Văn Miếu Mao Điền xứ Đông

Văn Miếu Mao Ðiền (Hải Dương) là văn miếu lớn thứ hai, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Mỗi năm, vào dịp lễ hội tháng 2 âm lịch, nhân dân đều tới đây để dâng hương, lễ chữ, bày tỏ lòng thành kính với các danh nhân của đất nước.



Cảnh quan Văn Miếu Mao Điền

Văn Miếu Mao Ðiền nguyên là Văn Miếu trấn Hải Dương xưa, thuộc xã Cẩm Ðiền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Sách xưa ghi lại, vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV), văn miếu được đặt tại xã Vĩnh Lại, huyện Ðường An, Phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang) để tổ chức trường thi lựa chọn hiền tài cho đất nước. Còn cách đó không xa là trường thi Hương, đặt tại đất Mao Ðiền.

Trải qua thay đổi của lịch sử dưới thời phong kiến, đến thời Tây Sơn (thế kỷ XVII - XIX), toàn bộ việc thi cử được chuyển về trường thi Hương - chính là Văn Miếu Mao Ðiền ngày nay để thuận tiện trong việc quản lý.Tương truyền, toàn bộ trường thi ngày đó rộng tới cả 10 mẫu, để thí sinh các nơi về đây dùi mài kinh sử, đợi ngày “vượt vũ môn hóa rồng”.Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sĩ Nho học đứng đầu cả nước.

Sự tàn phá của chiến tranh và thời gian đã khiến Văn Miếu Mao Ðiền bị xuống cấp nghiêm trọng. Bà con nhân dân đã cùng chính quyền địa phương trùng tu, tôn tạo. Năm 1992, di tích này được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Ðến nay, cảnh quan của Văn Miếu Mao Ðiền đã hoàn thiện, trở thành một điểm di tích, du lịch thu hút du khách khi về Hải Dương.




Thuyết minh viên giới thiệu về chiếc khánh đá tại Văn Miếu Mao Điền

Theo bước chân của những người hướng dẫn viên trong trang phục cử nhân, du khách qua tam quan - được lấy nguyên mẫu mô hình của tam quan Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).Cổng chính thiết kế hai tầng, tám mái, rồng, phượng cách điệu, ba cửa vòm nhỏ phía trên, một cửa vòm lớn phía dưới. Theo lối vào, du khách sẽ thấy giếng Thiên Quang nằm cạnh lối đi, bên đó là cây cầu đá trạm khắc tứ quý, tứ linh để dẫn vào khu vực bên trong Văn Miếu.

Cạnh giếng Thiên Quang là cây gạo cổ thụ được trồng từ năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) - thời điểm tái thiết trấn Văn Miếu Hải Dương tại Mao Ðiền vẫn xanh tốt. Ðứng tại đây có thể thấy một phần không gian kiến trúc của Văn Miếu Mao Ðiền, với gác chuông, gác trống, tháp bút, đài nghiên, bái đường, hậu cung, giải vũ (tây vu, đông vu), nhà Khải Thánh (nơi thờ thân phụ, thân mẫu Khổng Tử).

Bước vào khu vực bái đường, chính giữa đặt bàn thờ đặt lư hương cổ bằng đá. Cạnh đó, chiếc khánh đá có niên đại từ thời Tây Sơn, đôi đầu tường treo bảng ghi tên các vị tiến sĩ trấn Hải Dương xưa để tôn vinh tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người xưa. Ðúng với truyền thống Nho học, khu vực hậu cung dành vị trí trang nghiêm nhất để thờ Khổng Tử. Bên cạnh đó, nơi đây còn thờ 8 vị đại khoa của Việt Nam như Chu Văn An, Mạc Ðĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh, Vũ Hữu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.

Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ hội tại Văn Miếu Mao Điền để tôn vinh sự học. Những nghi lễ xưa được tái hiện lại, trong đó có màn lễ chữ, các hoạt động cho chữ, cờ người, biểu diễn thư pháp, các trò chơi dân gian như chọi gà, bịt mắt bắt dê… thu hút sự tham gia của nhân dân và du khách. Các em học sinh cũng có thể tham gia các cuộc thi như thi vở sạch, chữ đẹp, tìm hiểu về lịch sử văn hiến của quê hương, tìm hiểu về các bậc hiền tài của đất nước để nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo.

Ngày nay, du khách đến đây sẽ được giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của những bậc hiền tài có công với đất nước cũng như những di sản quý giá mà tiền nhân để lại cho muôn đời. Để tái hiện lại cảnh trường thi xưa, du khách có thể tới gác chuông, gác trống để nghe lại tiếng chuông, tiếng trống, tới nơi cất giữ những cổ vật đèn sách, những áng văn chương của danh nhân, hiểu thêm về những giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất hiếu học này.

(Theo Báo Du Lịch)

NGUYỄN HƯƠNG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/van-mieu-mao-dien-xu-dong-a5267.html