04/04/2016 09:00
04/04/2016 09:00
Ấm mãi giọng ca Minh Vương
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Vương là danh ca vọng cổ nổi tiếng trước năm 1975, anh đăng quang giải “Khôi nguyên Vọng cổ” và có nhiều vai diễn hay một thời ở gánh Kim Chung ngày xưa. Từ sau ngày giải phóng (1975) thì khán giả biết anh những vai diễn để đời như: Minh trong Tô Ánh Nguyệt, Luân trong Đời Cô Lựu, Nguyễn Trãi trong Rạng Ngọc Côn Sơn… và có lẽ vai Nguyễn Trãi anh để lại một dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả mộ điệu cải lương của thời đại mới.
NSƯT Minh Vương
NSƯT Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh ra tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nơi nổi tiếng là cái nôi của đờn ca tài tử. Có lẽ anh vốn hấp thụ truyền thống của quê nhà, nên từ nhỏ đã mê ca tài tử - cải lương. Khi anh được gia đình cho lên Sài Gòn học trung học nên có điều kiện tìm đến thầy Bảy Trạch (ở quận 8) để học ca. Một thời gian học, anh vững vàng nhịp điệu bài bản. Rồi anh được thầy giới thiệu vào hát cho gánh Kim Chung. Khi Văn Vưng thử giọng, bầu Long chấm điểm cao về sắc vóc, nhất là gương mặt sáng sân khấu. Khi nghe ca xong, bầu Long rất vừa ý và đặt cho Văn Vưng nghệ danh là Minh Vương. Từ đó, nghệ sĩ Minh Vương là một trong những kép sáng giá của Kim Chung, đứng bên cạnh những cô đào nổi tiếng lúc bấy giờ như: Lệ Thủy, Mỹ Châu, Tô Kim Hồng,…
Trong thời gian này, Minh Vương có những vai chánh tiêu biểu như: Áo Vũ Cơ Hàn trong Tâm sự loài chim biển, Tần Lĩnh Sơn trong Đêm lạnh chùa hoang, Thượng tướng Nguyên Bá trong Đường gươm Nguyên Bá, Lý Kim Tùng trong Nửa bản tình ca, Cổ Thạch Xuyên trong Người tình trên chiến trận,… Ngoài những vai diễn trên sân khấu, Minh Vương còn ca nhiều bài vọng cổ ở hãng đĩa và đài phát thanh.
Sau năm 1975, NSƯT Minh Vương vẫn là kép mùi, anh hát chánh nhiều đoàn. Giai đoạn vàng son của sân khấu cải lương (1975-1990), NSƯT Minh Vương có vai để đời là Nguyễn Trãi trong Rạng Ngọc Côn Sơn, một vai diễn có tầm vóc là nhân vật lịch sử, một chí sĩ đại trượng phu quân tử, đại diện cho khí phách nhà nho dân tộc của một giai đoạn sử thi. Minh Vương khắc họa nên nhân vật Nguyễn Trãi, một quan đại thần lúc nào cũng nghiêm nghị, hùng mạnh, sắc mặt luôn điềm đạm nhưng tỏ rõ bản chất là trí dũng của một kẻ sĩ, khí phách kiên trung của một đấng trượng phu.
Ca và diễn của Minh Vương luôn quyện chặt vào nhau, kết hợp cùng các yếu tố: Tạo hình, tạo âm, tạo sắc thái biểu cảm. Có nghĩa là từ động tác diễn xuất hình thể, ngữ điệu âm giọng ca ngâm, sắc thái nét mặt lúc câm giận hùng hồn đối với bọn gian thần, lúc trạng thái xót xa đau khổ vì vận nước thương dân… Minh Vương biểu đạt nhuần nhuyễn qua vai Nguyễn Trãi, làm khán giả cảm nhận một Nguyễn Trãi vóc dáng lẫm liệt, cương trực, nghiêm nghị và đầy tính khí của một sĩ phu yêu nước thương dân.
NSƯT Minh Vương có làn hơi đầy đặn, chất giọng “kim pha đồng” một trong những loại hơi giọng hiếm của cải lương, âm lực vừa cao vừa thanh trong khi ca cao, ca cấn, một chút “đồng pha” nghe rổn rảng hùng hồn khi ca Bắc, trầm ấm vang vang khi ca Nam-Oán nghe ngọt như mía lùi,…
Trước năm 1975, anh có bài Tân cổ giao duyên Bánh bông lan (ca chung với NSND Lệ Thủy); sau năm 1975 lại có bài Tặng đời chiếc nón bài thơ (ca chung với NSND. TS Bạch Tuyết) rất khác nhau về phong cách ca ngâm với vai Nguyễn Trãi. Anh cũng ca với lối tự sự, nhưng không theo tâm trạng buồn thảm nữa, mà lối tự sự hóm hỉnh hơn, nói trong ca là kiểu nói tự sự theo âm điệu của nhạc. Khi nghe kỹ, thấy NSƯT Minh Vương nói như là xướng âm vậy, có nghĩa là anh nói bằng các âm tiết đều mang âm hưởng của nhạc và nói rơi ngay nhịp nhạc như là ca.
Nét độc đáo của NSƯT Minh Vương tuy hơi-giọng không lạng lách cầu kỳ, nhưng lúc anh ngân dấu sắc hay hỏi là xử lý hơi bụng (phổi), nên lực rất mạnh, độ ngân kéo dài; nếu dứt câu 1 vọng cổ anh có thể ngân dài hơn 4 nhịp nhạc. Anh ít khi ngân dài như vậy, nhưng cũng đủ làm cho người nghe khoái nhĩ thỏa mãn thính giác. Bởi đặc thù của hơi-giọng kim là trong trẻo, thánh thoát, vút cao,… không cần ca, chỉ nghe giọng nói cũng có thiện cảm với người kiến diện, mà thêm vào vài kỹ thuật ngân nga, nhấn giọng thì quả là sức chinh phục đối với người nghe sẽ nâng sức thu hút gấp bội.
Ngày nay, sức khỏe không cho phép anh đứng trên sàn diễn sân khấu thế nhưng, mỗi khi có dịp, NSƯT Minh Vương lại “cháy” hết mình. Anh từng nói, cảm xúc của anh chỉ được lan tỏa khi được đứng trên sân khấu và khi ấy anh như được trở về thời trai trẻ. Năm tháng trôi qua nhưng đối với khán giả mộ điệu cải lương, giọng ca Minh Vương vẫn luôn ấm và không thể lẫn với bất kỳ giọng ca nào.
(Theo Báo Long An)
ĐỖ DŨNG
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/am-mai-giong-ca-minh-vuong-a5379.html