Nghệ sĩ cải lương Hoàng Tùng: Vai diễn hay nhất vẫn đang ở phía trước

Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, cũng đã đạt được những giải thưởng quan trọng nhưng chưa lúc nào nghệ sĩ cải lương Hoàng Tùng thôi đau đáu về những vai diễn của mình, bởi anh quan niệm “vai diễn hay nhất vẫn đang ở phía trước”.

Đến với cải lương vì… thi trượt đại học

Nếu như trong đời có một chữ “Duyên” thì với nghệ sĩ Hoàng Tùng, con đường đến với nghệ thuật cải lương đúng là như thế. Đang phơi phới nhiệt huyết và hoài bão của tuổi trẻ với “giấc mơ” trở thành thầy giáo dạy văn, Hoàng Tùng bất ngờ trượt đại học vì thiếu nửa điểm. Trong lúc buồn bã, tình cờ đọc được mẩu tin tuyển sinh diễn viên cải lương, thế là nộp hồ sơ mặc dù lúc này chàng trai 18 tuổi vẫn chưa biết một câu cải lương nào.

Có lẽ cũng là do cơ duyên, do cái nghiệp của mình, Hoàng Tùng đã thi đậu. “Kỷ niệm vui nhất không thể quên được là lúc tôi được tuyển vào nhà hát. Ông cụ thân sinh vui lắm, cầm giấy báo điểm của con đi khoe khắp xóm. Ông cụ đi bộ từ phố Phùng Hưng đến tận Nhà hát (phố Hồng Mai) để xem con thi. Đó là nguồn động viên mà tôi không thể diễn tả thành lời. Lúc ấy trong mắt gia đình tôi đã thành một nghệ sĩ cải lương tương lai, thành niềm tự hào của bố”, Hoàng Tùng chia sẻ.




Nghệ sĩ cải lương Hoàng Tùng. Ảnh: NVCC

Suốt quá trình học, vui có, buồn có, khó khăn cũng không ít vì lớp có những người là “con nhà nòi” trong khi Hoàng Tùng chỉ có chút vốn liếng thanh nhạc từng được học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. May mắn được trời phú cho khả năng nắm bắt nhanh cộng với quyết tâm trở thành một diễn viên “đạt cả thanh lẫn sắc”, Hoàng Tùng đã nhanh chóng thích nghi và chăm chỉ luyện tập. Ngoài thời gian trên lớp với sự hướng dẫn của các thầy cô: Nguyễn Lân, Văn Vĩnh, Lâm Thanh và đặc biệt là NSƯT Kim Sinh - một trong những tên tuổi “gạo cội” của cải lương phía Bắc lúc đó, Hoàng Tùng còn xin thêm các băng tư liệu về tập nghe và luyện cách nhả chữ thật mùi mẫn và truyền cảm.

Không có vai diễn nhỏ

Kết thúc khoá học, Hoàng Tùng được giữ lại công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam. Tiếp tục là những tháng ngày kiên trì luyện tập theo phương châm “kiến tha lâu đầy tổ” cho đến năm 1988, lần đầu tiên Hoàng Tùng được tham gia Cuộc thi “Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc” tại Đà Nẵng. “Năm đó tôi đạt giải triển vọng. Khỏi phải nói tôi vui sướng như thế nào, bởi giải thưởng đó có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với tôi”, Hoàng Tùng bộc bạch.

Hơn 20 năm theo đuổi đam mê, sống chết với cải lương, Hoàng Tùng đã trải qua nhiều vai diễn, trong đó có khá nhiều vai vua chúa, đến mức không ít bạn bè, đồng nghiệp còn trêu đùa rằng, Hoàng Tùng có “mệnh đế vương”. Chia sẻ về điều này, Hoàng Tùng cho biết, được hoá thân vào các nhân vật lịch sử lừng danh của dân tộc luôn là niềm tự hào của biết bao thế hệ diễn viên. Bên cạnh niềm vui, tự hào, đó cũng là áp lực, cái khó của diễn viên, phải làm sao lột tả được cái thần thái, cái hồn của nhân vật lịch sử. Và điều này không hề đơn giản nếu như không chịu đọc, không tìm hiểu lịch sử.




Hoàng Tùng trong vở diễn Mai Hắc Đế. Ảnh: NVCC

Với quan điểm “không có vai diễn nhỏ”, Hoàng Tùng luôn cháy hết mình trong từng vai diễn cho dù đó là bậc quân vương hay chỉ là một “chàng lính” đi qua sân khấu. Với anh, chỉ cần được làm nghề, được diễn trước khán giả thì bất kể vai chính vai phụ anh cũng không từ chối. Đó mới là người diễn viên đúng nghĩa. Cũng chính vì điều này mà khi phân vai cho Hoàng Tùng thì lãnh đạo và anh em trong Nhà hát đều rất yên tâm.

Bên cạnh đó, qua mỗi vai diễn, Hoàng Tùng đều tự chắt lọc và tổng kết cho mình những kinh nghiệm. Những vai diễn “đọng lại” của anh trong suốt nghiệp diễn đến nay như: Lê Quyết (vở Trời Nam), Trình Anh (vở Con côi họ Triệu), Đinh Thế (vở Mai Hắc Đế) hay mới nhất là các vai trong vở diễn “Hừng Đông”, Hoàng Tùng đều thể hiện một cách nổi bật sự dung dị và tinh thần kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng của các nhân vật. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh đất nước ta hiện nay!

Cả đời đi tìm “chỗ đứng” cho cải lương

Đã có một giai đoạn, cải lương khá thịnh hành, nghệ sĩ cải lương được hâm mộ và chào đón nhiệt tình hơn hẳn những ca sĩ nhạc trẻ bây giờ. Nhưng ngày ấy đã xa rồi. Và cải lương bây giờ cũng giống như các loại hình sân khấu truyền thống khác đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nói về sự thưa vắng của khán giả khi đến rạp, dù vẫn có chút chạnh lòng nhưng Hoàng Tùng luôn lạc quan rằng đó không phải là sự quay lưng của khán giả, mà chỉ là chưa dành sự quan tâm đúng mức cho cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật khác. Ở một khía cạnh khác, Hoàng Tùng cũng cho rằng, đó là do tâm lý “ăn xổi ở thì” của cơ chế thị trường, do vậy phần đông khán giả chưa thực sự yên tâm ngồi theo dõi một vở cải lương mà thôi.

Trăn trở thì vẫn là trăn trở. Có những câu hỏi vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Nhưng với Hoàng Tùng, để sân khấu cải lương nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung tìm lại được đúng vị trí của nó trong đời sống nghệ thuật cũng như chỗ đứng trong lòng khán giả, hơn ai hết mỗi nghệ sĩ phải luôn nỗ lực hoàn thiện mình, luôn yêu nghề, say nghề, hết lòng với nghề. Và chính bản thân Hoàng Tùng cũng vậy, không chỉ trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam, anh tham gia biểu diễn ở khắp nơi, tìm mọi cách để đưa cải lương đến với khán giả, thậm chí còn ra cả CD… Và cũng như bao nghệ sĩ khác, Hoàng Tùng luôn hy vọng được dựng vở nhiều hơn và khán giả sẽ ủng hộ nhiều hơn.

Làm nghệ thuật là phải phấn đấu cả đời! Một mùa xuân nữa lại về. Và với Hoàng Tùng, “vai diễn hay nhất vẫn đang ở phía trước!”.

(Theo Làng Việt Online)

SONG NGUYÊN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-si-cai-luong-hoang-tung-vai-dien-hay-nhat-van-dang-o-phia-truoc-a5291.html