Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 10/3, Bộ VH, TT&DL đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL về công bố Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



Chợ nổi là nét văn hóa độc đáo

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ hoạt động tấp nập từ tờ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn nhỏ. Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là "cây bẹo".

Hằng ngày nơi đây có trên 500 ghe, tàu của người dân khắp nơi đến buôn bán kinh doanh, nhất là các mặt hàng nông sản, đặc sản miền Tây. Khách tham quan trong và ngoài nước ngày luôn quan tâm đến điểm du lịch này. Khu chợ gắn bó với văn hoá sông nước này là một trong những điểm du lịch nổi tiếng. 
 




Khách tham quan trên chợ nổi

Bên cạnh việc công nhân Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ VH,TT&DL cũng bổ sung thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này thuộc 4 loại hình gồm: Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Tiếng nói, chữ viết. 
 
Cụ thể gồm: Nghề thủ công tre trúc Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh); Lễ hội Nghinh Ông (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre); Lễ hội Cầu Ngư (TP. Đà Nẵng); Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng); Lễ hội Trương Định (thị xã Gò Công, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang); Chữ viết cổ của người Thái (tỉnh Sơn La); 

Theo Quyết định, Bộ VH, TT&DL yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
 
Công Quốc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cho-noi-cai-rang-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a5163.html