Theo thông tin trên báo Công an TP.HCM, UBND tỉnh Kon Tum vừa chính thức công bố thiên tai hạn hán trên địa bàn tỉnh với cấp độ rủi ro thuộc cấp độ 1. Đây là tỉnh thứ 2 ở Tây Nguyên công bố thiên tai sau Gia Lai.
Theo tổng hợp tình hình hạn hán sản xuất và thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích sản xuất vụ Đông Xuân bị hạn, thiếu nước là 1.192,69 ha (trong đó, diện tích lúa là 104,51ha; cà phê, rau màu là 336,20ha;….).
Lúa nước và cây cà phê có diện tích bị ảnh hưởng do hạn nghiêm trọng nhất - Ảnh CAO
Về nước sinh hoạt, có 4 công trình nước tự chảy bị khô hạn, thiếu nước; 3.775 giếng nước bị khô hạn thiếu nước; 3.937 hộ dân bị ảnh hưởng.
Về nguy cơ cháy rừng: Tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên 968.960,6 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 780.736 ha (diện tích đất có rừng 604.258 ha, diện tích đất lâm nghiệp không có rừng 176.478 ha) phân bố trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Diện tích rừng dễ cháy toàn tỉnh là 159.757,1 ha (chiếm 26,4% đất có rừng).
Trước tình hình đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm: Triển khai các biện pháp phòng, chống hạn trên địa bàn; chủ động sử dụng ngân sách của các đơn vị để chống hạn, bơm tưới cho cây trồng; áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị hạn hán; báo cáo tình hình hạn hán, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và đề xuất hỗ trợ chống hạn, cứu đói, khôi phục sản xuất vùng bị ảnh hưởng.
Không chỉ ở Kon Tun mà hầu hết các tỉnh Tây Nguyên mới vừa bước vào mùa khô nhưng phần lớn sông suối, ao hồ đã cạn trơ đáy. Người dân nơi đây đang phải quay cuồng tìm nước để sinh hoạt và cứu cây trồng, vật nuôi.
Theo SGGP, tại xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), hạn hán đã làm các công trình nước tự chảy ở các làng H’vắt 1, H’vắt 2, Hu Răng 1 , Hu Răng 2, Tung Keng 1, Tung Keng 2 và Gia Lâm ngưng chảy từ lâu, khiến hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.
Dân làng Hvét 1 (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ra suối Pết lấy nước về dùng. Ảnh SGGP
Xã Đạ M’rông (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cũng đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt. Khi hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt từ thượng nguồn về không ổn định, bà con nơi đây hàng ngày phải đi bộ nhiều km ra sông Krông Nô (tiếp giáp tỉnh Đắk Lắk) để gùi từng can nước về sử dụng. Nhưng hiện mực nước sông Krông Nô cũng xuống rất thấp, có nhiều đoạn người dân có thể dễ dàng lội qua. Những gia đình không gần các con sông, suối đành phải lựa chọn cách đào giếng sâu với hy vọng sẽ tìm được nguồn nước sử dụng cho qua mùa khô nhưng việc này tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Ông Nguyễn Văn Chính, Chánh Văn phòng UBND huyện Đam Rông, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền rộng rãi cho bà con, dù thiếu nước nhưng không nên sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Hiện cả huyện có khoảng 900 hộ đang thiếu nước sinh hoạt, tập trung nhiều nhất ở xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông”.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng hiện có 2.865ha lúa phải dừng sản xuất (Gia Lai 2.650ha, Đắk Nông 215ha), 5.800ha lúa đông xuân bị hạn (chiếm khoảng 8% diện tích gieo trồng) và gần 8.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến thời gian tới, diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới là 150.000ha (hơn 13.000ha lúa và hơn 136.000ha cây công nghiệp) và khoảng 34.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Quỳnh Trang (Tổng hợp)