Về đến Đất Mũi Cà Mau với hình ảnh những cánh rừng đước, rừng mắm bạt ngàn như bất tận. Đây chính là môi trường lý tưởng cho ba khía trú ẩn, sinh sôi. Ba khía, một con vật có hình dạng giống như con cua đồng ở miền Tây Nam bộ. Chúng có đôi càng màu đỏ nâu và trên chiếc mai màu sẫm có ba gạch, vì thế dân gian kêu tên nó là con ba khía.
Con ba khía.
Những người dân miền quê Đồng bằng sông Cửu Long truyền miệng nhau rằng, chính ba khía vùng Rạch Gốc mới có nhiều và thịt cũng ngon hơn ba khía các vùng khác như ba khía Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hay vùng duyên hải Trà Vinh, ... Lí giải cho điều này, người dân quê cho rằng bởi ba khía nơi này ăn toàn trái mắm đen nên cho nhiều gạch son chắc, khi ăn có thể cảm nhận được mùi vị thơm của nó.
Trong những ngày trăng sáng, ba khía thường đeo bám vào những chạng đước hay thân mắm. Người ta chỉ cần cầm cây kẹp hoặc đeo bao tay là có thể bắt được chúng một cách dễ dàng bằng tay không.
Ba khía luộc cơm mẻ.
Bắt được con ba khía đem về, người ta thường bỏ vô những lu sành pha nước muối thật mặn để ướp làm mắm. Mắm ba khía ăn sống, trộn nước cốt chanh, tỏi, ớt ăn rất bắt cơm. Nhưng khi nói đến ba khía, những người lao động ở miền Tây Nam bộ còn có một cách chế biến khác, ăn ngay và hấp dẫn không kém: Món ba khía luộc cơm mẻ.
Chỉ cần chục con ba khía chà rửa sạch bùn cát, rọng trong thùng, thau, ... Bắc nồi nước sôi lên bếp, cho cơm mẻ vào hòa tan để lấy chất chua. Cuối cùng, đổ ụp ba khía đã rửa sạch vào. Sức nóng làm cho ba khía chín đỏ. Gắp ba khía luộc cơm mẻ ra đĩa, chấm những con ba khía này cũng bằng nước cơm mẻ pha với muối và sả bằm.
Bên nồi cơm gạo mới, cả nhà ngồi quây quần cùng xé những con ba khía luộc cơm mẻ ăn rất ngon lành. Ba khía luộc cơm mẻ cũng trở thành thứ mồi nhậu rất “bắt” cho những lão nông sau một ngày làm việc ngược xuôi, vất vả.
Ngày nay, ba khía luộc cơm mẻ đã trở thành thứ đặc sản, nó có mặt trong các nhà hàng sang trọng để làm tăng thêm hương vị đậm đà miền biển cho khách lữ hành trong những chuyến đi dã ngoại, ...
(Theo Dân Việt)