Lãnh đạo huyện Diễn Châu trao Bằng chứng nhận - Ảnh: PV
Từ một vùng quê chiêm trũng, thuần nông chịu ảnh hưởng thiên tai lũ lụt thường xuyên, song từ trong khó khăn vất vả ấy đã tạo cho con người nơi đây nghị lực, ý chí, một quyết tâm vươn lên học tập đỗ đạt cao. Đã có hơn 60 hương cống, cử nhân, hơn 100 tú tài của thời kỳ pháp thuộc và hơn 20 tiến sỹ, phó tiến sỹ, thạc sỹ của 2 xã Thắng Minh trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội là một minh chứng hùng hồn cho truyền thống hiếu học.
Hòa bình lập lại, để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, năm học 1957 - 1958 trường cấp II Diễn Thắng được thành lập, ngôi trường tọa lạc trên khu vực đồng Đội Độ. Năm học 1962 - 1963 trường cấp II Diễn Minh được thành lập, ngôi trường được đóng dưới chân Lèn Hồ Lĩnh. Tuy nhà trường ngày đó còn hoang sơ nhưng đã đạt được nhiều thành công trong công tác giáo dục của hai xã.
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, các công trình trọng điểm, các cơ sở của nhà nước và địa phương xã Diễn Thắng và Diễn Minh thường xuyên bị ném bom bắn phá. Để giữ vững chất lượng giáo dục, để an toàn cho học sinh, các nhà trường không còn học tập trung mà phải chia lớp về các xóm, các thôn, các lớp học được dựng dưới các lũy tre làng với các mái tranh thô sơ, bao quanh bằng lũy đất. Nhiều lớp học phải tổ chức vào ban đêm. Những cuộc ném bom điên cuồng, thảm khốc của đế quốc Mỹ vào Chợ Lèn và trên thuyến đường số 7 năm nào vẫn còn để lại bao đau thương cho con người nơi đây, thế nhưng phong trào và chất lượng giáo dục vẫn giữ vững, mũ rơm, vành lá ngụy trang, bút lá tre và lọ mực Cửu Long vẫn cùng các bạn học sinh tới trường... Phong trào thi đua “Tiếng trống Bắc Lí” thời bấy giờ vẫn cứ ngân vang, thi đua “dạy tốt, học tốt” đã góp phần tô đẹp truyền thống vẻ vang của nhà trường. Cũng từ các mái trường này, biến căm thù thành hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ”Tất cả cho tiền tuyến”. nhiều học sinh đã gác lại bút nghiên lên đường nhập ngũ, nhiều bạn đã để lại phần máu xương, thể xác của mình vì miền Nam thân yêu. Với hơn 150 người con quê hương Thắng Minh đã ngã xuống trên chiến trường Miền Nam.
Ngày 27/1/1973 Hiệp định Pa ri được ký kết, đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh leo thang miền Bắc, bình yên được trở về với mỗi ngôi trường. Trường Phổ thông cơ sở Diễn Thắng, Diễn Minh được nhân dân, chính quyền địa phương tu sửa và nâng cấp. Một không khí học tập sôi nổi lại được khơi dậy như xưa. Kết quả là nhiều năm liền nhà Trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, đặc biệt Trường cấp 2 Diễn Minh được công nhận là đơn vị nhiều năm liên tiếp có “Tổ đội lao động XHCN” là lá cờ đầu về giáo dục ở miền Bắc và được Bộ Giáo dục tặng thưởng cờ Luân lưu của ngành.
Năm học 1991 -1992 thực hiện chiến lược giáo dục các trường PTCS được tách riêng thành trường Tiểu học và trường THCS. THCS Diễn Thắng và Diễn Minh được sáp nhập với trường cấp 3 vừa làm vừa học Diễn Thắng và với tên gọi là trường cấp 2 - 3 Minh Châu.
Các thế hệ giáo viên và lãnh đạo nhà trường chụp ảnh lưu niệm
Nhớ lại một thời khi điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, nhân dân hai xã, các bậc phụ huynh, các em học sinh trường. Vừa làm, vừa học đã góp từng cây tre, từng bó lá, đốt lò, nung vôi để dựng nên các lớp học. Nhiều năm bão tố, thiên tai đã tàn phá, đặc biệt là cơn bão số 5 năm 1989 đã gần như xóa sổ cơ sở vật chất của nhà trường. Tập thể thầy cô và các em học sinh lại thi đua lao động nung từng viên gạch, từng viên ngói, tạo dựng lại ngôi trường. Cố Bộ trưởng Đổng Sỹ Nguyên đã dành tình cảm đặc biệt trước thảm cảnh của nhà trường trong chuyến đi thực tế sau bão đã cho phép địa phương xây dựng một nhà gồm 6 lớp học, văn phòng. Giờ đây dãy lớp học ấy đang được đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả.
Năm 1996 - 1997 Trường cấp II - III Minh Châu lần lượt tách thành ba trường lấy tên là THCS Diễn Bình (1996), THCS Diễn Minh (1997) và THCS Diễn Thắng (THCS Diễn Thắng và khối cấp III tọa lạc tại chỗ, đến năm 1999 cấp III giải thể, toàn bộ trở thành cơ sở vật chất của Trường THCS Diễn Thắng).
Mười năm sau tách trường số học sinh ở Trường THCS Diễn Thắng và Diễn Minh ngày càng giảm đi, trong khi đó yêu cầu đổi mới giáo dục THCS trở nên cấp thiết đòi hỏi các Trường THCS phải xây dựng, phát triển thành những cơ sở giáo dục lớn mạnh về chất lượng, về cơ sở vật chất - thiết bị, số lượng học sinh, đặc biệt đội ngũ giáo viên phải đủ và đạt chuẩn. Đáp ứng yêu cầu đó tháng 8 - 2007 Trường THCS Diễn Thắng và THCS Diễn Minh sáp nhập trở lại với tên gọi là Trường THCS Thắng Minh.
Học sinh cũ nhà trường về dự lễ và phát biểu cảm nghĩ
Ca sỹ Thanh Hải - Đoàn nghệ thuật Quân khu 4, là học sinh cũ về tham dự lễ và hát mừng nhà trường
Như vậy Trường THCS Thắng - Minh ngày nay đã trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã có nhiều thành tích, cống hiến to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Các thế hệ cán bộ quản lí, giáo viên, công nhân viên chức và học sinh của Trường dù ở đâu, làm gì, bao giờ họ cũng nêu cao truyền thống hiếu học của quê hương anh hùng. Từ mái trường Thắng - Minh nhiều người đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, sĩ quan cao cấp, anh hùng lao động, thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, công nhân, nông dân tiêu biểu như: Anh Cao Đình Triều (Tiến sĩ vật lí địa cầu), anh Nguyễn Trung Thắng (Tiến sĩ dược học), anh Nguyễn Thế Tú (Tiến sĩ hàng không), chị Nguyễn Thị Vân (Tiến sĩ y học), anh Nguyễn Thế Phương (Tiến sĩ toán tin), chị Nguyễn Thị Lâm (Tiến sĩ Ngữ văn), anh Nguyễn Thế Trinh ( Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới), anh Cao Xuân Nhị, anh Nguyễn Danh Tiềm, anh Thái Duy Trinh (sĩ quan cao cấp của quân đội, công an nhân dân Việt Nam); anh Nguyễn Danh Soạn (Thạc sĩ khoa học môi trường), anh Nguyễn Nghĩa Văn (Thạc sĩ KHXH và Nhân Văn), chị Lờ Thị Thu (Thạc sĩ y học), chị Cao Thị Dung (Thạc sĩ nông học - giảng viên trường Đại học Vinh), anh Nguyễn Thế Nam (Thạc sĩ - Kỹ sư thuỷ lợi) người đã có cụm công trình ngăn sông, đập, trụ đỡ, đập xà lan; đạt xuất sắc về KHCN góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh,...
Với tổng số giáo viên trong trường là 39, trong đó có 37/39 giáo viên trên chuẩn chiếm 94,9%; giáo viên dạy giỏi huyện, tỉnh có 22/39 đạt 56,41%. Chất lượng giáo dục luôn ổn định và được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2013 – 2014 trường có 41 học sinh đạt học loại giỏi (11,82%), 116 học sinh đạt khá (33,43%), hạnh kiểm tốt khá chiếm 94,81%. Không có học sinh yếu kém. Cũng trong năm học này, trường có 54 học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh giỏi cấp tỉnh với 1 giải nhất, có 2 em đạt huy chương vàng hội khỏe Phù đổng toàn quốc. Năm học 2014 – 2015 trường có 46 em đạt học lực loại giỏi, 139 em đạt học lực khá, 40 học sinh đạt cấp huyện. Cảnh quan trường lớp giờ đây thực sự khang trang, tuy chưa được như một vườn hoa trong khu công viên nào đó, song nó cũng được xem như một ngôi trường đẹp của ngành giáo dục Diễn Châu. Các khối phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc được sự đầu tư của nhân dân 2 xã sự chăm chút của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh giờ đây khang trang, rộng rãi tương đối hiện đại, đáp ứng được yêu cầu dạy học tốt nhất.
Thế Thắng