, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu khai thác hiệu quả giữa phát triển kinh tế gắn với du lịch.

KN (Theo Báo Khánh Hòa)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khanh-hoa-lang-nghe-banh-trang-vao-vu-tet-a540.html