Bản tình ca Trường Sa: Mỏi mắt chờ con (Kỳ 1)

26 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra sự kiện trên đảo Gạc Ma (14/3/1988) - ngày mà 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống dưới họng súng của quân xâm lược nhưng bản tình ca về Trường Sa dường như vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi trái tim người Việt.

 

Đặc biệt, đối với những người mẹ, người vợ của các anh, nỗi nhớ mong mòn mỏi, vô vọng dường như chưa một ngày nguôi ngoai. Trong số 64 liệt sỹ ngã xuống vì chủ quyền biển đảo có 8 người con ưu tú của mảnh đất Nghệ An.  

Chúng tôi tìm về Nghi Yên và Nghi Tiến thuộc huyện Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An vào một ngày đầu năm, khi ruộng lúa, vườn lạc đang xanh tươi mơn mởn. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa do Việt Xô Pê - tơ - rô trao tặng, ông Đậu Xuân Thuốt (92 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhơn (83 tuổi) - bố mẹ liệt sỹ Đậu Xuân Tư không ngăn nổi những giọt nước mắt. 

Sống với nhau đã trên 50 năm, ông bà sinh được 5 người con cả trai lẫn gái nhưng nay chỉ còn lại người con trai út. Hai người là liệt sỹ (ngoài anh Tư còn có anh Đậu Xuân Chân hy sinh tại mặt trận phía Nam), còn hai người khác mất do ốm đâu và tai nạn. 
 
Kể chuyện về anh Tư, bà Nhơn ngậm ngùi: “Nó là đứa con thứ 4 nên vợ chồng tôi đặt luôn tên Tư. Lúc còn nhỏ, cuộc sống gia đình vất vả, nghèo khó lắm. Thương bố mẹ, thằng Tư xin nghỉ học sớm để đỡ đần công việc gia đình. Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, nó lên đường nhập ngũ, nghe đâu đơn vị nó đóng tận ngoài Hải Phòng”. 
 
Trong những lá thư gửi về hỏi thăm bố mẹ và các anh, chị, em, anh Đậu Xuân Tư cho biết mình được bổ sung vào quân chủng Hải quân, thường xuyên huấn luyện và luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong đơn vị, anh được cấp trên và đồng đội yêu mến vì bản tính chân thành, cởi mở. Và anh phải cố gắng phấn đấu hết mình để sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ sẽ được chuyển lên quân nhân chuyên nghiệp. 
 
Bức thư cuối cùng anh Tư gửi ông Thuốt, bà Nhơn nhận được vào dịp đầu năm 1988, không phải do bưu tá chuyển về mà từ tay của một người ở cùng xã. Nội dung thư cho rằng: anh Đậu Xuân Tư sắp được đứng vào hàng ngũ Đảng, có khả năng được phục vụ lâu dài trong quân đội. Lần này,  anh được lệnh cơ động vào phía Nam sẵn sàng nhận nhiệm vụ. 
 
Thời gian gấp gáp, anh không thể thu xếp về thăm nhà, trên đường hành quân, anh tranh thủ ghi mấy dòng và chờ xe đi qua địa bàn xã Nghi Yên để thả xuống, mong ai đó nhặt được sẽ chuyển đến tay bố mẹ mình.  
 
“Suốt 3 năm trong quân ngũ, thằng Tư không về thăm gia đình lần nào, chỉ gửi về mấy bức thư thăm hỏi”, bà Nhơn nói trong nước mắt.
 
Mấy tháng sau, gia đình ông Thuốt như nghe tiếng sét đánh ngang tai khi hay tin anh Đậu Xuân Tư đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ông Thuốt trở nên đờ đẫn rồi ốm thập tử nhất sinh. Còn bà Nhơn khóc đến mức tưởng chừng như sẽ cạn hết nước mắt. Bà khóc vì thương đứa con trai của mình đã ngã xuống ngoài khơi xa, thân xác đang hòa mình vào mênh mông biển cả. 
 
Nỗi đau này quá lớn, gần như đã quá sức chịu đựng của một người mẹ, bởi trước đó một người con của bà đã hy sinh, hai người khác cũng đã chết vì tai nạn và đau ốm. Tưởng chừng sẽ quỵ ngã, nhưng rồi thương chồng đang đau ốm, con trai út là Đậu Xuân Chương đang nhỏ dại, bà Nhơn phải gượng lên. 
 
Nỗi đau của người mẹ mất con dồn nén và đọng thành những giọt nước mắt theo từng năm tháng, và do khóc nhiều nên đôi mắt bà Nhơn đã lòa dần. Đến nay, sau hơn ¼ thế kỷ, đôi mắt người mẹ đã không còn nhận diện được nguồn ánh sáng...
 
Về cuối đời, nỗi đau của ông Thuốt, bà Nhơn phần nào được an ủi và vơi đi chút ít khi vào năm 2009, gia đình nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sỹ. Trong đó có đoạn: “Ngày 10/8/2008 Quân chủng Hải quân phát hiện một xác tàu vận tải quân sự bị đắm ở khu vực quần đảo Trường Sa chìm ở độ sâu 21m, cách phía Nam đảo Cô lin của ta 3,72 hải lý và cách phía Tây đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm giữ trái phép 1 hải lý. 
 
Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận định xác tàu vận tải quân sự bị đắm nói trên là tàu HQ-604 của lữ đoàn 125 Hải quân đã bị chìm trong cuộc chiến đấu với Hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. 
 
Trong đó có tổng số 56 liệt sỹ hi sinh trên tàu HQ-604 khi tàu bị chìm chưa kịp thoát ra ngoài nên hài cốt còn lại trong tàu...”. Và biên bản giám định kết luận: “Từ kết quả giám định hình thái và giám định Gen, chúng tôi đi tới kết luận: Các mẫu xương mang ký hiệu S3, TL2 là hài cốt của liệt sỹ Đậu Xuân Tư”.  
 
Kỳ II: Niềm thương con… hóa đá
 
Thái Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ban-tinh-ca-truong-sa-moi-mat-cho-con-ky-1-a5202.html