Và nhắc đến Bạch Thạch người ta lại nhớ:
“Ngái ngôi chi cũng mơ về rú Gám
Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh
Sông Dinh một thủa đôi bờ nhớ
Rú Gám ba tầng mấy dặm thương...
Bạch Thạch, nghĩa là đền thờ thần Đá Trắng, nằm ở lưng chừng núi Gám (thuộc xã Xuân Thành) nên người dân địa phương quen gọi là đền Gám. Núi Gám có tên gọi là núi Phượng Sơn, dãy núi giống như một con phượng hoàng đang vỗ cánh bay lên.
Được biết đền được xây dựng vào thời nhà Lý. Ngôi đền đã được nhân dân xã Xuân Thành gìn giữ và tôn tạo đến tận ngày nay. Đền nằm sâu trong vách núi, mặt đền hướng ra cánh đồng trải rộng tít tận đến bờ biển Diễn Châu. Năm 1990, bà con trong vùng đã góp sức tu sử và xây dựng 123 bậc từ chân núi lên đến sân ngoài của đền để tiện bề đi lại thắp hương trong những ngày lễ, Tết, sóc vọng.
Từ rú Gám nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông của huyện Yên Thành - Ảnh: Larry Phan
Huyền thoại về tình yêu
Trong nhiều truyền thuyết kể về ngôi đền, câu chuyện về đôi trai gái yêu nhau, một mối tình thủy chung trong sáng nhưng đầy huyền thoại là một trong những câu chuyện có lý, có tình nhất. Ở làng kẻ Găng (kẻ là nơi sinh sống của người Mường, hiện là thị trấn Yên Thành), có ông Hồ Thịnh tài cao học rộng, đậu đầu kì thi được điều về triều đình làm quan dạy học. Nhưng khi chứng kiến những nhiễu nhương diễn ra ở nơi cung cấm, ông xin cáo quan về quê dạy học.
Vợ ông là bà Thái Thị Bạch, ươm tơ dệt vải nổi tiếng trong vùng. Vợ chồng ông sinh được một người con gái đặt tên là Hồ Thái Thị Tuyết. Tuyết đẹp gái sáng dạ, cùng giúp mẹ dệt vải nuôi tằm.
Khi ông Thịnh được thăng quan, Tri phủ cấp về cho các làng mấy chục mẫu ruộng. Ngoài thợ cày thợ cấy, còn nhờ người chăn đàn trâu mấy chục con.
Mỗi lần lùa đàn trâu vào rừng thường bị hổ bắt, nên ông nghĩ phải tìm một thanh niên trai tráng khỏe mạnh rồi cho luyện võ đánh hổ. Được tin ở làng Kẻ Gám (xã Xuân Thành ngày nay) có một thanh niên tên là Thạch, con bà Hoàng Thị Bé, nhà nghèo nhưng tư chất thông minh, ý chí hơn người, cha mất khi lên 3, nay đã mười tám đôi mươi, ông cho người tìm đến thuê.
Thấy Thạch đẹp trai hiền lành, khỏe mạnh, con gái ông Thịnh rất cảm tình. Một hôm Thạch giã gạo một mình, Tuyết lén bố mẹ lân la đến trò chuyện. Tuyết rất bất ngờ vì Thạch thuộc làu Tam tự kinh và thứ thư ngũ kinh. Tuyết gạn hỏi, Thạch mới lộ ra rằng những lúc rảnh rỗi hoặc giã gạo đã trộm nghe bố Tuyết giảng bài.
Câu chuyện đến tai bà Bạch và ông Thịnh. Nhân ngày kị bố ông Thịnh, mọi người đều được nghỉ về dự lễ. Sau khi kết thúc bữa cơm chiều, ông Thịnh gọi Thạch vào phòng hỏi chuyện. Biết được Thạch là người ngoan ngoãn lễ phép lại thông minh ham học nên ông Thịnh đã thưởng cho Thạch mười quan tiền và nhận dạy chữ cho Thạch. Còn biết được Thạch là người ham học võ ông Thịnh đã mời thầy về nâng cao võ nghệ để Thạch chăn giữ đàn trâu tốt hơn.
Sau ba năm tu nghiệp đèn sách, võ nghệ, Thạnh trở thành một võ sỹ, lại có đươc con chữ. Tính tình Thạch hiền lành, khiêm tốn nên Tuyết đã đem lòng yêu thương.
Nhưng khi Tuyết tâm sự với mẹ rằng cô đã yêu Thạch, ông Thịnh biết được đã phản đối vì không môn đăng hộ đối. Bà Bạch khuyên ông cho con thành đôi, thành lứa nhưng ông Thịnh nhất quyết không đồng ý.
Biết Tuyết yêu thương mình nhưng không được bố mẹ đồng ý, Thạch ngậm ngùi, ngày đêm tơ tưởng rồi ngày đêm lén gặp Tuyết. Thế rồi vào đêm tết Trung nguyên, Tuyết và Thạch rủ nhau vào khe, nơi mà thường ngày Thạch đầm mình vừa bơi vừa luyện võ sau khi đàn trâu miệt mài gặm cỏ, để tỏ tình và trao cho nhau quả cấm.
Ngày hôm sau không thấy Thạch và Tuyết về, vợ chồng ông Thịnh hốt hoảng nhờ người tỏa đi tìm, gặp một người cho hay, đêm qua gặp Thạch và Tuyết tươi cười nắm tay nhau lội khe đi sâu vào rừng. Theo hướng đó mọi người đốt đuốc đi tìm nhưng vô vọng.
Hai năm sau người dân đi rừng xuống khe uống nước bắt gặp hai con rắn khổng lồ, quấn quýt bên nhau. Hay tin những tay thú rừng đã mang nỏ vào khe để triệt hạ đôi rắn. Nhưng kkhi dương cung, đôi rắn lao về phía núi đã biến mất.
Điều kì lạ là sau một đêm núi đá rêu xanh đã đổi thành màu trắng, từ đó được gọi tên là núi Bạch Thạch. Tiếc thương con, bà Bạch như điên như dại, mặc chiếc áo tang màu trắng, bất chấp nguy hiểm một mình vào rừng tìm con, từ đó không trở về nữa.
Ân hận tiếc thương vợ con, ông Thịnh đã quyết định xây hai ngôi đền để thờ con và vợ. Ngôi đền nằm ở phía Nam ngọn núi Phượng Sơn được đặt tên là đền Bạch Thạch, hàm ý mang tên Tuyết trắng, Thạch là tên chàng trai. Còn bà con ở đây gọi là đền Rú Gám. Ngôi đền thứ hai nằm ở phía bắc núi Phượng Sơn được đặt tên là đền Bạch Y, nghĩa là áo trắng, và cũng là hàm ý thờ bà Bạch mặc áo trắng đi tìm con.
Hội thi đánh trống trong lễ hội đền Gám - Ảnh: Larry Phan
Khu du lịch sinh thái tâm linh
Hằng năm đại lễ được tổ chức vào rằm tháng 2 ở chùa Gám, nhân dân đưa ngựa lên đền để rước các vị thần ở đền về chùa Gám. Còn rằm tháng 3 hằng năm là ngày giỗ các vị thần ở đây. Những ngày lễ này thường thu hút đông đảo khách thập phương và các phật tử về đây dự lễ. Hoặc vào dịp tết Nguyên Đán, mùng 5/5, rằm tháng 7, cũng như ngày rằm và mùng 1 hàng tháng là các dịp để nhân dân, du khách và các phật tử về đây dâng hương cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.
Rú Gám hiện có gần 150 ha thuộc rừng nguyên sinh đang được bảo tồn ở xã Xuân Thành (Yên Thành), có thảm thực vật đa dạng chung sống phân tầng rõ nét. Họ dương xỉ phủ kín mặt đất, nhóm cây leo như mây, song, vầu... loài cây thân gỗ quý hiếm như: lim, trắc, gụ, dẻ... động vật cũng khá phong phú: sóc, chồn, cáo, gà rừng, vẹt núi, chim sáo...
Để khai thác một cách hợp lý các giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh và du lịch của quần thể này, UBND huyện Yên Thành đã cho lập quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo khu du lịch tâm linh Rú Gám có quy mô khoảng 250 ha. Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Xuân Thành với điểm nhấn trung tâm là chùa Gám, từ đó phát triển không gian du lịch tâm linh, sinh thái với các địa danh khác nằm trong không gian du lịch của Nghệ An và Bắc Trung bộ.
Việc cho lập dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám là một quyết định có tính đột phá để tìm ra hướng đi cho phát triển du lịch của huyện Yên Thành. Làm cho Rú Gám sống dậy, lớn lên ngang tầm với vóc dáng của một danh sơn, nơi hội tụ anh linh của một vùng đất; đây cũng sẽ là điểm nhấn và là động lực phát triển du lịch của vùng quê lúa Yên Thành.
Quỳnh Hoa