30/03/2016 15:39
30/03/2016 15:39
Dấu xưa Bình Sơn
Tháp Bình Sơn hiện nằm tại chùa Then (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), là di tích đất nung độc đáo có từ thời Lý – Trần, vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Hoa văn trên tháp
Tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh (hay còn gọi là tháp Then) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII-XIV, là một công trình kiến trúc độc đáo cả về kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật và kỹ thuật xây dựng. Tháp trước đây có 15 tầng, theo người dân địa phương, trên nóc tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở, tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao; được xây dựng bằng khoảng 13.000 viên gạch đất nung. Trải qua thời gian, tác động của thiên nhiên và các lần tu bổ (gần đây nhất là tháng 5/1972), hiện còn 11 tầng tháp và một tầng bệ tháp.Tháp hiện cao 14,70m, chân tháp rộng 4,40m, ngọn tháp rộng khoảng 1,50m; trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp lên đến ngọn.
Tháp Bình Sơn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị mỹ thuật cao. Trên mỗi viên gạch được khắc rất nhiều hoa văn trang trí tinh xảo khác nhau, những kiểu cách họa tiết phong phú tùy theo vị trí mỗi tầng mà thiết kế đồ án trang trí từng mặt tháp khác nhau; từ tầng hai trở xuống, tháp được trang trí nhiều và đẹp hơn với các họa tiết hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi…, càng lên cao thì hình trang trí càng thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn. Tuổi đời tháp đã gần 800 năm nhưng màu gạch nay vẫn không thay đổi nhiều, chứng tỏ tay nghề của những người thợ xưa rất tài hoa. Tháp được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật nguyên vẹn nhất trong số những tháp cổ của nước ta còn tồn tại đến ngày nay và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến nay.

Giếng cổ với truyền thuyết thú vị
Trong kiến trúc truyền thống, chùa và tháp là hai thành phần không thể tách rời, mà luôn có sự liên kết với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc. Cách tháp hiện tại chừng hơn 50m là ngôi chùa cổ được xây dựng theo lối kiến trúc “tiền đinh hậu nhất”; hiện một ngôi chùa đang được đầu tư xây mới ngay bên cạnh chùa cổ với kiến trúc khá ấn tượng. Tạo thế chân vạc với tháp và chùa cổ trong khuôn viên đó còn có một giếng cổ với truyền thuyết khá thú vị.Cả quần thể đã tạo nên một niềm tự hào của người dân huyện Sông Lô, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam.
(Theo Báo Du Lịch)
PHƯỚC HÀ
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dau-xua-binh-son-a5336.html