Bên trong một căn nhà trong xóm ổ chuột
Sống trong nhà đợi… sập
Tháng 10/2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chi 1300 tỷ đồng để trùng tu kinh thành Huế, tập trung khu vực thành ngoài. Tuy nhiên đến nay hơn 1.000 hộ dân trong diện giải tỏa vẫn chưa thể di dời được.
Khu vực thượng thành và Eo Bầu thuộc phường Thuận Lộc và phường Thuận Thành có khoảng 1000 hộ nhưng phần lớn các hộ dân đều sống trong những ngôi nhà tạm, lợp tôn thâng vách gỗ, lụp xụp và xiêu vẹo, có thể sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Những ngôi nhà trong khu vực thành ngoài (bao gồm cả khu thượng thành và Eo Bầu) được xây dựng từ cách đây hơn 20 năm, có nhà đã tồn tại đến 80 năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi căn nhà ở đây có diện tích khoảng từ 16m2 đến 20m2. Tuy diện tích nhỏ nhưng đó lại là nơi ở, sinh hoạt, nấu ăn và thậm chí cả tắm giặt của mỗi hộ gia đình.
Ông Hoàng Trọng Cột sống ở khu vực thượng thành cho biết: “Nhà tui chỉ có 16m2 nhưng trong giấy tờ ghi là 18m2, căn nhà ni tui làm từ khi về đây sống đến chừ, hiện tại cũng được 20 năm. Lúc trước xây chỉ lấy ván rồi dựng đại rồi vào ở, bây giờ nó xuống cấp rồi nên mùa mưa bão cứ như ngồi trên đống lửa vì chẳng biết nó… sập khi mô”.
Theo ông Trần Văn Cẩm, tổ trưởng tổ dân phố 14 - phường Thuận Lộc thì các hộ dân ở đây phần lớn chỉ là làm việc phổ thông như bán vé số, đạp xích lô, phụ hồ… nên việc cải tạo lại nhà cửa là điều rất khó. Mặt khác do nằm trong diện giải tỏa và trung tu kinh thành nên dù có tiền cũng không thể sửa được. Cứ thế ngày này qua ngày khác những hộ dân này cứ tiếp tục sống trong các ngôi nhà ổ chuột như vậy.
Sửa không được… ở cũng không xong!
Khu vực thượng thành (bao gồm Eo Bầu) dài khoảng hơn 10 km, đi qua hai phường Thuận Lộc và Thuận Thành, với khoảng 1.000 hộ dân. Riêng phường Thuận Lộc đã có đến 350 hộ thuộc các tổ dân phố 14, 17, 19 thuộc khu vực 7.
Tất cả các hộ đều đang ở trong hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi mà không thể sửa nhà nhưng cũng không thể đến nơi ở mới được. Giải thích cho điều này, ông Cẩm tổ trưởng tổ dân phố 14 cho biết: Năm 201, UBND tỉnh đưa xuống dự án cải tạo khu ngoại thành, chủ yếu là khu vực Eo Bầu này, nhưng chưa giải phóng mặt bằng cũng như giải tỏa dân ở đây được, dân ai cũng muốn sửa nhà nhưng không được phép, có sửa thì chỉ lại tô trét lại cho đỡ dột vào mùa mưa. Có những hộ đã được cấp thẻ đỏ rồi mà cũng không sửa lại được, cũng có những hộ đã sửa rồi nhưng bị cưởng chế nên phải dừng lại.
Ông Nguyễn Ngọc Ân sống ở khu vực thượng thành nói: “Hè vừa rồi nhà tui có mua vật liệu về để sửa lại căn nhà, nhưng chưa kịp sửa thì lại bị ngăn lại do nằm trong diện giải tỏa, rứa là phải dừng lại, chừ mưa bảo tới tui chẳng biết làm răng”.
Việc không tu sửa được nhà cửa đã dẫn đến việc khu ổ chuột ngày càng mở rộng ra, đặc biệt là khu vực thượng thành, có những hộ do không có đất xây nhà phải ngăn nhỏ căn nhà chỉ 16m2 ra để ở. Nhà cửa xập xệ, san sát nhau. Không có nhà vệ sinh nên phần lớn các khu vực này phải đi vệ sinh ngay… ngoài trời hoặc phóng uế xuống sông Đông Ba ngay gần đó.
Ông Cẩn sống trên thượng thành nói như đùa: “Nhà tui 18m2, mà ở đến 7 người. Con trai tui năm ni 21 tuổi mà không giám yêu ai, cũng không giám dẫn ai về nhà vì nhà quá chật chội, lại nhớp nữa. Sau ni hắn mà lấy vợ tui cũng không biết là cho con mình ở mô đây nữa”.
Mùa mưa bão đến, các hộ dân ở đây phải chịu cảnh “sống trong sợ hãi” vì những căn nhà này không đủ sức để chống lại sức gió. Mỗi lần như vậy chính quyền địa phương lại di dời dân ở khu thượng thành xuống Eo Bầu hoặc vào trú ẩn tại trường tiểu học Thuận Lộc.
Kinh thành Huế là một trong những di sản thế giới được UNESSCO công nhận, đây là một tập hợp các giá trị về vật chất và tinh thần mà chính những người dân sống ở khu vực này đang bảo tồn. Tưởng rằng việc cải tạo và trùng tu sẽ đem lại lợi ích cho những hộ dân sống tại đây nhưng trái lại nó đang làm cuộc sống của các hộ dân càng khó khăn hơn, phải sống thấp thỏm trong những căn nhà xập xệ. Người dân ở đây luôn khao khát có một căn nhà vẫn chắc để che mưa che nắng, nhưng với dự án trễ kéo dài thì không biết khi nào ước muốn của người dân mới thực hiện được.
Trương Duy