Du lịch Tân Yên - những bước đi đầu tiên

Là vùng đất phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, Tân Yên - miền đất đã đi vào phương ngôn xứ Bắc “Trai Cầu Vồng Yên Thế” có bề dày lịch sử, vốn văn hóa vật thể phong phú cùng những huyền thoại, truyền thuyết dân gian gắn với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Giữa năm 2012, khi đang hạ phóng đi cơ sở thì Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Tân Yên (VHTT) Nguyễn Huy Ngọc điện thoại mời đi khảo sát tour du lịch trên địa bàn. Nghe quá hấp dẫn nên tôi nhận lời mà không hề do dự. Chuyến đi đó, qua hầu hết tất cả các di tích LSVH trên địa bàn huyện Tân Yên, lên núi Đót, núi Dành - 2 ngọn núi cao nhất huyện và đi dọc theo dòng sông Nhâm Ngao cổ kính. Ấn tượng nhất chính là lên ngọn núi Đót, đóng ngôi hậu chẩm của huyện Tân Yên. Bao quanh núi Đót là cả hệ thống đình, chùa, đền miếu, mộ Nàng Giã Đại thần - nữ tướng của Hai Bà Trưng… Từ núi Đót phóng tầm mắt bao quát toàn bộ huyện Tân Yên, một phần của huyện Yên Thế, Việt Yên và xã Dương Thành, huyện Phú Bình Thái Nguyên...




Hát ông, hát ví ở Liên Chung.

Trong hệ thống các di tích LSVH của Tân Yên, tiêu biểu có thể kể đến đó là Đình Chùa Vồng, xã Song Vân, nơi phát tích 18 Quận công họ Dương, khởi nguồn câu phương ngôn Trai Cầu Vồng Yên Thế. Đình Hả xã Tân Trung, nơi Lương Văn Nắm (Đề Nắm) tế cờ. Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám xã Ngọc Châu - nơi nuôi dưỡng người anh hùng áo vải, quê hương thứ 2 của Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh thứ 2 của Khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Đó còn là khu du lịch sinh thái và tâm linh núi Dành, nơi vẫn lưu giữ sâm nam nổi tiếng một thời… Bên cạnh hệ thống di tích văn hóa vật thể, Tân Yên còn lưu giữ khá nhiều sinh hoạt cộng đồng cổ xưa, như Tục gọi gạo đêm 30 tại xã Phúc Hòa, chợ âm dương mùng 02 Tết tại xã Cao Thượng, tục cấm ra đồng, cấm nhóm lửa ngày 08/4 tại Phúc Sơn, hát ví, ví ống xã Liên Chung… Tất cả là nguồn tiềm năng nhân văn to lớn cho phát triển các loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, nghiên cứu lịch sử…

Sau chuyến đi điền dã, Trung tâm VHTT đã xây dựng 3 tour du lịch nội huyện trong ngày, mỗi tour thăm 4 - 5 điểm di tích. Từ tháng 10/2014, chương trình du lịch về nguồn ở Tân Yên chính thức khởi động, mở ra triển vọng mới cho phát triển du lịch, giáo dục truyền thống địa phương. Chương trình này cũng nằm trong Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2016 của huyện Tân Yên. Theo Giám đốc Trung tâm VHTT Nguyễn Huy Ngọc, hơn một năm qua Trung tâm đã tổ chức 20 đoàn, đối tượng đầu tiên chính là đội ngũ giáo viên, học sinh các nhà trường tham gia vào các tour du lịch nội huyện, giới thiệu các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa. Nhiều trường THCS, tiểu học tổ chức cho học sinh du lịch gắn với học ngoại khóa, ôn tập địa lý, lịch sử địa phương…




Chợ mùng 02 Cao Thượng - điểm đến của nhiều du khách.
Du lịch trải nghiệm

Không chỉ dừng lại ở các tour du lịch về nguồn, là huyện nông nghiệp Tân Yên có những lợi thế riêng để phát triển du lịch trải nghiệm và chương trình này cũng đã được Trung tâm VHTT, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện để mắt đến. Theo khảo sát sơ bộ, Tân Yên có 3 làng nghề truyền thống là chổi tre Đông Am Vàng, chổi chít Nội Hạc xã Việt Lập, làng mỳ Châu Sơn xã Ngọc Châu. 7 làng thủy sản, vùng vải sớm Phúc Hòa, làng vú sữa Hợp Đức. Thêm vào đó trên địa bàn có một số đơn vị bộ đội, Trường Trung cấp Biên phòng I đứng chân. Khai thác những lợi thế này, Tân Yên đã tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, như: Trải nghiệm quân ngũ, giới thiệu truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, hướng dẫn điều lệnh, đội ngũ…




Lễ kết nạp đoàn tại Khu di tích lăng quận công Giáp Đăng Luân xã Việt Lập.

Chương trình một ngày làm nông dân, các em học sinh được giới thiệu và trực tiếp tham gia vào các hoạt động hàng ngày của người nông dân như: Chăm sóc và cỏ lúa, lạc… Những hoạt động sôi nổi trong một ngày trải nghiệm góp phần giúp các bạn nhỏ rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và đặc biệt là có thêm vốn kiến thức nhà nông. Tăng thêm tính hấp dẫn, góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng tham gia tour du lịch, Trung tâm VHTT huyện Tân Yên đã tiến thêm một bước, đó là tìm hiểu vốn văn hóa của các huyện lân cận, như Việt Yên, Yên Dũng từ đó tổ chức cho học sinh tham quan. Mở các tour dài hơi hơn khi đưa các em về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Văn miếu Quốc tử Giám… Tất các các chương trình này đều dựa vào sự đóng góp của cộng đồng và xã hội hóa.



Điền dã khảo sát tour du lịch năm 2012.

Từ bức tranh tự nhiên - xã hội của huyện Tân Yên, cho thấy nguồn lực du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, tiềm năng du lịch tâm linh khá phong phú. Tân Yên cũng đã khởi động chương trình du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm qua đó giúp cho nhiều người được biết về lịch sử văn hóa của quê hương, khơi dậy và giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ. Tất nhiên, để có những tour du lịch hấp dẫn tại đây còn cần có cả đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, các loại hình dịch vụ đi kèm như nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí... đây cũng là điều ở Tân Yên còn khiêm tốn. Nói như Giám đốc Trung tâm VHTT Nguyễn Huy Ngọc: Tân Yên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và có bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, để các tour du lịch tổ chức tại đây hay và hấp dẫn hơn, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm.  

(Theo Làng Việt Online)

CHÂU GIANG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-lich-tan-yen-nhung-buoc-di-dau-tien-a5358.html