Du lịch cộng đồng ở Lào Cai

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch cộng đồng từ rất sớm, Lào Cai là một trong những tỉnh đâu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Sa Pa với sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (1998) và Tổ chức bánh mỳ thế giới (2006).

Sau khi đi vào vận hành, hai mô hình này đã chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hoa bản địa. Trên cơ sở bài học thành công của mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước như: Tổ chức phát triển Hà Lan – SNV Việt Nam, Trường Đại học vùng Vancouver Canada, Viện đại học mở Hà Nội, Dự án EU, Tổ chức REACH nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng tại các huyện: Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát.


Du lịch cộng đồng cũng tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc Lào Cai. Tổ chức Craft Link đã hỗ trợ bà con dân tộc Dao (Tả Phìn) và Mông (San Sả Hồ) thuộc huyện Sa Pa phát triển Câu lạc bộ thổ cẩm, tạo việc làm cho gần 100 chị em dân tộc Mông và Dao. Tổ chức Lao động Thế giới cũng phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển nghề thông thôn Việt Nam hỗ trợ xây dựng 5 mô hình nghề thí điểm phục vụ du lịch tại Sa Pa  tạo việc làm trực tiếp cho trên 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với sự phá triển du lịch cộng đồng, nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn tại các nhà hàng như: Thắng cố, Xôi bảy màu, Lạp sườn, Tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc; các loại rượu và các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống...Lào Cai đã công nhận 12 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát đồng thời cấp phép cho trên 1000 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay) với mức thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch cộng đồng Lào Cai trong thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế: thiếu nguồn lực đầu tư phát triển du lịch tại cộng đồng; sản phẩm du lịch cộng đồng còn nghèo nàn và chưa hấp dẫn, các hô hình nghề thủ công truyền thống mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm, chưa được đầu tư nhân rộng; một số hoạt động du lịch đang làm biến dạng văn hóa truyền thống của các dân tộc; vấn đề xử lý rác thải, tại cộng đồng tại các điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường và phản cảm đối với du khách; hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng chưa đồng bộ (thiếu bãi đỗ xe, nhà vệ sinh cộng cộng và điểm dừng chân ngắm cảnh và địa điểm giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn du lịch, Nhà du lịch cộng đồng... ; người dân địa phương ít được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch cộng đồng; công tác quảng bá du lịch cộng đồng còn hạn chế...

Hi vọng với các hoạt động đầu tư và hỗ trợ tổng thể, đồng bộ và có trọng tâm - trọng điểm du lịch cộng đồng Lào Cai sẽ trở thành một loại hình ngành nghề không chỉ tôn vinh các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc Lào Cai, tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng mà còn trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách trong thời gian tới.

(Theo Báo Du Lịch)

HOÀNG THỊ VƯỢNG

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-lich-cong-dong-o-lao-cai-a5167.html